(Baothanhhoa.vn) - Tích tụ ruộng đất để xây dựng cánh đồng mẫu lớn, nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống nông dân gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới là một trong những mục tiêu mà Nghị quyết số 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hoằng Hóa đưa ra nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Hoằng Hóa tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp hàng hóa

Tích tụ ruộng đất để xây dựng cánh đồng mẫu lớn, nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống nông dân gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới là một trong những mục tiêu mà Nghị quyết số 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hoằng Hóa đưa ra nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Huyện Hoằng Hóa tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp hàng hóa

Cánh đồng trồng cà rốt xuất khẩu trên địa bàn xã Hoằng Đạo (Hoằng Hóa).

Kết quả bước đầu

Vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, không khí lao động của bà con nông dân huyện Hoằng Hóa trở nên nhộn nhịp; họ đang hối hả thu hoạch sản phẩm cuối năm để kịp cung ứng cho thị trường tết sắp đến.

Dừng chân bên cánh đồng cà rốt xanh mướt của xã Hoằng Đạo, chúng tôi được đồng chí Hoàng Đình Hợp, Chủ tịch UBND xã Hoằng Đạo cho biết: Thực hiện chủ trương tích tụ, tập trung đất đai để thu hút đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa nhằm đưa sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển toàn diện, xã đã tuyên truyền, vận động người dân cho Công ty TNHH Nông nghiệp phát triển Kim Huy Việt Nam thuê đất để đầu tư trồng cà rốt xuất khẩu. Đến nay, công ty đã thuê 15 ha đất của hơn 100 hộ dân của 3 thôn Nhân Trạch, Đạo Ninh, Đạo Khang trồng cà rốt. Đây là vụ đầu tiên xã đứng ra tuyên truyền, vận động nhân dân cho công ty thuê đất để sản xuất nông nghiệp. Bước đầu cho thấy, từ vùng đất khó khăn về nước tưới, người dân đầu tư sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế mang lại không cao, nay công ty đầu tư vào sản xuất đã làm hồi sinh vùng đất khó, cây cà rốt phát triển xanh tốt; bà con nông dân vẫn được làm việc ngay trên chính mảnh đất của mình cho thuê với công lao động 160 ngàn đồng/ngày, điều quan trọng hơn đó là hình thành tư duy sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của người dân, để áp dụng vào sản xuất đối với những loại cây trồng khác.

Nhằm giảm chi phí trong sản xuất, hạn chế ô nhiễm môi trường, đem lại sản phẩm có chất lượng và bảo đảm an toàn, nâng cao giá trị hàng hóa cho người dân, xã Hoằng Phú đã áp dụng mô hình sản xuất lúa theo chuẩn VietGAP trên diện tích 25 ha với 83 hộ dân tham gia. Để có số diện tích sản xuất trên, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Hoằng Phú đã đứng ra thuê lại đất của nông dân và cũng thuê chính bà con nông dân làm “công nhân” cho HTX. Trong quá trình canh tác, giống, vật tư do HTX cung cấp, người dân có nhiệm vụ chăm bón trên diện tích lúa theo đúng kỹ thuật mà cán bộ khuyến nông và HTX hướng dẫn.

Chị Lê Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoằng Phú, cho biết: Thực hiện mô hình sản xuất lúa theo chuẩn VietGAP tỷ lệ sâu, bệnh ít hơn, chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng rất ít; năng suất đạt 4,4 tấn/ha, trong khi cấy lúa truyền thống chỉ đạt 3,2 tấn/ha. Dự kiến trong năm 2019, xã sẽ quy hoạch vùng sản xuất lúa theo hướng VietGAP từ 50 ha trở lên. Hiện nay, địa phương đang tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp, như: Xây dựng cánh đồng mẫu lớn, sản xuất đồng bộ tất cả các khâu; đồng thời tạo sân, bãi phơi, nhà kho đáp ứng điều kiện phơi khô, bảo quản sau thu hoạch.

