14:50 16/07/2020 GMT+7
(Baothanhhoa.vn) - Sáng 16-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương về vấn đề đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

Hội nghị trực tuyến Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020

Sáng 16-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương về vấn đề đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

Hội nghị trực tuyến Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020

Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh và các các sở, ngành, đơn vị dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa

Tại điểm cầu Thanh Hóa, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, Văn phòng UBND tỉnh, đoàn ĐBQH tỉnh dự hội nghị. Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng tham dự, theo dõi hội nghị tại các điểm cầu địa phương.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Hội nghị này cần tìm ra được nguyên nhân khách quan, chủ quan khiến tiến độ đầu tư công chậm chạp, ì ạch, kể cả nguồn vốn ODA. Đồng thời, thảo luận, chỉ ra những điểm còn khó khăn, vướng mắc, nhất là vấn đề thủ tục đầu tư để kịp thời tháo gỡ. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ quyết định các giải pháp khả thi để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Tiếp đó, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày Báo cáo tóm tắt về đánh giá tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) 6 tháng đầu năm 2020 và đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư công những tháng còn lại của năm 2020. Theo đó, tổng số vốn đầu tư phát triển nguồn Ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2020 được Quốc hội thông qua là 470.600 tỷ đồng; trong đó tỷ lệ vốn đầu tư của các địa phương chiếm 77,1%. Tổng số vốn Ngân sách nhà nước các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân vốn đạt 94,2% kế hoạch, chỉ còn 5,8% số vốn còn lại chưa giao chi tiết các dự án.

Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân 6 tháng đầu năm 2020 của cả nước là hơn 159.000 tỷ đồng (đạt 33,9% kế hoạch). Tỷ lệ này vẫn thấp so với yêu cầu. Trong đó có 3 Bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 50%; 33 Bộ, cơ quan Trung ương và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%; 7 Bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%.

Thảo luận của các bộ, ngành, địa phương và đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, việc giải ngân vốn đầu tư chậm do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, như: Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu, việc tránh thanh toán vốn nhiều lần, chờ thanh một lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu, tính chất đặc thù của chi đầu tư so với chi thường xuyên… Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm xuất hiện thêm một số nguyên nhân khác làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đó là những ảnh hưởng từ dịch COVID-19; năm 2020 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn nên các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương vừa hoàn thành dự án, vừa hoàn tất thủ tục dự án khởi công mới vừa chuẩn bị dự án cho giai đoạn 2021-2025…

Sau khi nghe các bộ, ngành, địa phương là rõ các vấn đề liên quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, lĩnh vực đầu tư công không chỉ có ý nghĩa tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước mà còn liên quan đến thu nhập của hàng triệu người. Trong giai đoạn nền kinh tế trong nước chịu tác động nặng nề do dịch bệnh COVID-19, đầu tư công sẽ là một trong những cứu cánh quan trọng, góp phần tạo thêm việc làm, thu nhập cho người lao động, đóng góp cho tăng trưởng. Theo đó, cứ 1% đầu tư sẽ góp phần tăng 0,06% GDP. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần nhận thức rõ điều này để có quyết tâm chính trị cao hơn. Tỉnh ủy, HĐND, UBND các địa phương phải đưa nội dung giải ngân nguồn vốn đầu tư công vào bàn bạc, thảo luận để đưa ra nghị quyết, kế hoạch triển khai quyết liệt.

