(Baothanhhoa.vn) - Trong thời gian qua, ngành sản xuất nông nghiệp của huyện Quảng Xương đã có sự thay đổi rõ rệt, từng bước khắc phục được tình trạng sản xuất manh mún, tạo điều kiện cho việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, dần hình thành những vùng sản xuất tập trung, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Quảng Xương tái cơ cấu nông nghiệp để phát triển bền vững

Huyện Quảng Xương tái cơ cấu nông nghiệp để phát triển bền vững

Trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Quảng Lưu.

Trong thời gian qua, ngành sản xuất nông nghiệp của huyện Quảng Xương đã có sự thay đổi rõ rệt, từng bước khắc phục được tình trạng sản xuất manh mún, tạo điều kiện cho việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, dần hình thành những vùng sản xuất tập trung, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn.

Đây là nền tảng quan trọng góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, cải thiện mức sống của người dân.

Mô hình nhà màng của gia đình anh Ngô Hữu Sáu, ở thôn Mậu Đông, xã Quảng Lưu, là một trong những điển hình về phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao. Với diện tích 2 ha chuyên trồng hành theo hướng VietGAP, anh Sáu chia sẻ: Trước đây, diện tích đất canh tác nhỏ hẹp, gia đình chỉ sản xuất theo phương thức truyền thống, mỗi thứ một ít, nên thu nhập không cao. Sau khi huyện tiến hành dồn đổi, tích tụ ruộng đất, tôi đã quyết định đầu tư sản xuất quy mô lớn. Từ thành công bước đầu, tôi xây dựng hệ thống nhà lưới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, do đó công lao động, chi phí vật tư phân bón cũng giảm, trong khi đó năng suất sản phẩm lại tăng, chất lượng bảo đảm, do đó, lợi nhuận tăng gấp nhiều lần so với trước đây. Hiện mỗi năm gia đình anh Sáu trồng 6 vụ hành, thu nhập khoảng 200 triệu đồng/vụ.

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, huyện Quảng Xương đã tập trung chỉ đạo tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trên từng đơn vị diện tích, đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của địa phương, hình thành vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh. Huyện đã thực hiện dồn đổi, tích tụ tập trung đất đai, xem đây là điểm tựa vững chắc cho việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả. Trong quá trình thực hiện dồn đổi, dù gặp phải không ít khó khăn, song với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, từng bước tháo gỡ những nút thắt, trong đó tập trung tuyên truyền để nâng cao nhận thức, làm thay đổi tư duy canh tác. Chỉ trong vòng 5 năm, huyện đã thực hiện dồn đổi ở hầu hết các xã với tổng diện tích dồn đổi hàng nghìn ha. Sau thực hiện dồn đổi, tích tụ tập trung đất đai, trên địa bàn huyện dần hình thành các vùng chuyên canh giống mới có năng suất, chất lượng cao như măng tây, ớt, cam Canh, bưởi Diễn, cây dược liệu...; phát triển các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao và các tiêu chuẩn an toàn sinh học. Trong giai đoạn 2015-2020, huyện đã hình thành được nhiều vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến, như: Vùng nguyên liệu sản xuất tập trung lúa chất lượng cao khoảng 3.500 ha ở các xã Quảng Văn, Quảng Hòa, Quảng Hợp, Quảng Ngọc, Quảng Nhân, Quảng Long, Quảng Yên; vùng sản xuất rau an toàn tập trung theo hướng VietGAP có tổng diện tích hơn 30 ha ở các xã Quảng Lưu, Quảng Yên, Quảng Tân. Đồng thời, hình thành và phát triển được một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Vùng trồng rau, quả, rau thủy canh trong nhà kính ở các xã Quảng Tân, Quảng Hợp, Quảng Lưu... với hơn 30.000m2 nhà kính.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, huyện Quảng Xương chuyển dần phương thức chăn nuôi nông hộ sang phương thức chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp và trang trại để có điều kiện ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, huyện xây dựng được 5 trang trại chăn nuôi bò BBB chuyên thịt chất lượng cao ở các xã Quảng Tân, Quảng Phong, Quảng Yên, Quảng Trường; 1 cụm chăn nuôi lợn trang trại công nghiệp liên kết với Tập đoàn CP với quy mô 2.000 lợn chuyên thịt; 8 trang trại chăn nuôi gà, vịt tập trung, chăn nuôi theo hướng VietGAP bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị ở các xã Quảng Định, Quảng Ninh, Quảng Hợp với quy mô hơn 10.000 con/trang trại; 2 trang trại chăn nuôi thỏ tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm ở 2 xã Quảng Hòa và Quảng Trường, với quy mô trên 3.000 con/trang trại. Công tác giám sát và phòng trừ dịch bệnh được quan tâm; tiêm phòng, chống dịch được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo quy định; các ổ dịch được phát hiện kịp thời, khoanh vùng, khống chế, góp phần giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi.

Đối với lĩnh vực thủy sản, huyện cũng tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cao trong việc nhân giống và nuôi trồng thủy sản; như: Mô hình nhân giống tôm sú, cua và nuôi tôm sú, cua thương phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm ở các xã Quảng Chính, Quảng Khê với quy mô 250 ha; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Quảng Nham với quy mô 14 ha; mô hình nuôi cá lóc (cá chuối) thương phẩm trong bể xi măng theo hướng VietGAP, liên kết theo chuỗi giá trị ở thị trấn Tân Phong...

Để thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Quảng Xương đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với đó, huyện cũng sẽ khuyến khích, tăng cường sự tham gia của các thành phần kinh tế, phát huy vai trò liên kết đầu tư, gắn sản xuất với nhu cầu của thị trường nhằm phát triển bền vững.

Khánh Phương


Khánh Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]