(Baothanhhoa.vn) - Tính đến đầu năm 2019, trên địa bàn huyện Như Xuân còn khoảng 6.167 ha cao su, trong đó diện tích cao su đang cho thu hoạch là 2.857 ha, cao su đang trong thời kỳ chăm sóc là 3.310 ha. Diện tích cao su chủ yếu phân bố trên địa bàn các xã: Bãi Trành, Xuân Bình, Hóa Quỳ, Xuân Quỳ... Tuy nhiên, do giá mủ cao su xuống thấp, nhiều hộ gia đình trồng cao su ở Như Xuân không còn mặn mà với loại cây vang bóng một thời từng được ví là “vàng trắng”, giúp nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hướng đi nào cho cây cao su ở huyện Như Xuân

Tính đến đầu năm 2019, trên địa bàn huyện Như Xuân còn khoảng 6.167 ha cao su, trong đó diện tích cao su đang cho thu hoạch là 2.857 ha, cao su đang trong thời kỳ chăm sóc là 3.310 ha. Diện tích cao su chủ yếu phân bố trên địa bàn các xã: Bãi Trành, Xuân Bình, Hóa Quỳ, Xuân Quỳ... Tuy nhiên, do giá mủ cao su xuống thấp, nhiều hộ gia đình trồng cao su ở Như Xuân không còn mặn mà với loại cây vang bóng một thời từng được ví là “vàng trắng”, giúp nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Hướng đi nào cho cây cao su ở huyện Như Xuân

Do giá mủ xuống thấp, gia đình anh Mai Văn Tỉnh, thôn Luống Đồng, xã Hóa Quỳ không tiến hành thu hoạch, để cỏ mọc rậm. Ảnh: Minh Hiếu

Anh Mai Văn Tỉnh, thôn Luống Đồng, xã Hóa Quỳ đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan vì gia đình anh hiện có hơn 4 ha cây cao su, anh vừa muốn chặt bỏ để chuyển sang trồng cây khác, vừa muốn giữ lại vì tiếc công đầu tư chăm sóc. Theo anh Tỉnh cho biết: Năm 1999 gia đình chỉ có 1 ha cây cao su, nhờ khai thác mủ cao su mà đời sống gia đình anh đã thoát nghèo. Đến năm 2009, gia đình anh đầu tư trồng thêm 3 ha cao su, tuy nhiên sau khi đầu tư hết vốn liếng, giá mủ xuống thấp kéo dài nên gia đình không có kinh phí để tái đầu tư chăm sóc, để cỏ mọc, đến kỳ lấy mủ cũng không khai thác vì phải bù lỗ cho việc thuê nhân công.

Cùng cảnh với hộ gia đình anh Mai Văn Tỉnh, gia đình chị Lê Thị Toàn, thôn Tân Thịnh, xã Hóa Quỳ, có 1 ha cao su đã 20 năm tuổi đang thời kỳ khai thác, nhưng giá mủ xuống thấp nhiều năm nên gia đình quyết định chặt bỏ để chuyển sang trồng cây keo. Chị Toàn chia sẻ: “Gần 5 – 6 năm nay giá mủ cao su xuống thấp, người trồng cao su như gia đình chị gần như không có thu nhập. Sau nhiều năm bám trụ theo tinh thần chủ trương của tỉnh, kinh tế gia đình gặp không ít khó khăn, gia đình chị đành phải chặt bỏ đi để chuyển đổi cây trồng mới, mong có thu nhập”.

Được biết, vào thời hoàng kim, trên địa bàn xã Hóa Quỳ đã có 1.132 ha cao su, tuy nhiên sau nhiều năm xuống giá hiện diện tích cây cao su chỉ còn hơn 1.000 ha. Ngoài nguyên nhân do mưa bão gãy đổ, chết rét, còn có nguyên nhân do giá mủ xuống thấp bà con nông dân tự ý đốn chặt chuyển sang cây trồng khác. Theo lãnh đạo xã Hóa Quỳ chia sẻ: Nếu cứ đà cao su rớt giá “không phanh” thì không biết số diện tích cao su trên sẽ bị phá bỏ là bao nhiêu!?

Nhiều năm liền giá mủ cao su xuống thấp, nhưng cấp ủy, chính quyền huyện Như Xuân vẫn luôn xác định cây cao su là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Chính vì vậy, Ban Thường vụ Huyện ủy Như Xuân đã tập trung chỉ đạo cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân khắc phục khó khăn giữ diện tích trồng cao su, không chặt bỏ chuyển sang trồng cây khác. Tuy nhiên, trước nhu cầu cuộc sống, nhiều hộ gia đình vẫn phải chuyển một phần diện tích cao su sang cây trồng khác. Theo thống kê của phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Như Xuân, tính đến đầu năm 2019, diện tích trồng cây cao su giảm trên 330 ha, đa phần số diện tích giảm là những cây cao su đã hơn 20 năm tuổi, số lượng mủ không còn đảm bảo.

Trước bài toán giữ vững và phát triển trồng cây cao su, cấp ủy, chính quyền huyện Như Xuân đang tích cực tìm giải pháp nhằm ổn định đời sống cho người trồng cao su. Qua trao đổi với lãnh đạo phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Như Xuân được biết, theo Thông tư 58 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cao su là cây đa mục đích, vừa là cây nông nghiệp, vừa là cây công nghiệp, cũng là cây lâm nghiệp. Theo đó, ngoài giá trị để khai thác mủ, nó còn có vai trò như cây rừng để phủ xanh đất trống đồi trọc, chống xói mòn, giữ gìn môi trường sinh thái; khi hết chu kỳ, cây vẫn cho thu hoạch gỗ như các cây gỗ rừng khác. Trong thời gian tới, huyện Như Xuân tiếp tục chỉ đạo chăm sóc, bảo vệ để diện tích cao su bảo đảm mật độ, sinh trưởng và phát triển tốt. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, khuyến cáo về vai trò, hiệu quả lâu dài của cây công nghiệp này để nhân dân yên tâm duy trì chăm sóc và khai thác mủ.

Minh Hiếuvà Lê Na



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]