(Baothanhhoa.vn) - Việc người dân 2 xã Tam Lư, Tam Thanh (Quan Sơn) chuẩn bị được cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn rừng quốc tế do Hội đồng quản trị rừng thế giới (FSC) cấp đang mở ra một tương lai tươi sáng, hứa hẹn về sự “bứt tốc” đổi đời từ việc xây dựng mô hình kinh tế rừng theo hướng sản xuất liên kết gắn với chuỗi giá trị bền vững, đảm bảo bình đẳng và quyền lợi của các bên tham gia.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hướng mới trong phát triển kinh tế rừng ở vùng biên Quan Sơn

Việc người dân 2 xã Tam Lư, Tam Thanh (Quan Sơn) chuẩn bị được cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn rừng quốc tế do Hội đồng quản trị rừng thế giới (FSC) cấp đang mở ra một tương lai tươi sáng, hứa hẹn về sự “bứt tốc” đổi đời từ việc xây dựng mô hình kinh tế rừng theo hướng sản xuất liên kết gắn với chuỗi giá trị bền vững, đảm bảo bình đẳng và quyền lợi của các bên tham gia.

Nhiều vườn ươm vầu bằng hạt xanh tốt của các hộ dân ở xã Tam Lư.

“Lĩnh ấn tiên phong”

Rừng và đất rừng là nguồn tài nguyên thế mạnh bậc nhất của huyện Quan Sơn. Với khoảng 78.000 ha, diện tích rừng Quan Sơn chiếm 14% diện tích rừng toàn tỉnh, tỷ lệ che phủ đạt 88%, thuộc hàng cao nhất Thanh Hóa. Thế nhưng, bấy lâu do tập quán canh tác, giá trị kinh tế rừng chưa cao, năng suất, chất lượng rừng trồng còn thấp. Cùng với đó, công nghiệp chế biến lâm sản đa phần nhỏ lẻ, đầu tư thiếu đồng bộ, chưa tạo được chuỗi liên kết trong phát triển sản xuất lâm nghiệp, đặc biệt chưa thu hút được nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất bền vững.

Việc lựa chọn 2 xã giáp biên Tam Lư và Tam Thanh làm khâu “đột phá” áp dụng thí điểm chương trình chuyển đổi từ quản lý rừng truyền thống sang quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC) chính là thể hiện “đi trước đón đầu” của huyện Quan Sơn trong xu thế phát triển sản xuất “xanh hơn” của thế giới, nhằm mang lại lợi ích bền vững, góp phần ổn định an sinh xã hội.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế tháng 1-2018, ông Vũ Văn Đạt, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện quả quyết: “Khi quản lý rừng bền vững theo FSC tất yếu sẽ tạo nên hiệu quả “đa lợi ích”, trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với chủ rừng được nâng lên, các sản phẩm từ rừng có chất lượng tốt, giá thành cao, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Bên cạnh đó, quyền lợi của người dân tham gia cũng được đảm bảo”.

Theo kế hoạch đến tháng 9-2018, hơn 3.000 ha rừng vầu, luồng, nứa thuộc các nhóm hộ của 2 xã Tam Lư, Tam Thanh sẽ được cấp chứng chỉ FSC đủ điều kiện xuất khẩu với tỷ lệ vầu (60%), luồng (30%), nứa (10%). Công ty CP Ngọc Sơn Thanh Hóa sẽ là đơn vị đồng hành hỗ trợ toàn bộ kinh phí thực hiện kế hoạch và bao tiêu nguyên liệu cho bà con.

Việc “chọn mặt gửi vàng” dành cho người dân 2 xã Tam Lư, Tam Thanh và loài cây đang “hái ra tiền” này để “làm chuyện chưa từng có” thực sự là “cơn đau đầu dễ chịu” của lãnh đạo huyện Quan Sơn. Bởi trước đó, 2 địa phương này luôn được mệnh danh là “thủ phủ” của những sáng kiến và kinh nghiệm tổ chức các mô hình làm ăn kinh tế có hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới suốt 5 năm qua.

Còn nhớ, khi người dân một số địa phương khác trên địa bàn chứng kiến “thảm cảnh” rừng vầu, nứa bị “khuy”, dần chết lụi (cách gọi của người Thái chỉ quy luật sinh - tử của rừng vầu, nứa trong tự nhiên sau khoảng 50 năm). Để chống lại quy luật, trong quá trình phải “vật lộn” chặt hạ những cành cây nhỏ đem ươm mang trồng “hòng cứu vãn” các cánh rừng tự nhiên có nguy cơ “xóa sổ” hoặc chí ít phải mất nhiều thập kỷ mới phục hồi, thì đồng bào 2 xã đã “ló cái khôn” - thử nghiệm thành công trồng vầu bằng hạt.