Thủ tướng Chính Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, bệnh quan liêu, xa dân chính là một trong những nguyên nhân khiến cho hoạt động đầu tư công chậm tiến độ, nhiều công trình, dự án quan trọng không thể triển khai. Người đứng đầu Chính phủ cũng biểu dương 10 tỉnh thực hiện tốt nguồn vốn đầu tư công với tỷ lệ giải ngân đạt từ hơn 44 đến 67%, đồng thời nhắc nhở, phê bình các tỉnh yếu kém.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị từng bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phát động phong trào thi đua yêu nước về giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư tư nhân, kể cả đầu tư FDI, ODA. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, xử lý về đầu tư công, từ đó đưa ra các biện pháp cần thiết đối với việc chậm trễ. Tạo điều kiện cho chính quyền các cấp sẵn sàng đối thoại với dân, đẩy nhanh tiến độ GPMB để bàn giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Công tác giải ngân vốn sẽ gắn với thi đua, khen thưởng, kỷ luật, nhằm đánh giá năng lực cán bộ và xử lý nghiêm người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ, các tập thể, cá nhân liên quan. Công khai qua truyền thông, báo chí, qua đó biểu dương những ngành, đơn vị, địa phương làm tốt, đồng thời phê bình những ngành, đơn vị, địa phương làm chưa tốt.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thường xuyên báo cáo vấn đề giải ngân nguồn vốn và tiến độ thực hiện định kỳ 1 tháng 1 lần. Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định, ngay từ đầu tháng 8, sẽ điều chỉnh vốn từ nơi không tiêu được tiền sang cho các công trình, dự án có năng lực giải ngân nguồn vốn.

Tại Thanh Hóa, tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2020 đạt 43,8% (so với số Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch), đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố và là tỉnh đứng thứ 3 về tỷ lệ giải ngân trong khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Miền Trung (sau tỉnh Nghệ An và Đà Nẵng). Tuy nhiên, so với quý 1, thứ hạng về tiến độ đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đã sụt giảm. Trong đó, có 2 lĩnh vực tỷ lệ giải ngân còn rất thấp là vốn ODA và đầu tư nông thôn mới.

Tại hội nghị trực tuyến, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc theo dõi, đôn đốc tiến độ đầu tư và giải ngân nguồn vốn đầu tư công; đồng thời, yêu cầu UBND thị xã Nghi Sơn kiểm điểm trách nhiệm đối với vấn đề GPMB dự án Kè chống sạt lở và nạo vét tiêu thoát lũ Khu Kinh tế trọng điểm Nghi Sơn trước ngày 25-7.

Hội nghị trực tuyến Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020

Điểm cầu huyện Nga Sơn tham dự hội nghị trực tuyến.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải tăng cường giao ban chỉ đạo công tác GPMB các dự án nói chung. Trong đó, trọng điểm là thị xã Nghi Sơn, TP Thanh Hóa, các huyện Nông Cống, Đông Sơn… Địa phương nào không thực hiện ký cam kết GPMB với chủ đầu tư thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành tổ chức rà soát lại toàn bộ tiến độ dự án của đơn vị mình, báo cáo lại UBND tỉnh nếu có khó khăn, vướng mắc để kịp thời điều chuyển; đồng thời, yêu cầu các ngành đôn đốc chủ đầu tư báo cáo tiến độ chi tiết thực hiện, giải ngân nguồn vốn dự án, coi đây trở thành chỉ tiêu đánh giá hoàn thành nhiệm vụ năm 2020.

Với các dự án đầu tư chuyển tiếp, yêu cầu trước ngày 15 - 8 phải hoàn thành 75% kế hoạch. Trong tháng 8, UBND tỉnh sẽ tổ chức hội nghị về đầu tư công để nắm bắt tình hình triển khai của các chủ đầu tư, địa phương, kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án chậm tiến độ giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân nguồn vốn.

Hội nghị trực tuyến Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng yêu cầu các địa phương rà soát, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công những tháng cuối năm

UBND tỉnh cũng có chỉ đạo, yêu cầu tiến độ cụ thể cụ thể đối với dự án GPMB cao tốc Bắc Nam. Theo đó, toàn bộ diện tích GPMB qua địa bàn các địa phương Nông Cống, Triệu Sơn, Hà Trung, Đông Sơn hoàn tất công việc còn lại trước ngày 30-7. Riêng khu vực GPMB qua địa bàn thị xã Nghi Sơn được gia hạn hoàn thiện trước ngày 30-9. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn trực tiếp chỉ đạo, điều hành, kịp thời bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, không làm ảnh hưởng chung đến tiến độ của dự án.

Minh Hằng


Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]