(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, huyện Thạch Thành triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế; trong đó, trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp. Thực tế cho thấy, kinh tế của huyện đã có bước phát triển đáng khích lệ, đời sống của nhân dân dần được nâng lên, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Thạch Thành thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế

Huyện Thạch Thành thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế

Thi công nâng cấp đường tỉnh 516 qua xã Thạch Tân.

Những năm qua, huyện Thạch Thành triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế; trong đó, trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp. Thực tế cho thấy, kinh tế của huyện đã có bước phát triển đáng khích lệ, đời sống của nhân dân dần được nâng lên, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, những năm qua, huyện Thạch Thành tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu trong lĩnh vực trồng trọt bằng việc chuyển đổi diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, đưa các loại cây trồng có tiềm năng năng suất cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng trên địa bàn, sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường vào gieo trồng. Thực hiện dồn điền, đổi thửa, khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân tích tụ ruộng đất để tổ chức sản xuất tập trung quy mô lớn. Kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; trong đó, trọng tâm là thực hiện liên kết với nông dân để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng kinh tế. Chỉ tính riêng năm 2018, huyện đã chuyển đổi hơn 411 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây khác có hiệu quả và giá trị kinh tế cao hơn; trong đó, chuyển sang trồng mía nguyên liệu 291,7 ha, chuyển sang trồng ngô và cây rau màu 119,6 ha. Tiếp tục thực hiện 30 cánh đồng lớn sản xuất lúa tập trung ở cả 2 vụ, đưa nhiều giống lúa có năng suất, chất lượng cao và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Tiếp tục thực hiện xây dựng cánh đồng lớn cơ giới hóa đồng bộ sản xuất mía nguyên liệu và đã mở rộng thêm 301,7 ha cánh đồng lớn, nâng tổng diện tích sản xuất mía cánh đồng lớn toàn huyện lên 816,7 ha.

Ngoài ra, huyện thực hiện có hiệu quả việc mở rộng diện tích sản xuất các cây trồng có lợi thế và có giá trị kinh tế cao, như: Cam, bưởi, ổi, thanh long... Đồng thời, tổ chức triển khai chương trình “mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” và xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cam Vân Du. Cơ cấu vật nuôi dịch chuyển sang các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, như: Nuôi ong, gia cầm; chăn nuôi trang trại, gia trại tiếp tục phát triển. Chuyển đổi 6,4 ha diện tích đất lúa vùng trũng thấp sang nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Thành lập tổ xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tích cực, chủ động kêu gọi, xúc tiến đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và cá nhân tiến hành đầu tư vào địa bàn nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của huyện, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân, tăng thu ngân sách địa phương, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững. Kết quả năm 2018, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện Thạch Thành đạt hơn 9.189 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân đầu người 35,2 triệu đồng. Ngoài ra, huyện huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, như: Đường giao thông, đê, kênh mương nội đồng, trạm bơm... Nhiều công trình hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng chí Đỗ Thị Phiến, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thạch Thành, cho biết: Huyện tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện, trọng tâm là các lĩnh vực trụ cột, như: Nông nghiệp; công nghiệp chế biến; khai thác du lịch, y tế; phát triển hạ tầng, đô thị. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường thu hút, huy động vốn đầu tư cho phát triển, phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt từ 15,9% trở lên. Thu nhập bình quân đầu người 39,6 triệu đồng. Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực.

Huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo động lực để phát triển sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, nâng cao giá trị kinh tế trên từng đơn vị diện tích. Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp sạch an toàn thực phẩm; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục rà soát, chuyển đổi 300 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Thực hiện cánh đồng lớn, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Liên doanh, liên kết với các công ty giống, phân bón để hỗ trợ, giúp đỡ cho nhân dân và chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Tập trung đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất mía nguyên liệu bình quân trên địa bàn đạt 70 tấn/ha trở lên. Thực hiện chuyển đổi, tích tụ đất để mở rộng diện tích cây ăn quả, như: Cam, bưởi, ổi, thanh long... Tiếp tục thực hiện xây dựng chương trình “mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020; hoàn thành xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cam Vân Du. Thực hiện rà soát, cải tạo diện tích rừng sản xuất, trồng rừng gỗ lớn; phấn đấu trồng 120 ha rừng tập trung trong năm 2019. Khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế kết hợp chăn nuôi, trồng cây ăn quả, cây lâm sản ngoài gỗ với khai thác rừng bền vững; tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư, phát triển vùng rừng nguyên liệu; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện chuyển đổi 16 ha diện tích đất lúa vùng trũng, thấp, diện tích đầu trạm bơm, chân hồ đập sang nuôi trồng thủy sản. Phấn đấu đưa giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 89 triệu đồng/năm. Đẩy mạnh tái cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng ưu tiên phát triển các con nuôi có lợi thế của từng vùng gắn với nhu cầu thị trường; khuyến khích chuyển từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm vệ sinh môi trường. Tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, quản lý, giám sát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng chất cấm. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ đang hoạt động đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp mới đầu tư vào địa bàn huyện; tập trung thu hút đầu tư vào các khu cụm công nghiệp Vân Du, Thạch Quảng, Đồng Khanh và các khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế mà nhà đầu tư quan tâm.

Xuân Hùng


Xuân Hùng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]