(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, từ năm 2016 đến nay, huyện Thạch Thành tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật về giống, công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong đó, tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế của từng vùng, từng địa phương, nhu cầu thị trường, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong quá trình sản xuất.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Thạch Thành phát triển sản xuất theo hướng nâng cao giá trị kinh tế

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, từ năm 2016 đến nay, huyện Thạch Thành tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật về giống, công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong đó, tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế của từng vùng, từng địa phương, nhu cầu thị trường, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong quá trình sản xuất.

Huyện Thạch Thành phát triển sản xuất theo hướng nâng cao giá trị kinh tế

Nông dân xã Thạch Hưng chăm sóc bí xanh.

UBND huyện tổ chức xây dựng phương án sản xuất cánh đồng lớn tại 16 xã vùng trọng điểm lúa, kết quả đến hết tháng 2 – 2019, trên địa bàn đã tập trung sản xuất 1.223 ha lúa/vụ. Bên cạnh đó, huyện đã đầu tư, khuyến khích nhân dân sử dụng máy cấy không động cơ và phân viên nén chậm tan vào sản xuất trên cánh đồng lớn nhằm tiết kiệm chi phí, công lao động và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năng suất bình quân trên cánh đồng lớn tăng từ 55 tạ/ha ở vụ xuân lên tới 58 tạ/ha; vụ mùa tăng từ 50 tạ lên 52,5tạ/ha. Chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả, năng suất thấp sang trồng mía, trồng cây màu khác, như: Ngô dày, rau màu, cây dược liệu có hiệu quả kinh tế cao và chuyển đất lúa vùng trũng thấp sang nuôi trồng thủy sản. Từ năm 2016 đến hết tháng 2 – 2019, toàn huyện thực hiện chuyển đổi 642 ha đất lúa, đạt 100,3% so với kế hoạch; bao gồm: Chuyển 463,9 ha đất lúa kém hiệu quả kinh tế sang trồng mía, chuyển 175,3 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô và rau màu, chuyển 27 ha đất lúa vùng trũng thấp sang nuôi trồng thủy sản... Tổ chức sản xuất mía nguyên liệu cánh đồng lớn, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ. Tổng diện tích thực hiện cánh đồng lớn và thâm canh đạt 808 ha, năng suất bình quân tăng từ 70 tấn lên hơn 100 tấn/ha. Thực hiện sản xuất lúa nếp hạt cau hơn 100 ha, năng suất bình quân đạt 44 tạ/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn 3 đến 4 lần so với sản xuất lúa đại trà. Thực hiện sản xuất rau an toàn tập trung 6 ha và 12.000m2 nhà lưới, với các loại rau có giá trị kinh tế cao, như cà chua, bí xanh, dưa chuột và rau các loại gắn với tiêu thụ tập trung tại các chợ đầu mối.

Đi đôi với đó, UBND huyện Thạch Thành phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, rà soát, quy hoạch vùng cây ăn quả tập trung, lấy ý kiến của các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh và thống nhất định hướng phát triển vùng sản xuất cây ăn quả tập trung trên địa bàn đến năm 2020, với tổng diện tích 1.317,36 ha. Đồng thời, phục tráng và tuyển chọn cây đầu dòng cam Vân Du để xây dựng thương hiệu, xây dựng các mô hình sản xuất thâm canh để đánh giá hiệu quả kinh tế. Chỉ đạo xây dựng các vùng cây ăn quả tập trung quy mô lớn, có giá trị kinh tế cao như cam, bưởi, tổng diện tích cây có múi 478 ha; trong đó, cam các loại 220 ha, bưởi các loại 258 ha. Bên cạnh đó, phát huy lợi thế chất đất phì nhiêu, khí hậu, nhiệt độ, ẩm độ phù hợp để phát triển cây nghệ vàng cung cấp nguyên liệu cho nhà máy sản xuất ứng dụng công nghệ Nano bào chế curcumin. Hiện tổng diện tích thâm canh cây nghệ vàng trên địa bàn huyện hơn 100 ha; tập trung chủ yếu tại Nông trường Thạch Quảng, với sản lượng tiêu thụ hàng năm khoảng 2.000 tấn nghệ tươi, hiệu quả kinh tế từ phát triển cây nghệ cho thấy tiềm năng lợi thế cao và thị trường tiêu thụ ổn định. Huyện chú trọng phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng an toàn, bền vững. Tổng trang trại hiện có trên địa bàn 1.553 trang trại; trong đó, trang trại chăn nuôi tập trung 232, trang trại trồng trọt 270, trang trại tổng hợp 548, trang trại lâm nghiệp 23, trang trại thủy sản 80. Thu hút doanh nghiệp Newhope vào đầu tư xây dựng dự án khu trang trại sản xuất, kinh doanh giống lợn và gia công chăn nuôi lợn thương phẩm chất lượng cao, an toàn tại xã Thạch Tượng. Tổng diện tích đất dự kiến sử dụng 109 ha, công suất chuồng 500.000 con/năm; trong đó, giai đoạn 1 là 70.000 con/năm, giai đoạn 2 là 430.000 con/năm. Áp dụng công nghệ để chăn nuôi lợn tập trung quy mô công nghiệp nhằm tạo ra nguồn thực phẩm sạch bảo đảm tiêu chuẩn cung cấp cho thị trường xuất khẩu, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động và phát triển kinh tế tại địa phương.

