(Baothanhhoa.vn) - Những ngày cuối tháng 8-2018 đã xảy ra mưa lớn làm ngập lụt ở một số huyện miền núi trong tỉnh như Cẩm Thủy, Quan Hóa, Mường Lát, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, trong đó nhiều diện tích lúa, hoa màu bị ngập, vùi lấp hoàn toàn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khẩn trương khôi phục sản xuất sau mưa lũ

Những ngày cuối tháng 8-2018 đã xảy ra mưa lớn làm ngập lụt ở một số huyện miền núi trong tỉnh như Cẩm Thủy, Quan Hóa, Mường Lát, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, trong đó nhiều diện tích lúa, hoa màu bị ngập, vùi lấp hoàn toàn.

Người dân xã Cẩm Phong (Cẩm Thủy) chăm sóc rau màu vụ đông.

Để khắc phục những thiệt hại do mưa lũ gây ra, các huyện đã khẩn trương chỉ đạo cơ sở khôi phục lại sản xuất nông nghiệp sau lũ.

Tại huyện Cẩm Thủy, riêng lĩnh vực nông nghiệp mưa lũ đã làm thiệt hại gần 1.600 ha cây màu; 745 ha mía; hơn 15 ha cây lâm nghiệp, công nghiệp; hơn 48 ha cây ăn quả; trên 135 ha rau màu các loại; nhiều diện tích ao hồ và lồng cá bị ngập; 14.400 con gia súc, gia cầm bị chết... Để giúp nhân dân khôi phục sản xuất, huyện đã tăng cường cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn bà con thu hoạch tận thu diện tích lúa, ngô bị vùi lấp, số diện tích lúa, hoa màu bị vùi lấp hoàn toàn huyện hỗ trợ nhân dân san gạt, cải tạo lại ruộng đồng để tiếp tục gieo cấy; với những diện tích lúa không khôi phục được, thực hiện chuyển đổi sang trồng ngô, hoa màu khác. Tính đến ngày 15-10-2018, huyện Cẩm Thủy đã khắc phục đất bãi ven sông và gieo trồng được 153,7 ha ngô và gần 200 ha rau màu các loại. Huyện cũng tập trung khắc phục các trạm bơm bị hư hỏng do ngập lụt, khắc phục tạm thời đập dâng Dương Huệ, xã Cẩm Phong để dâng nước phục vụ trạm bơm tưới nước cho cây trồng vụ đông và nước sinh hoạt cho người dân trong vùng...

Việc khôi phục sản xuất sau mưa lũ cũng được huyện Quan Hóa triển khai một cách tích cực. Toàn huyện có khoảng 43,05 ha lúa nước bị ngập lụt, vùi lấp; 10,2 ha luồng, xoan bị thiệt hại hoàn toàn; hàng ngàn gia súc, gia cầm bị chết... Ngay sau khi nước rút, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban tiếp cận cơ sở để hướng dẫn bà con nhanh chóng khắc phục ngay diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại; tiến hành làm vệ sinh đồng ruộng để nhanh chóng gieo trồng trở lại. Đối với diện tích không thể khắc phục được thì thực hiện các biện pháp tận thu, có kế hoạch chuyển sang trồng các loại rau màu ngắn ngày khác phù hợp với khung thời vụ. Tính đến ngày 15-10-2018, trên 80% diện tích sản xuất đã được khôi phục, người dân đã gieo trồng cây vụ đông được 15 ha. Về một số đập, hố thu nước bị ảnh hưởng đã được khắc phục, nạo vét, đắp bờ đá tạm để dẫn nước. Số kênh mương nội đồng bị vùi lấp là 1,299 km đã khắc phục được 1 km. Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo các xã hướng dẫn nhân dân nạo vét, đắp mương để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất vụ đông, toàn huyện phấn đấu sản xuất vụ đông năm 2018-2019 đạt diện tích 250 ha...

Tại huyện Mường Lát, đến thời điểm này, 325,22 ha lúa, 127,29 ha hoa màu và cây lâm nghiệp bị vùi lấp đều nằm dọc theo kênh mương đã bị mưa lũ làm hư hỏng, bởi vậy số diện tích lúa và hoa màu trên không có nước để tái sản xuất. Một phần diện tích đất nhỏ lẻ có thể tái sản xuất thì bà con chỉ trồng được rau cải và đậu... Ông Trần Văn Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Mường Lát cho biết hiện đơn vị đang tích cực phân công cán bộ bám địa bàn để nắm bắt tình hình, khẩn trương rà soát số diện tích nào có thể trồng được thì hướng dẫn cho bà con gieo trồng cho kịp thời vụ...

Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và các lực lượng, việc khôi phục sản xuất nông nghiệp đã và đang được khẩn trương triển khai, góp phần từng bước ổn định đời sống, giảm bớt khó khăn cho nông dân vùng lũ.


Bài và ảnh: Gia Bảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]