(Baothanhhoa.vn) - Không chỉ có trữ lượng tre, luồng lớn nhất và chất lượng tốt nhất cả nước, tỉnh ta còn có trữ lượng gỗ lớn, mỗi năm cho khai thác từ 27.000 - 33.000 m3 gỗ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khó khăn trong thu hút đầu tư ở các huyện miền núi

Khó khăn trong thu hút đầu tư ở các huyện miền núi

Sản xuất đũa xuất khẩu tại Công ty CP Lâm sản Lang Chánh.

Không chỉ có trữ lượng tre, luồng lớn nhất và chất lượng tốt nhất cả nước, tỉnh ta còn có trữ lượng gỗ lớn, mỗi năm cho khai thác từ 27.000 - 33.000 m3 gỗ.

Bên cạnh đó, điều kiện thổ nhưỡng, địa hình ở các huyện miền núi thích hợp với việc phát triển nhiều loại cây lâm nghiệp, như: Keo, một số cây phục vụ cho công nghiệp chế biến thực phẩm như chè, mía... và cây dược liệu. Đó là cơ sở để các huyện miền núi phát triển ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Với các huyện có nguồn tài nguyên thiên nhiên khoáng sản như Thường Xuân, Quan Sơn, Lang Chánh... là điều kiện để đẩy mạnh thu hút đầu tư ngành nghề công nghiệp chế biến khoáng sản. Ngoài ra, với lợi thế địa hình, khí hậu, các địa phương miền núi còn có khả năng đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi đại gia súc. Trong những năm gần đây, điều kiện giao thông tại các huyện miền núi đã được đầu tư, xây dựng, tạo môi trường thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa, phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch.

Vậy nhưng hiện nay, việc thu hút đầu tư vào các huyện miền núi vẫn còn nhỏ lẻ và thiếu tính hệ thống. Các cơ sở sản xuất công nghiệp ít, năng lực còn hạn chế, hệ thống dịch vụ thương mại hiện đại chậm phát triển. Bên cạnh một số ít nhà máy có công nghệ tiên tiến, phần lớn các cơ sở chế biến công nghiệp ở miền núi mới phát triển ở mức độ sơ chế nông - lâm - sản và khai thác khoáng sản. Điển hình như tại huyện Ngọc Lặc, nơi hội tụ những ưu thế vượt trội hơn so với các huyện miền núi khác về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, thuận lợi để phát triển các ngành chế biến nông - lâm - sản, dịch vụ vận chuyển - kho bãi, du lịch, thương mại, các ngành sử dụng nhiều lao động như giầy da, may mặc và phát triển nhà ở, khu đô thị... Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn huyện vẫn chưa có dự án có vốn đầu tư, quy mô sản xuất lớn nào được triển khai.

Để tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển công nghiệp ở miền núi, hạn chế ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất tự phát, tỉnh ta cũng đã quy hoạch 21 cụm công nghiệp (CCN) với diện tích 643,7 ha tại các huyện miền núi. Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy các CCN này rất thấp. Một số CCN mới được quy hoạch về mặt diện tích, chưa có doanh nghiệp thuê đất đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Tại các huyện Quan Hóa, Bá Thước, qua nhiều năm kêu gọi thu hút đầu tư, các địa phương này vẫn chưa thu hút được dự án, nhà máy nào đầu tư bài bản sản phẩm từ tre, luồng. Tại huyện Quan Hóa, CCN Xuân Phú đã được quy hoạch từ năm 2011, tuy nhiên đến nay mới chỉ có 1 doanh nghiệp hoạt động ổn định. Đồng chí Phạm Văn Cương, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND huyện Quan Hóa, cho biết: Mặc dù diện tích, trữ lượng lớn, tuy nhiên hoạt động chế biến sản phẩm từ cây luồng ở Quan Hóa vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Những đơn vị có vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến tham gia đầu tư trên địa bàn chưa nhiều. Do đó, chưa khai thác hết giá trị của cây luồng.

Còn tại huyện Bá Thước được quy hoạch 2 CCN là CCN Điền Trung và CCN Thiết Ống, nhưng hiện cả 2 CCN này mới thu hút được 1 doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đại diện lãnh đạo UBND huyện Bá Thước, cho biết: Cùng quá trình vận động thu hút đầu tư, huyện đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, cải cách thủ tục hành chính. Hơn nữa, theo quy định của Chính phủ, huyện Bá Thước là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, do đó khi doanh nghiệp đầu tư vào địa phương sẽ được hưởng những cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư cao theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, với địa phương miền núi, mặc dù chi phí giải phóng mặt bằng không lớn, nhưng chi phí đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất lại tốn kém hơn nhiều các huyện đồng bằng. Hạ tầng các CCN lại chưa được đầu tư, hạ tầng thương mại còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, cần nguồn vốn lớn để đầu tư, do đó, thời gian thu hồi vốn lâu, ảnh hưởng không nhỏ đến các quyết định đầu tư của doanh nghiệp.

Để giải quyết những bất cập trên, nâng cao tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư ở các huyện miền núi, khai thác tối đa tiềm năng nơi đây, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, Nhà nước cần có cơ chế “khơi thông” chính sách tín dụng cho doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này. Đồng thời, chính quyền địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn trong việc hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận nguồn lực đất đai, hình thành những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn trong nông nghiệp. Bên cạnh việc kêu gọi hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương, tỉnh, các địa phương cũng cần chủ động trong việc nghiên cứu, bố trí ngân sách đầu tư phát triển hạ tầng các CCN nhằm tăng sức hấp dẫn cho nhà đầu tư. Đồng thời, hỗ trợ xúc tiến thương mại, ưu tiên trong việc thực hiện các chương trình, hoạt động khuyến công để nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp ở miền núi. Việc đáp ứng nguồn và chất lượng lao động ở khu vực miền núi cũng cần được quan tâm do khu vực này thiếu lao động có chuyên môn và nghiệp vụ giỏi, nhất là thiếu đội ngũ cán bộ có trình độ kỹ thuật cao và chuyên gia đầu ngành, tác phong làm việc công nghiệp còn hạn chế. Do đó, cùng với công tác vận động đầu tư, các địa phương cần định hướng, có kế hoạch để xây dựng bài bản hơn trong vấn đề này.

Minh Hằng


Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]