Bà Đỗ Thị Phiến, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thạch Thành, cho biết: Để nâng cao giá trị kinh tế trong quá trình sản xuất, huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị kinh tế trong quá trình sản xuất. Trong đó, tập trung thực hiện có hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Chuyển đổi đất lúa thường xuyên bị hạn, thiếu nước tưới, năng suất thấp sang trồng mía, cây màu cạn và chuyển đất lúa vùng trũng thấp sang nuôi trồng thủy sản. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, quy mô lớn, bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm.

Huyện tập trung thực hiện sản xuất cánh đồng lớn tại các xã vùng trọng điểm lúa, giữ ổn định diện tích 1.250 ha/vụ, sử dụng các loại giống lúa năng suất, chất lượng; tạo ra vùng sản xuất tập trung, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ gieo cấy đến thu hoạch, nâng cao thu nhập cho nhân dân, giảm chi phí sản xuất. Tiếp tục phát triển sản xuất vùng lúa nếp hạt cau tại các xã Thạch Bình, Thạch Đồng để phát triển sản xuất hàng hóa, làm cơ sở xây dựng, đề nghị cấp chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. Tích cực phát triển diện tích gieo trồng ngô vụ đông, phấn đấu diện tích ổn định 3.000 ha ngô; tập trung đầu tư thâm canh (đưa các giống ngô lai năng suất cao, các giống ngô biến đổi gen thích hợp gieo trồng vụ đông vào sản xuất đại trà) để tăng năng suất và sản lượng. Mỗi năm thực hiện cánh đồng lớn sản xuất mía nguyên liệu áp dụng cơ giới hoá đồng bộ và thâm canh 300 ha trở lên. Chuyển diện tích đất trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp sang trồng mía thâm canh để bảo đảm diện tích nguyên liệu hàng năm ổn định 5.200 ha. Đối với mía tím Kim Tân, khuyến khích nhân dân các xã Thành Trực, Thành Tân, Thành Công, Thành Vân, Thành Kim tận dụng quỹ đất giao ổn định lâu dài để trồng mía tím hàng hóa. Đồng thời, điều tra, đánh giá phát triển làm cơ sở để xây dựng thương hiệu mía tím Kim Tân theo chỉ dẫn địa lý trong năm 2019. Phát triển vùng cây ăn quả sản xuất hàng hóa, mở rộng diện tích trồng cây có múi, phấn đấu đến năm 2020 đạt hơn 1.000 ha. Tiếp tục phục tráng cây đầu dòng giống cam Vân Du để nhân giống cung cấp cho sản xuất cây ăn quả trên địa bàn. Tiếp tục phát triển cây nghệ vàng và một số cây dược liệu, như: Diêm mạch, hy thiêm, ích mẫu... Chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả kinh tế sang nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa và phát triển bền vững gắn với việc tổ chức lại sản xuất ngành thủy sản. Tập trung đầu tư phát triển công nghiệp chế biến; nhất là chế biến theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ; cơ sở sơ chế, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc, có cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận.

Bài và ảnh: Xuân Hùng


Bài Và Ảnh: Xuân Hùng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]