(Baothanhhoa.vn) - Nghị định 177/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về việc niêm yết giá tại các chợ có hiệu lực từ ngày 1-1-2014. Theo đó, cửa hàng, ki-ốt kinh doanh thực hiện niêm yết giá theo các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng... để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 5 năm thực hiện, ngoại trừ các siêu thị thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, còn hầu hết các cửa hàng, chợ truyền thống, kinh doanh qua các trang mạng điện tử vẫn chưa thực hiện tốt việc này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khó khăn trong thực hiện quy định về niêm yết giá

Nghị định 177/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về việc niêm yết giá tại các chợ có hiệu lực từ ngày 1-1-2014. Theo đó, cửa hàng, ki-ốt kinh doanh thực hiện niêm yết giá theo các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng... để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 5 năm thực hiện, ngoại trừ các siêu thị thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, còn hầu hết các cửa hàng, chợ truyền thống, kinh doanh qua các trang mạng điện tử vẫn chưa thực hiện tốt việc này.

Khó khăn trong thực hiện quy định về niêm yết giá

Niêm yết giá để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong ảnh: Cửa hàng tự chọn xã Cẩm Phong (Cẩm Thủy) thực hiện niêm yết giá tất cả các mặt hàng kinh doanh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, việc chấp hành các quy định về giá, bán hàng theo giá niêm yết của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh còn mang tính hình thức, đối phó với các cơ quan chức năng. Nhiều chủ cơ sở kinh doanh cho rằng, việc thực hiện niêm yết giá gặp nhiều khó khăn do giá cả các loại hàng hóa có sự biến động hàng ngày. Điều này dẫn đến tình trạng không niêm yết giá vẫn diễn ra khá phổ biến, từ các mặt hàng gia dụng, đồ điện tử, quần áo cho đến gạo, mắm, muối, thịt, cá, rau, củ, quả... Thậm chí, người tiêu dùng cũng không quan tâm đến việc niêm yết giá tại các chợ, chính điều này đã làm cho người bán hàng đẩy giá sản phẩm lên cao hơn nhiều so với giá trị gốc của hàng hóa. Một số cơ sở kinh doanh có thực hiện việc niêm yết giá nhưng cũng chỉ mang tính hình thức và niêm yết giá cũng cao hơn nhiều so với giá bán hàng thực tế bởi thói quen mua hàng đều muốn trả giá của người tiêu dùng. Chính vì thế, tình trạng niêm yết một đằng, bán hàng một nẻo đã làm giảm niềm tin của người mua hàng. Đa phần khách hàng vẫn cho rằng, việc niêm yết giá giống như việc quy định mức “giá trần” còn thực tế giá bao nhiêu lại do sự mặc cả, thỏa thuận giữa hai bên.

Là một trong những chợ đầu mối có sức tiêu thụ hàng hóa lớn, chợ đầu mối rau quả thực phẩm Đông Hương (TP Thanh Hóa), hiện có hơn 1.000 hộ kinh doanh cố định và khoảng 2.000 quầy hàng không cố định, nhưng hầu hết các loại hàng hóa đều không được niêm yết giá bán, chỉ trừ một số sản phẩm thuộc hàng công nghệ chế biến đã được nhà sản xuất in trực tiếp trên bao bì. Vì vậy, nhiều người tiêu dùng khi mua hàng không biết được giá chính xác của từng sản phẩm để cân đối tài chính, lựa chọn mua cho hợp lý, dẫn đến tình trạng mua bị “hớ” khi chưa kịp cập nhật giá cả thị trường. Được biết thời gian qua, ban quản lý chợ cũng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các tiểu thương thể hiện văn minh thương mại như không đòi thách, không áp dụng chiêu “mở hàng” để bán giá cao... Và trong nội quy chợ cũng đã ghi rõ “Tất cả hàng hóa phải được niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết”. Song đến nay, hầu hết các tiểu thương đều không “mặn mà” với các quy định trên.

Không chỉ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm không thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết giá bán mà nhiều loại hình kinh doanh các mặt hàng có điều kiện cũng phớt lờ trong việc thực hiện quy định này. Điển hình như tại các cơ sở, cửa hàng kinh doanh thuốc tân dược, theo quy định, việc bán lẻ các loại thuốc phải được niêm yết công khai đến người tiêu dùng bằng cách viết lên bảng, in, dán lên bao bì và không được bán cao hơn giá niêm yết... Thế nhưng theo khảo sát của chúng tôi tại nhiều hiệu thuốc trên địa bàn TP Thanh Hóa đều không có bảng ghi giá thuốc bán lẻ, nếu có thì để trống hoặc chỉ ghi giá vài loại thuốc gọi là có. Theo một nhân viên bán hàng ở cửa hàng kinh doanh thuốc tân dược trên đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Quảng Thắng, cho biết: Giá thuốc đã được nhà sản xuất in trên bao bì thì treo bảng làm gì nữa. Nhưng khi chúng tôi chỉ vào hộp thuốc Neo-Codion sao không ghi giá - cô nhân viên vội giải thích: Thuốc đó mới nhập nên chưa kịp làm giá. Tại một số cửa hàng kinh doanh thuốc tân dược có treo bảng giá nhưng chỉ có chưa đến 30 mặt hàng trên tổng số hàng nghìn nhãn hàng được bán tại cửa hàng.

Mặc dù, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá đã quy định rõ: Đối với hành vi “không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật” và “niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng”, nếu vi phạm hai lần trở lên thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá thì mức phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện. Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết, trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, lực lượng chức năng mới kiểm tra, xử lý vi phạm về niêm yết giá tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, còn tại các quầy hàng, ki-ốt kinh doanh ở chợ mới dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh ký cam kết niêm yết giá hàng hóa, bán hàng đúng giá niêm yết, không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm chất lượng... Hàng năm, các đơn vị chuyên môn đã phát hiện và xử lý hơn 1.000 vụ vi phạm về lĩnh vực giá, chủ yếu là không niêm yết giá và bán không đúng giá niêm yết... với số tiền phạt lên đến hàng trăm triệu đồng. Dù liên tục bị kiểm tra, xử phạt nhưng lỗi vi phạm về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết vẫn tràn lan và nhiều biến tướng. Có tình trạng này một phần là do tâm lý của người tiêu dùng, nhưng quan trọng hơn là các tiểu thương, doanh nghiệp chưa có ý thức xây dựng kinh doanh thương mại hiện đại. Bên cạnh đó, mức xử phạt hành chính đối với các vi phạm về pháp lệnh giá còn thấp, không đủ mạnh để răn đe...

Từ những tồn tại trên cho thấy, đã đến lúc phải giải quyết nghiêm túc, triệt để những vi phạm về quy định niêm yết giá. Việc thực hiện trước hết đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, trong đó trực tiếp là Cục Quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm khắc, triệt để. Chính quyền các địa phương, Ban quản lý các chợ cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và có các hình thức xử lý phù hợp trong thẩm quyền của mình để góp phần ngăn chặn vi phạm này nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra chuyên ngành của các sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, xử lý theo ngành dọc của mình để đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về thực hiện quy định niêm yết giá.

Bài và ảnh: Minh Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]