(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay, tỉnh ta đã thực hiện quy hoạch 70 cụm công nghiệp (CCN). Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật CCN còn hạn chế thì giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư bằng hình thức xã hội hóa là tối ưu. Tuy nhiên, việc thực hiện kêu gọi nhà đầu tư trong lĩnh vực này còn gặp không ít khó khăn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khó khăn trong thu hút nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp

Hiện nay, tỉnh ta đã thực hiện quy hoạch 70 cụm công nghiệp (CCN). Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật CCN còn hạn chế thì giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư bằng hình thức xã hội hóa là tối ưu. Tuy nhiên, việc thực hiện kêu gọi nhà đầu tư trong lĩnh vực này còn gặp không ít khó khăn.

Không thu hút được nhà đầu tư hạ tầng, CCN Vức, xã Đông Hưng (TP Thanh Hóa) đang trong tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Minh Hằng

Để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật CCN, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 8-12-2016 về một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại. Theo đó, các doanh nghiệp, liên hiệp HTX, HTX khi thuê đất đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng CCN thuộc quy hoạch phát triển CCN được UBND tỉnh phê duyệt ngoài địa bàn TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, chưa được hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng từ ngân sách Trung ương, ngoài được hưởng các chính sách hiện hành còn được hỗ trợ một phần kinh phí để đầu tư các hạng mục, như: San lấp mặt bằng, xây dựng hệ thống đường nội bộ, hệ thống cấp nước, thoát nước; xử lý nước thải, chất thải; cấp điện, chiếu sáng công cộng; thông tin liên lạc nội bộ; nhà điều hành; nhà bảo vệ phục vụ cho hoạt động của CCN. Mức hỗ trợ được quy định cụ thể, như: Hỗ trợ 1,5 tỷ đồng/ha đối với CCN thuộc địa bàn các huyện 30a; riêng CCN thị trấn Mường Lát được hỗ trợ 2,3 tỷ đồng/ha; mức hỗ trợ tối đa không quá 40 tỷ đồng/CCN. Hỗ trợ 1 tỷ đồng/ha đối với CCN thuộc các huyện miền núi còn lại, mức hỗ trợ tối đa không quá 28 tỷ đồng/CCN. Hỗ trợ 0,7 tỷ đồng/ha đối với CCN thuộc các huyện đồng bằng và các huyện ven biển, mức hỗ trợ tối đa không quá 20 tỷ đồng/ha.

Ngay sau khi chính sách khuyến khích này ra đời, đã có một số doanh nghiệp tìm hiểu, đăng ký đầu tư tại một số CCN. Điển hình như Công ty CP Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Thanh Hóa làm chủ đầu tư CCN Bắc Hoằng Hóa (Hoằng Hóa), diện tích 50 ha; Liên doanh Công ty CP Đầu tư Skyland - Công ty BNB Hà Nội làm chủ đầu tư CCN Tam Linh (Nga Sơn); Công ty TNHH BNB Hà Nội làm chủ đầu tư dự án hạ tầng CCN Hòa Lộc (Hậu Lộc); Công ty CP Bê tông xây dựng A&P làm chủ đầu tư CCN Hoằng Phụ (Hoằng Hóa). Hiện nay, các chủ đầu tư đang tiến hành thủ tục đầu tư theo tiến độ dự án đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê từ Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh chỉ có 9 CCN đã thu hút được nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN và đã có quyết định phê duyệt. Trong khi đó, có hơn 40 CCN đã có doanh nghiệp thuê đất đầu tư sản xuất, kinh doanh và một số ít CCN cũng đã được hưởng chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng CCN từ nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh. Tuy nhiên, nguồn vốn trên chỉ đủ để các địa phương thực hiện những hạng mục chính, như: Bồi thường giải phóng mặt bằng, san lấp, đường giao thông nội bộ và hệ thống thoát nước thải. Không có nhà đầu tư hạ tầng dẫn đến các doanh nghiệp “mạnh ai nấy làm” trong việc xây dựng đường giao thông, hệ thống xử lý nước thải... khiến việc đầu tư một cách bài bản khi có điều kiện là vấn đề khó; việc thu hút đầu tư vào các CCN gặp không ít khó khăn do các doanh nghiệp “ái ngại” khi thuê đất phải tự đứng ra thực hiện mọi thủ tục.

Đại diện Phòng Công nghiệp, Sở Công Thương, cho biết: Hiện nay, chính sách về ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng CCN là khá rõ ràng. Tuy nhiên, cái khó ở đây là năng lực của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện còn yếu, nhất là khả năng tài chính. Trong khi đó, với 1 dự án đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng CCN thường có vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước lại cũng chỉ được thực hiện sau khi công tác đầu tư cơ bản hoàn thiện và thực hiện thu hút, lấp đầy tối thiểu 30% diện tích CCN, khiến nhiều nhà đầu tư chưa mặn mà.

Để tháo gỡ những “điểm nghẽn” này, Sở Công Thương đang tích cực thực hiện các giải pháp tuyên truyền, vận động, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư hạ tầng CCN. Theo đó, sẽ tổ chức công bố rộng rãi quy hoạch CCN, khẩn trương lập quy hoạch chi tiết CCN; cập nhật, bổ sung nhu cầu sử dụng đất vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị. Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, vốn ngân sách địa phương để làm động lực khuyến khích, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kinh doanh các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật CCN, nhất là CCN ở 11 huyện miền núi. Tổ chức thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đã được ban hành tại Nghị quyết số 29/2016/NQ-HĐND ngày 8-12-2016 của HĐND tỉnh. Tiếp tục cải cách hành chính, tạo lập môi trường sản xuất, kinh doanh thông thoáng, nâng cao năng lực của các cơ sở dịch vụ công để tạo “lực hút” trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng CCN.


Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]