(Baothanhhoa.vn) - Trước tình trạng nhiều cá nhân, hộ gia đình lấy lý do hạ thấp đất đồi canh tác, cải tạo vườn tạp để khai thác và buôn bán đất trái phép, huyện Thạch Thành đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường công tác quản lý, đồng thời kiên quyết xử phạt nghiêm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Thạch Thành tăng cường công tác quản lý khai thác khoáng sản

Trước tình trạng nhiều cá nhân, hộ gia đình lấy lý do hạ thấp đất đồi canh tác, cải tạo vườn tạp để khai thác và buôn bán đất trái phép, huyện Thạch Thành đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường công tác quản lý, đồng thời kiên quyết xử phạt nghiêm.

Núp bóng dưới hình thức cải tạo, hạ thấp mặt bằng vườn đồi, tình trạng khai thác đất trái phép xảy ra khá phổ biến tại nhiều xã của huyện Thạch Thành.

Xã Thành Tân là một trong những địa bàn được xem là “nóng” về tình trạng người dân tự ý cải tạo vườn tạp để lợi dụng khai thác đất đồi đem đi bán trái quy định. Từ phản ánh của người dân, đầu tháng 7-2018, chúng tôi tới thôn Thạch Lỗi thì bắt gặp máy múc đang hoạt động khai thác đất đồi, nhiều xe tải xếp hàng chờ chở đất đi nơi khác. Một khối lượng đất khá lớn đã được đào đi để lại một khoảng không rộng cả trăm mét vuông. Qua tìm hiểu, được biết đây là phần đất đồi canh tác của một hộ dân trong thôn. Lấy lý do hạ thấp mặt bằng để chuyển đổi canh tác, sau khi được UBND xã cho phép, hộ dân nói trên đã cho máy múc đến khai thác, múc đất đưa ra khỏi địa bàn. Nhiều người dân cho rằng, đây là hoạt động khai thác và buôn bán đất trá hình, vừa gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước, vừa kéo theo nhiều hệ lụy khác như làm hư hỏng hệ thống đường tỉnh, đường liên thôn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do xe tải chở đất “hoành hành” mà không cần phủ bạt che đậy như quy định, gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Không chỉ ở thôn Thạch Lỗi, trước đó trên địa bàn xã Thành Tân vẫn tồn tại nhiều “mỏ đất trá hình” từ các khu vực đất vườn đồi của các hộ dân. Trong khi đó, lãnh đạo UBND xã khẳng định đó là các hộ dân đang thực hiện quá trình cải tạo vườn tạp nên buộc phải múc đất đem đi để hạ thấp độ cao.

Đây cũng là thực trạng xảy ra khá phổ biến trên địa bàn nhiều xã của huyện Thạch Thành, đặc biệt là từ những tháng cuối năm 2017 đến nay. Từ thị trấn Kim Tân dọc tuyến đường tỉnh 523 lên đường Hồ Chí Minh không khó để bắt gặp tình trạng “đất tặc” hoành hành cũng với lý do san vườn hạ thấp độ cao làm nhà... Trên tuyến đường này, đoạn qua hai xã Thành Kim và Thành Trực có hàng chục điểm khai thác đất, mới có, cũ có. Nguy hiểm hơn khi hầu hết các điểm khai thác trá hình này đều không được thực hiện đúng quy định về khai thác mỏ và thiết kế cắt tầng chống sạt trượt, bảo vệ môi trường, an toàn trong khai thác. Nhiều vị trí đã bị máy xúc khoét thành hàm ếch hoặc trở thành vách đất, nguy cơ sạt lở mất an toàn cho người dân rất cao... Qua tìm hiểu thực tế, nếu máy cỡ lớn hoạt động hết công suất, mỗi ngày lượng đất được khai thác lên đến hàng trăm khối. Mỗi khối đất bán đến hộ dân san lấp từ 40.000 - 50.000 đồng trở lên tùy thuộc vào thời điểm trong năm và nhu cầu về đất để san lấp mặt bằng phục vụ các công trình xây dựng, số tiền thu về không nhỏ. Nhiều chủ máy xúc thỏa thuận ngầm với các hộ dân, để hộ dân xin xác nhận của chính quyền san vườn, hạ thấp độ cao làm nhà để khai thác đất.

