(Baothanhhoa.vn) - Từng có điều kiện kinh tế khó khăn nhưng nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã vươn lên làm giàu bằng chính sức lao động của mình, biến đất hoang cằn cỗi thành những trang trại trù phú, có giá trị kinh tế cao.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khi nông dân biết làm giàu

Từng có điều kiện kinh tế khó khăn nhưng nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã vươn lên làm giàu bằng chính sức lao động của mình, biến đất hoang cằn cỗi thành những trang trại trù phú, có giá trị kinh tế cao.

Khi nông dân biết làm giàu

Mô hình nuôi lợn an toàn sinh học của gia đình anh Phạm Văn Chiến xã Vĩnh Minh (Vĩnh Lộc) mang lại lợi nhuận cao.

Áp dụng tiến bộ khoa học

Là một trong những người đi đầu trong chính sách khai hoang, phục hóa đất rừng của địa phương, năm 1992, gia đình bà Nguyễn Thị Dung, thị trấn Vân Du (Thạch Thành) nhận 30 ha đất rừng sản xuất tại Trạm Quản lý và Bảo vệ rừng Thành Vân. Nhận đất khai hoang được xem là quyết định khá “táo bạo” của gia đình bà Dung. Vì thời điểm đó, nơi đây “không điện, không nước, không đường đi” xung quanh chỉ toàn đồi núi, cây cối um tùm, dân cư thưa thớt. Bà Dung đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, xây dựng gia trại, trang trại tổng hợp.

Bà Dung cho biết: Để sản xuất hiệu quả, gia đình bà đã áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, đặc biệt là thực hiện thâm canh gối vụ để tạo ra nguồn thu nhập thường xuyên hàng năm, không bị gián đoạn. Ngoài ra, luân canh gối vụ còn giúp tạo thời gian nghỉ nhất định đối với đất. Thu nhập từ trang trại đã giúp bà Dung từng bước đưa gia đình từ một hộ nông dân nghèo đến gương điển hình về phát triển kinh tế ở địa phương.

Cũng mạnh dạn, cần cù, chịu khó và quyết tâm làm giàu từ chính mảnh đất quê hương mình, anh Phạm Văn Chiến, thôn 9, xã Vĩnh Minh (Vĩnh Lộc) đã thành công với mô hình nuôi lợn an toàn sinh học mang lại giá trị kinh tế cao.

Không nuôi lợn theo phương pháp truyền thống, anh Chiến đã áp dụng phương pháp hiện đại để nuôi lợn bằng cách cho lợn nghe nhạc để ngủ tốt, nhanh lớn; dùng thảo dược trộn với thức ăn nhằm giảm chi phí thuốc kháng sinh cho lợn. Đồng thời, xây ao nuôi cá kết hợp với các loại lương thực để chế biến thức ăn chăn nuôi an toàn. Đầu tư lò mổ tại nhà và cung ứng sản phẩm thịt đến tận tay người tiêu dùng.

Anh Chiến cho biết: Muốn chăn nuôi mang lại hiệu quả cao và bền vững, phải làm chủ được cả đầu ra và nguồn giống. Bên cạnh đó, trong điều kiện vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội, việc tạo được thương hiệu sẽ chiếm lĩnh được thị trường, có được chỗ đứng lâu dài. Từ ý tưởng đó, anh đã tìm tòi sách báo, tài liệu và đi tham quan học tập mô hình tại các địa phương, sau đó về thực hiện trên đàn lợn nhà mình. Anh mạnh dạn đầu tư thêm một số máy móc như: Máy trộn thức ăn, máy nghiền, máy nén viên, máy sấy... để tự chế biến thức ăn tại nhà cho đàn lợn.

Quy trình nuôi lợn bằng thảo dược đảm bảo an toàn sinh học được anh Chiến áp dụng theo công thức kết hợp trộn cám ngô, cám gạo với các loại thảo dược như: Hoa kim ngân, sa tiền, sài đất, bồ công anh, đinh lăng, hành, tỏi ta, trứng... Theo kinh nghiệm của anh đây là những loại dược liệu giúp đàn lợn tăng cường sức đề kháng, sinh trưởng phát triển tốt, phòng, chống được dịch bệnh hiệu quả. Nhờ áp dụng kỹ thuật chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, từ năm 2017 đến nay, đàn lợn của gia đình anh Chiến sinh trưởng và phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Trang trại luôn duy trì ổn định khoảng 40 lợn nái và hơn 300 lợn thịt.