Khắc phục tâm lý e ngại của người dân

Những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hoằng Hóa về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc nâng cao hiệu quả sản xuất trồng trọt trong nông nghiệp, các địa phương trên địa bàn huyện đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, thời vụ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật - công nghệ, cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, gắn với tiêu thụ nông sản; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo chuỗi liên kết các khâu dịch vụ - sản xuất - sau thu hoạch - tiêu thụ sản phẩm... mang lại giá trị sản phẩm trên một ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 135 triệu đồng/ha (năm 2018).

Để có được kết quả trên, theo đồng chí Nguyễn Đình Tuy, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa: Từ năm 2015, huyện đã thực hiện lồng ghép, huy động các nguồn kinh phí để đầu tư nâng cấp, sửa chữa và kiên cố hóa gần 400 km kênh mương nội đồng, hơn 226 km giao thông nông thôn phục vụ việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản. Đồng thời, vận động nhân dân “đổi điền, dồn thửa”, tích tụ ruộng đất, chuyển nhượng, thuê, cho thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất sản xuất vào doanh nghiệp, HTX để phát triển sản xuất, tạo ra vùng sản xuất lớn và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện đã có 155 mô hình tích tụ ruộng đất để sản xuất với diện tích 392,7 ha, chuyển đổi được 360 ha đất trồng lúa sang trồng các cây trồng khác và cấy lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản... Có đất, có cơ chế thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến huyện Hoằng Hóa đầu tư vào lĩnh vực này. Hiện, trên địa bàn huyện thu hút được 19 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, với tổng diện tích hơn 968 ha và 5 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Đơn cử như, Công ty CP Nông sản quốc tế An Việt xây dựng nhà xưởng bảo quản và tiêu thụ khoai tây; Công ty Xuất khẩu rau quả Đồng Giao vào liên kết sản xuất và tiêu thụ ngô ngọt, đậu tương rau, cải bó xôi; Công ty SuMa Việt Nam vào liên kết sản xuất và tiêu thụ khoai lang Nhật; Công ty Hàn Quốc thuê đất sản xuất cà rốt xuất khẩu... Ngoài ra, trên địa bàn huyện đã hình thành được hơn 50 ha rau an toàn tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, 104 ha tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao; 170 trang trại, trong đó có nhiều trang trại ứng dụng công nghệ máng ăn uống tự động, xử lý chất thải thành phân bón hữu cơ...

Có thể khẳng định, từ thành công bước đầu trong việc tích tụ ruộng đất đã tạo bước đột phá nhằm phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững có giá trị gia tăng cao, đồng thời từng bước thay đổi tư duy, tập quán canh tác truyền thống sang sản xuất nông nghiệp trong thời kỳ CNH, HĐH. Tuy nhiên, theo lãnh đạo của một số địa phương trên địa bàn huyện Hoằng Hóa, việc tích tụ ruộng đất vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn, đó là một bộ phận người nông dân vẫn còn tư tưởng bảo thủ, quyết tâm giữ ruộng mặc dù không tổ chức canh tác, khiến đất đai bị hoang hóa. Do sản xuất nông nghiệp dễ gặp rủi ro của thời tiết, khí hậu, sâu bệnh, dịch hại, biến động giá cả của thị trường... nên các doanh nghiệp ít đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.

Trước những khó khăn trên, các xã, thị trấn đang tiếp tục tổ chức rà soát, xây dựng quy hoạch các vùng tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vào đầu tư trên địa bàn. Bên cạnh đó, tuyên truyền, động viên nhân dân tích tụ ruộng đất, chuyển nhượng, thuê, cho thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất sản xuất vào doanh nghiệp, HTX để phát triển sản xuất, tạo ra vùng sản xuất lớn và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp; tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nông dân, khắc phục tâm lý băn khoăn, e ngại việc mất ruộng, dẫn đến thất nghiệp của người nông dân.

Bài và ảnh: Tô Dung



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]