Thực trạng cũng phần nào cho thấy sự buông lỏng quản lý của chính quyền các địa phương, sự vào cuộc còn thiếu quyết liệt của các ngành chức năng huyện Thạch Thành. Nhiều doanh nghiệp mặc dù đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác đất tại địa điểm cố định nhưng vẫn có tình trạng lén lút khai thác đất từ các hộ dân. Một số xã vì cần đất san lấp mặt bằng để xây dựng các công trình công cộng, cơ sở vật chất nên đã “tặc lưỡi” cho các cá nhân, doanh nghiệp vào khai thác đất tại các hộ dân có nhu cầu cải tạo, hạ thấp đất nền vườn đồi. Việc cho phép các hộ dân cải tạo vườn tạp, hạ thấp đất đồi để chuyển đổi cây trồng giờ đây đã trở thành “kẽ hở” để chính người dân có điều kiện “bắt tay” với các đầu nậu khai thác đất đem đi bán kiếm lời. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều hộ dân sau khi được “hạ thấp” độ cao thì vườn cũng không thể canh tác được do hiện trạng đất thay đổi, vị trí thì bị sạt lở vùi lấp, nơi thành hố sâu, nơi chỉ còn trơ lại đá không thể trồng cây... Nhiều nhà dân nằm lọt thỏm dưới những vách đất cao từ 10 đến 20m sau khi đất bị khai thác. Trong trường hợp mưa lớn xảy ra, nguy cơ hàng nghìn khối đất, đá từ trên núi có thể tụt xuống bất cứ lúc nào. Khi có các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện xuống làm việc thì các hộ dân đều đưa ra lý do khá đơn giản là đang thực hiện cải tạo vườn tạp, đất đồi để chuyển đổi hình thức canh tác. Bởi vậy, công tác xác định, xử lý vi phạm gặp không ít khó khăn, nhất là khi chính quyền sở tại buông lỏng công tác quản lý. Việc cho phép người dân cải tạo vườn tạp, hạ thấp đất nền chưa đi đôi với công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên. Nhiều hộ dân vì những lợi ích trước mắt đã bất chấp, tiếp tay cho tình trạng khai thác, buôn bán đất trái phép.

Năm 2017, toàn huyện phát hiện xử phạt 6 trường hợp vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản, múc đất san lấp trái phép với số tiền là 94,5 triệu đồng. Cũng với hành vi tương tự, đầu tháng 3-2018, các lực lượng chức năng của huyện đã xử phạt 3 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, đó là các ông Lê Văn Dũng, ở xã Thạch Quảng; Lê Xuân Đáp và Đỗ Văn Vĩnh, đều ở xã Thành Trực. Cả 3 trường hợp này đều làm nghề lái máy múc và san lấp mặt bằng, bị phát hiện bắt giữ khi có hành vi khai thác khoáng sản khi không có giấy phép khai thác của cơ quan Nhà nước. Ngoài ra, huyện cũng đã thực hiện xử lý cảnh cáo đối với nhiều trường hợp khác, đồng thời tạm dừng việc khai thác đối với nhiều điểm tự phát, có dấu hiệu vi phạm.

Ông Trần Bá Sơn, Trưởng Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Thạch Thành cho biết: Từ đầu năm 2018 đến nay, huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh, siết chặt công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và tăng cường công tác kiểm tra việc khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện, ngăn chặn kịp thời những trường hợp khai thác khoáng sản trái phép. Chủ tịch UBND huyện cũng đã giao người đứng đầu các địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng khai thác đất trái phép.


Bài và ảnh: Gia Khánh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]