Chính xuất phát điểm là “cha đẻ” của sáng kiến này nên người dân nơi đây đã nhanh chóng “thừa thắng xông lên” mở rộng diện tích với quy mô mỗi năm trồng ước đạt 350 ha. Vầu trồng bằng hạt chỉ khoảng 4 năm đã cho khai thác. Chưa nói, bằng cách này bà con đã chủ động lựa chọn được những giống vầu quý mắt thưa, thớ cật dày, phát triển nhanh được nhiều “đầu nậu” thu mua trên địa bàn ưa chuộng.

Được biết, nếu thành công, 2 xã Tam Lư, Tam Thanh sẽ là địa phương đầu tiên trong cả nước “lĩnh ấn tiên phong” triển khai về việc cấp chứng chỉ rừng đối với cây vầu, luồng, nứa.

Muốn hội nhập phải nhập... hội

Để được cấp chứng chỉ rừng, người trồng phải tuân thủ các tiêu chí và nguyên tắc nghiêm ngặt do các chuyên gia rừng thế giới kiểm tra, đánh giá. Những nguyên tắc này phải bảo đảm các vấn đề về môi trường, xã hội và kinh tế.

Trao đổi nhanh với chúng tôi trước khi vào họp phiên thứ 6 cùng Viện nghiên cứu và phát triển lâm nghiệp nhiệt đới; Chi cục Lâm nghiệp Thanh Hóa với người dân 6 bản xã Tam Lư, ông Vi Văn Piên, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã hồ hởi chỉ tay lên tấm bản đồ: “Toàn bộ diện tích rừng này đều đã được cấp sổ đỏ, các hộ không có tranh chấp. Quy trình trồng, chăm sóc cây vầu từ khi đào hố, đặt cây, tốc độ phát triển của cây... đều được giám sát, đo đạc với các thông số cụ thể”.

Từ khi biết được kế hoạch của huyện, bà con nhân dân tự nguyện đăng ký tham gia đề án. Trao đổi với ông Vi Văn On, trưởng bản Hậu, chúng tôi được biết: Trước đến nay, hiếm có chương trình nào lại được bà con nồng nhiệt tiếp nhận như lần này. Để chuẩn bị cho “trận đánh lớn”, mỗi bản sau khi tập huấn, bà con “không ai bảo ai” tự liên kết “hùn đất rừng”, hình thành hơn 80 nhóm hộ có quỹ đất liền kề nhau, trung bình khoảng 6-7 ha/nhóm với tổng cộng 14 bản và 517 hộ của 2 xã tham gia.

Xác định cam kết thực hiện cấp chứng chỉ rừng là “tấm vé” thông hành vững chắc để sản phẩm của Quan Sơn “bước chân” thâm nhập vào những thị trường lớn và khó tính với các yêu cầu khắt khe về sự minh bạch nguồn gốc nguyên liệu, công nghệ sản xuất; về sử dụng lao động và trách nhiệm đối với xã hội. Nơi đó, không có chỗ cho sự manh mún, “mạnh ai nấy chạy”, không ai “đứng ngoài cuộc” nếu muốn mình không bị bỏ rơi nên trước mắt việc liên kết tạo ra các giá trị cộng đồng và sắp sửa hình thành các HTX đại diện lợi ích cho các nhóm hộ là những việc mà bà con 2 xã đang rốt ráo chuẩn bị.

Thay đổi tập quán

Trong bộ áo quần rộng thùng thình, mũ bảo hộ, lỉnh kỉnh thuốc men, dẫn chúng tôi len lỏi qua những cánh rừng vầu được phát thực bì sạch sẽ đang mùa măng trổ chuẩn bị cấp chứng chỉ FSC, thấy tôi có vẻ băn khoăn ông Hà Văn Inh, trưởng bản Tình, xã Tam Lư sôi nổi: “Mấy ông Tây - chỉ những chuyên gia rừng quốc tế, họ quy định phải ăn mặc như thế này đấy. Họ rất ngỡ ngàng về cách trồng vầu bằng hạt của bọn tôi. Và đánh giá cao về cách vừa khai thác vừa bảo tồn bấy lâu nay của bà con”.

