(Baothanhhoa.vn) - Dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc gắn tem truy xuất nguồn gốc nông sản trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do người tiêu dùng thờ ơ, doanh nghiệp chưa mặn mà.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khó khăn trong dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm

Dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc gắn tem truy xuất nguồn gốc nông sản trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do người tiêu dùng thờ ơ, doanh nghiệp chưa mặn mà.

Người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh truy xuất nguồn gốc sản phẩm cam của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng.

Người tiêu dùng thờ ơ

Dạo qua một số siêu thị như Big C, Coo.p Mark và một số cửa hàng tiện ích trên địa bàn TP Thanh Hóa, chỉ cần quan sát chúng ta dễ dàng nhận thấy nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm được dán các loại tem truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế thì việc sử dụng điện thoại smart phone để truy xuất nguồn gốc thông tin, hầu như không được người mua hàng quan tâm. Thậm chí, họ không biết tem truy xuất nguồn gốc dán ở đâu? hình dáng tem như thế nào? truy xuất xong, các số liệu có đúng hay không cũng là một trong những lý do khiến người tiêu dùng e ngại. Vì thế, người tiêu dùng chủ yếu lựa chọn thực phẩm theo thương hiệu hoặc xem hạn sử dụng, mã vạch sản phẩm có hay không. Rất nhiều người tiêu dùng có sử dụng điện thoại smart phone, nhưng lại không kết nối mạng hoặc có kết nối mạng nhưng lại không biết cách truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Trong khi đó, tại siêu thị hay cửa hàng tiện ích, hầu như không có một hướng dẫn nào để người tiêu dùng ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Vì thế, nhiều người tiêu dùng đành phải mua sắm theo thói quen truyền thống là kiểm tra bằng mắt, kinh nghiệm và đặt niềm tin vào siêu thị, vào thương hiệu mà mình lựa chọn. Chị Ngô Thị Hường, phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa), cho biết: Trước đây, mới triển khai dán tem truy xuất nguồn gốc thực phẩm, mỗi khi mua hàng là tôi lại check (tìm kiếm) nguồn gốc sản phẩm thông qua tem có mã QR code (mã truy xuất). Tuy nhiên, cũng chỉ áp dụng truy xuất nguồn gốc thực phẩm được một thời gian, tôi thấy nó rườm rà, mỗi lần lựa chọn sản phẩm lại đưa điện thoại lên chụp, rồi tra cứu rất bất tiện. Đấy là chưa nói đến việc nhiều người tiêu dùng không có điện thoại, hoặc điện thoại không có chức năng truy xuất.

Cơ sở sản xuất chưa mặn mà

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Thanh Hóa, nông sản, thực phẩm gắn tem truy xuất sẽ minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm bằng mã QR code, được giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước. Việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng công nghệ được chia thành các giai đoạn: Quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc nông sản từ khi sản phẩm được sản xuất ở cơ sở đến giai đoạn thu hoạch, vận chuyển, kinh doanh qua các hệ thống. Theo đó, nông sản, thực phẩm khi đưa đến người tiêu dùng sẽ được dán tem có mã vạch lưu trữ thông tin. Người tiêu dùng sẽ dùng một phần mềm ứng dụng cài đặt sẵn trên điện thoại để quét tem điện tử dán tại bao bì của sản phẩm và biết được các thông tin về nguồn gốc sản phẩm đó. Khi soi chiếu mã vạch dán trên sản phẩm nông sản, thực phẩm người dân có thể biết được thông tin về cơ sở sản xuất, quá trình chăm sóc, được nuôi trồng theo phương pháp nào, có chứng nhận an toàn hay không... Tuy nhiên, khi triển khai dán tem tại các cơ sở sản xuất vẫn còn hàng loạt vấn đề nảy sinh, như: Nhiều đơn vị phải thay đổi giấy in liên tục vì mỗi nhãn tem của các siêu thị lại có kích cỡ, mẫu mã và số liệu khác nhau. Vấn đề ghi nhật ký sản xuất cũng khiến các cơ sở sản xuất gặp khó bởi mọi số liệu đều ghi lại bằng tay, sau đó nhập thủ công lên máy tính. Gần đến ngày thu hoạch mỗi cơ sở lại phải nhập lại vào chương trình truy xuất, mất khá nhiều thời gian. Trong khi đó, trình độ người sản xuất còn hạn chế nên ghi nhật ký sản xuất chưa rõ ràng... Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất còn áp dụng công nghệ thông tin thấp, ngại tốn kém chi phí khi gắn mã vạch cho sản phẩm, không muốn sản phẩm bị kiểm soát. Đây là những rào cản lớn khiến người sản xuất vẫn chưa mặn mà với việc đăng ký truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Ngoài ra, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần phải có những thống nhất cụ thể về việc một loại tem mã QR code. Việc đăng ký xác nhận sản phẩm an toàn để dán tem truy xuất nguồn gốc đòi hỏi phải tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm nên chưa được địa phương, cơ sở sản xuất quan tâm thực hiện. Chi phí xây dựng bao bì, nhãn mác, tem nhận diện sản phẩm tương đối lớn, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm nên nhiều cơ sở chưa triển khai thực hiện... Ông Trần Văn Vũ, Phó Giám đốc Công ty CP Nông sản thực phẩm Việt Hưng, phường An Hoạch (TP Thanh Hóa) cho biết: Dán tem cho phép truy xuất đầy đủ thông tin sản xuất và phân phối sản phẩm là cách doanh nghiệp khẳng định sự minh bạch và uy tín của mình, xây dựng hình ảnh đáng tin cậy cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc dán tem truy xuất nguồn gốc khiến chi phí sản xuất tăng, khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại bán trên thị trường.

Việc dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2016, nhưng đến nay toàn tỉnh mới chỉ có 21 cơ sở sản xuất thực hiện. Trong khi trên địa bàn tỉnh hiện 1.874 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Để thu hút các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản, thực phẩm tham gia việc dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản, thực phẩm, các sở, ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong quá trình phát triển nông sản, thực phẩm bảo đảm an toàn.


Bài và ảnh: Lê Hợi

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]