Mang lại hiệu quả kinh tế cao

Mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học vào nghề nông, những người nông dân không chỉ làm giàu cho chính gia đình mình mà còn giúp nhiều gia đình khác thoát nghèo, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong địa phương.

Anh Phạm Văn Chiến chia sẻ: Nhờ áp dụng phương pháp hiện đại trong chăn nuôi mà từ đầu năm đến nay, trong khi người chăn nuôi điêu đứng vì bệnh dịch tả lợn châu Phi thì đàn lợn hơn 400 con của gia đình tôi vẫn sinh trưởng, phát triển tốt. Hàng ngày tôi vẫn xuất bán hàng chục con lợn, cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho các trường mầm non trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc và các cơ sở, cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch trên địa bàn TP Thanh Hóa. Với giá lợn hơi hiện tại dao động trên dưới 90.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình tôi cũng thu về hàng trăm triệu đồng tiền lãi sau mỗi lứa lợn.

Cũng theo anh Chiến, trong điều kiện bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, nhiều trang trại phải tiêu hủy hàng trăm con lợn và không dám tái đàn vì rủi ro cao. Theo dự báo thị trường thịt lợn Tết Nguyên đán 2020 sẽ rất khan hiếm và giá tăng cao do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, để có nguồn hàng ổn định, hiện tại gia đình tôi vẫn đảm bảo đủ các điều kiện để tiếp tục tái đàn, phục vụ nguồn thịt lợn cho Tết Nguyên đán 2020 sắp tới.

Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Dung sau gần 30 năm lập nghiệp giữa mảnh đất rừng hoang hóa, giờ đây, 30 ha rừng cằn cỗi đã biến thành cơ ngơi nông nghiệp có giá trị hàng tỷ đồng. Hiện gia đình bà Dung trồng 2 ha cỏ voi, cỏ Angola để làm thức ăn chăn nuôi gia súc; 2 ha mía nguyên liệu; 10 ha cây ăn trái các loại như thanh long ruột đỏ, bơ, cam, ổi; 7 ha trồng mắc ca... Tổng doanh thu từ trang trại, gia trại của gia đình bà Dung mỗi năm khoảng 3,5 tỷ đồng/năm, trong đó lợi nhuận đạt 1,5 tỷ đồng/năm.

Hiện gia đình bà Dung đang trồng thử nghiệm cây cam Vân Du xen với cây mắc ca. Thử nghiệm này bước đầu đã cho thành quả nhất định. Cây cam Vân Du trồng xen với mắc ca cho năng suất cao và đặc biệt là không có sâu bệnh.

Ngoài phát triển kinh tế trang trại, bà Dung còn tham gia rất nhiều hoạt động xã hội và các hoạt động đoàn thể như: Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hội Làm vườn xã Thành Vân, tổ trưởng tổ vay vốn, chủ nhiệm câu lạc bộ phát triển kinh tế thuộc hội nông dân xã...

Không chỉ vươn lên làm giàu cho bản thân, hàng năm, gia đình bà Dung còn phổ biến kinh nghiệm cho các hộ dân về kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt. Ngoài ra, bà còn tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động với mức lương bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng và 40-50 lao động thời vụ... Với những thành quả đã đạt được, bà Nguyễn Thị Dung vinh dự là một trong 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu của cả nước được bình chọn và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019”.

Từ 2 bàn tay trắng, với đức tính cần cù, chịu khó, nhiều nông dân đã biết vươn lên làm giàu chính đáng. Ngoài bà Nguyễn Thị Dung và anh Phạm Văn Chiến, trên địa bàn tỉnh còn nhiều gương điển hình nông dân làm kinh tế giỏi. Những cách làm hay để làm giàu từ nghề nông đang ngày càng được nhân rộng, người nông dân có thể làm giàu từ chính đồng ruộng nhờ mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, chăn nuôi, giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bài và ảnh: Hoàng Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]