(Baothanhhoa.vn) - Nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đề ra trong tái cơ cấu nông nghiệp, ngày 31-12-2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 5643/2015 QĐ-UBND về việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hiệu quả từ các chính sách trong tái cơ cấu nông nghiệp

Nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đề ra trong tái cơ cấu nông nghiệp, ngày 31-12-2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 5643/2015 QĐ-UBND về việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020.

Khu trồng rau an toàn tại xã Vạn Hòa (Nông Cống).

Theo đó, tỉnh ta đã ban hành 7 chính sách hỗ trợ, gồm: Hỗ trợ xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các xã miền núi; hỗ trợ phát triển sản xuất rau an toàn tập trung; hỗ trợ mua máy thu hoạch mía và hệ thống tưới mía mặt ruộng; hỗ trợ phát triển rừng luồng thâm canh; hỗ trợ sản xuất tập trung, quy mô lớn; hỗ trợ liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trồng trọt và hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các doanh nghiệp.

Các chính sách hỗ trợ được ban hành và triển khai thực hiện đã tạo động lực khuyến khích các địa phương, đơn vị, cá nhân trên địa bàn đầu tư mở rộng quy mô, phát triển sản xuất. Để chính sách phát huy hiệu quả, thời gian qua, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã tạo điều kiện về tích tụ đất đai; thủ tục thuê, đấu thầu đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đồng thời tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ, tổ chức thẩm định và quyết định chi trả tiền ngân sách hỗ trợ theo đúng đối tượng, điều kiện, nội dung, mức hỗ trợ theo đúng quy định. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, các chính sách hỗ trợ đã có những tác động tích cực, phát triển sản xuất gắn với liên kết, bao tiêu sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có lợi thế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Đối với chính sách hỗ trợ xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các xã miền núi, qua hơn 2 năm thực hiện, đã phát triển 4.084 ha lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại khu vực miền núi; kiên cố hóa được 65,93 km kênh mương nội đồng, 63,81 km đường giao thông nội đồng; hỗ trợ mua 18 máy cấy và 18 máy thu hoạch lúa. Theo đánh giá của Phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chính sách được triển khai đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa của các xã miền núi, bộ giống được thay đổi tích cực, hạ tầng cơ sở được đầu tư, máy móc thiết bị được hỗ trợ, tạo điều kiện ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, nâng cao trình độ thâm canh lúa cho người dân.

Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất rau an toàn được ban hành với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh sản xuất rau an toàn, nâng cao nhận thức của người dân trong việc sản xuất, sử dụng rau an toàn; đồng thời, khuyến khích các đơn vị đẩy mạnh sản xuất nông sản an toàn theo chuỗi giá trị. Vì vậy, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ kinh phí một lần xây dựng kết cấu hạ tầng vùng sản xuất tập trung, nhà sơ chế, đóng gói sản phẩm rau an toàn với mức 170 triệu đồng/ha đối với vùng đồng bằng, 200 triệu đồng/ha đối với vùng miền núi; hỗ trợ kinh phí thuê chứng nhận VietGAP cho rau an toàn, với mức 7 triệu đồng/ha; hỗ trợ hàng năm kinh phí thuê kiểm soát chất lượng và dán tem, mức hỗ trợ 16 triệu đồng/ha đối với vùng đồng bằng, ven biển và 18 triệu đồng/ha đối với vùng miền núi; hỗ trợ kinh phí thuê hoặc xây dựng cửa hàng kinh doanh rau an toàn, với mức 50 triệu đồng/cửa hàng tại thị xã, thành phố và 30 triệu đồng/cửa hàng tại các xã, thị trấn.

Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất rau an toàn được ban hành đã và đang được người dân hưởng ứng tích cực, thúc đẩy việc huy động nguồn lực tham gia đầu tư phát triển sản xuất. Từ đó, làm thay đổi từ nhận thức đến hành động trong việc sản xuất rau an toàn của các tổ chức, cá nhân, sử dụng các loại phân vô cơ, hữu cơ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định. Cũng nhờ chính sách được triển khai thực hiện, nên đến hết vụ xuân 2018, toàn tỉnh đã hình thành được vùng sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh, với tổng diện tích khoảng 445 ha, diện tích sản xuất trong nhà lưới đạt gần 40 ha, xây dựng được 56 cửa hàng tiêu thụ rau an toàn tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Sản lượng rau an toàn cung cấp cho thị trường hàng năm đạt khoảng 180.000 tấn.

Chính sách hỗ trợ phát triển rừng luồng thâm canh đã tác động tích cực đến việc tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế của rừng luồng; đồng thời, làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc sản xuất, kinh doanh rừng, chuyển dần từ phương thức trồng rừng quảng canh sang thâm canh có bón phân. Bên cạnh đó, khuyến khích nông dân khu vực miền núi phát triển kinh tế rừng, nâng cao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây luồng cho bà con nông dân. Thông qua chính sách, hơn 2 năm qua, tỉnh ta đã phục tráng được 4.430 ha luồng, sửa chữa, nâng cấp 28 km đường lâm nghiệp.

Đánh giá về hiệu quả của việc thực hiện các chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ông Đỗ Văn Kỳ, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Các chính sách hỗ trợ trong tái cơ cấu nông nghiệp đã và đang thúc đẩy các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đầu tư xây dựng, phát triển những dự án sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị. Đồng thời, góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, từ đó thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững được đề ra trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.


Bài và ảnh: Hương Thơm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]