(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay, trên địa bàn huyện Thiệu Hóa có khoảng hơn 2.500 hộ gia đình và cơ sở sản xuất nghề truyền thống, tạo việc làm cho khoảng gần 6.200 lao động, thu nhập bình quân mỗi lao động ước đạt 32 triệu đồng/năm, giá trị sản xuất ước đạt 211 tỷ đồng/năm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Thiệu Hóa phát triển nghề truyền thống, nhân cấy nghề mới

Hiện nay, trên địa bàn huyện Thiệu Hóa có khoảng hơn 2.500 hộ gia đình và cơ sở sản xuất nghề truyền thống, tạo việc làm cho khoảng gần 6.200 lao động, thu nhập bình quân mỗi lao động ước đạt 32 triệu đồng/năm, giá trị sản xuất ước đạt 211 tỷ đồng/năm.

Sản xuất mộc dân dụng tại xã Thiệu Toán (Thiệu Hóa).

Các nghề truyền thống có thế mạnh đã và đang phát triển ổn định, mang lại giá trị kinh tế và thu nhập cho nhân dân, như: Nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu, đúc đồng, bánh đa... Bên cạnh đó, một số nghề cũng có sự phát triển nhanh, như nghề mộc, xây dựng. Đối với nghề trồng dâu nuôi tằm hiện đang phát triển ở 10 xã với diện tích trồng dâu gần 130 ha, tạo việc làm cho 2.260 lao động. Làng nghề bánh đa Đắc Châu, xã Thiệu Châu hiện có 191 hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho khoảng 400 lao động, giá trị sản xuất ước đạt 25 tỷ đồng mỗi năm.

Để phát triển các nghề truyền thống của địa phương, huyện Thiệu Hóa đã quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình phát triển và xây dựng thương hiệu để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Sản phẩm tơ Hồng Đô của xã Thiệu Đô đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu. Từ năm 2015, huyện Thiệu Hóa đã có 3 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, đó là làng nghề đúc đồng Thiệu Trung; ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô, xã Thiệu Đô; làng bánh đa Đắc Châu, xã Thiệu Châu. Cùng với đó, bằng nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh và đóng góp của các cơ sở đúc đồng, huyện đã xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho cụm làng nghề đúc đồng tại thôn Trà Đông, xã Thiệu Trung. Cụm làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô, xã Thiệu Đô, với diện tích 2,43 ha cũng được đầu tư xây dựng với vốn đầu tư hơn 21 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có 17 xã đã thực hiện quy hoạch cụm làng nghề hoặc khu vực sản xuất tập trung, với tổng diện tích 100 ha.

Bên cạnh việc phát triển các nghề truyền thống; việc du nhập, nhân cấy nghề mới thời gian qua cũng được huyện quan tâm. Giai đoạn 2012-2017, trên địa bàn huyện đã mở được 43 lớp đào tạo nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với 1.067 người tham gia. Các ngành nghề đào tạo chính là may công nghiệp, sửa chữa máy nông nghiệp, nghề mây giang xiên, trồng nấm, trồng đinh lăng... Đã có 55% lao động có việc làm sau học nghề. Một số nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao như nghề sửa chữa máy nông nghiệp, mây giang xiên ở các xã Thiệu Long, Thiệu Hợp, Thiệu Minh, Thiệu Chính, Thiệu Giang; nghề làm chổi lông, chổi cước ở Thiệu Hợp, nghề làm mi mắt giả tại Thiệu Nguyên...

Tuy nhiên, quá trình phát triển nghề truyền thống và du nhập, nhân cấy nghề mới vẫn còn một số hạn chế, như: Tốc độ khôi phục nghề truyền thống chậm; hiệu quả du nhập, nhân cấy nghề mới thấp; việc liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp, cơ sở chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ; giá trị ngày công lao động còn thấp.

Để phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của cụm làng nghề hiện có; phát triển các cụm công nghiệp, cụm làng nghề mới; đồng thời, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, huyện Thiệu Hóa đã ban hành Đề án “Phát triển hạ tầng cụm công nghiệp, cụm làng nghề; thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”. Theo đó, huyện Thiệu Hóa đề ra mục tiêu giai đoạn 2016-2020, phấn đấu 2 cụm làng nghề Thiệu Trung và Thiệu Đô đi vào hoạt động có hiệu quả. Hình thành cụm làng nghề Thiệu Tâm với ngành nghề chính là sản xuất cá giống; cụm làng nghề Thiệu Châu với ngành nghề sản xuất bánh đa; thành lập cụm công nghiệp thị trấn Vạn Hà, cụm công nghiệp Thiệu Đô; kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các cụm công nghiệp. Đến năm 2025, phấn đấu phát triển thêm 2 cụm làng nghề tại các xã: Thiệu Vũ và Thiệu Nguyên, với ngành nghề sản xuất chính là mộc dân dụng.


Bài và ảnh: Lương Khánh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]