Nghe ông nói, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, bởi lợi ích mà bà con nhân dân hằng khát khao nay “đã nhìn thấy”, tuy nhiên để người dân có thể đáp ứng được các quy định khắt khe của FSC không phải là ý muốn chủ quan “một sớm một chiều”. Mà có lẽ thực sự là “cuộc chiến” tấn công vào những thói quen lạc hậu, tập tục cố hữu của người dân trong sản xuất, hình thành các thay đổi mới cả về môi trường, xã hội và kinh tế.

Việc người dân đang nhanh chóng áp dụng các quy định, đáp ứng yêu cầu của việc cấp chứng chỉ rừng quốc tế hơn một năm nay đang là những “chỉ dấu” đáng ghi nhận tại 2 xã vùng biên này, như: Không đốt thực bì, không được sử dụng hóa chất, khai thác đúng quy trình, bảo vệ các loài động vật hoang dã, quá trình khai thác cũng không được để lại dấu tích của xe cộ, các loại chất thải; người dưới 18 tuổi không được vào rừng, bảo đảm an toàn lao động và công bằng về giới. Trong khi về mặt kinh tế, các lô rừng này không có xâm hại, tranh chấp đến lợi ích của người khác...

Không giống như những khu rừng khác, những người vào đây đều được trang bị áo quần, mũ bảo hộ và mang theo thuốc men sơ cứu rất cẩn thận. Khi chuẩn bị bước chân vào rừng, trưởng bản Tình kiêm trưởng nhóm của 8 hộ dân có rừng ở đỉnh Pù Linh, đã nhắc nhở mọi người không được hút thuốc.

Người dân được tập huấn trồng và chăm sóc rừng, được làm sổ đỏ và vay tiền với lãi suất ưu đãi... Tham gia vào dự án này, họ đã thay đổi hẳn tập quán trồng rừng. Thay vì sau khi phát rừng sẽ đốt, giờ đây những người trồng rừng đã không đốt nữa mà để lại dưới những gốc cây nhằm tạo phân hữu cơ và hạn chế dòng chảy của nước khi mưa lũ nên không gây xói mòn rừng...

Của cải cũng có chân chạy từ rừng về nhà

Nếu triển khai thành công, giá trị vầu, nứa, luồng có chứng chỉ của người dân 2 xã Tam Lư, Tam Thanh sẽ tăng lên khoảng 20% so với giá chưa có chứng chỉ. Ước tính ban đầu với phạm vi 3.000 ha nhận chứng chỉ rừng, bà con sẽ “bỏ túi” khoảng 42 tỷ đồng/năm (hiện nay giá trị sản lượng trồng vầu, nứa sau 4 năm cho thu nhập từ 60-70 triệu đồng/ha/năm). Khác với các loài cây khác, vầu, nứa có thể khai thác liên tục lên đến 7 - 8 tháng trong năm.

Đây sẽ là món “hời” khổng lồ đem lại nguồn thu nhập cải thiện đáng kể sinh kế cho người nghèo, góp phần thực hiện thành công đề án giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh. Nói như già làng Piềng Khóe: “Đến lúc đó thì già không muốn, của cải cũng có chân nó chạy từ rừng về nhà mà...”

Chưa hết, theo cam kết, ngoài việc hỗ trợ kinh phí thực hiện kế hoạch và bao tiêu nguyên liệu, Công ty CP Ngọc Sơn Thanh Hóa còn xúc tiến xây dựng 2-3 cơ sở chế biến lâm sản tại chỗ ở mỗi xã, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, đồng thời giảm chi phí vận chuyển (bà con hiện phải kết bè mảng xuôi theo dòng sông suối để vận chuyển vầu, nứa ra khỏi rừng).

Diện tích đất rừng sản xuất nhiều lên tới 78.000 ha, với những cánh rừng bạt ngàn vầu, nứa xanh đến “mát mắt”, lại có thêm những nhà máy chế biến với công suất lớn chắc chắn sẽ tạo ưu thế mạnh mẽ cho không chỉ người dân 2 xã Tam Lư, Tam Thanh mà còn hứa hẹn cho huyện Quan Sơn “bứt tốc” đi lên từ kinh doanh rừng trồng theo hướng sản xuất liên kết, có hiệu quả cao và bền vững.


Ngọc Huynh (Trường THCS Tam Lư, huyện Quan Sơn)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]