(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giống lúa lai F1 đã đem lại nhiều lợi ích cho người nông dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hiệu quả liên kết sản xuất giống lúa lai F1

Những năm qua, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giống lúa lai F1 đã đem lại nhiều lợi ích cho người nông dân.

Người dân thôn 2, xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa) chăm sóc lúa lai F1.

Nhiều địa phương trong tỉnh đã tham gia liên kết sản xuất giống lúa này và mang lại hiệu quả kinh tế cao, như các huyện Yên Định, Hoằng Hóa, Đông Sơn...

Cánh đồng thôn 2, xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa) có 50 ha sản xuất giống lúa lai F1 hiện đang được liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm với Công ty Nghiên cứu giống NLN Lào Cai với giá thu mua 28.000 đồng/kg. Nhiều năm qua, hàng chục hộ dân ở đây đã trở thành thành viên quen thuộc của HTX dịch vụ nông nghiệp Quỳ Chữ và gắn bó ổn định trong chuỗi liên kết sản xuất. Ông Lê Trọng Hòa, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Hoằng Hóa, cho biết: Người dân tham gia sản xuất không còn lo tìm kiếm thị trường, yên tâm hơn sau mỗi vụ thu hoạch. Đồng thời, giá thu mua luôn ổn định nên người dân không còn gặp tình trạng bị o ép giá. Từ hiệu quả của mô hình sản xuất giống lúa lai F1 tại xã Hoằng Quỳ, UBND huyện đang định hướng cho người dân tiếp tục mở rộng diện tích theo hướng sản xuất tập trung.

Được biết, từ năm 1992, giống lúa lai F1 đã được du nhập và sản xuất thí điểm trên địa bàn huyện Yên Định với diện tích 0,5 ha; đến nay, diện tích đã được mở rộng lên tới 365,1 ha. Trong đó, vụ chiêm xuân là 232,9 ha, năng suất 24 tạ/ha, sản lượng đạt 559 tấn; vụ thu mùa diện tích là 132,2 ha, năng suất 25 tạ/ha, sản lượng đạt 330,5 tấn. Nhận thấy giá trị kinh tế gấp 2 lần so với giống lúa thương phẩm nên nông dân ở các xã trên địa bàn, như: Định Tân, Định Tường, Định Hòa... đã đẩy mạnh tìm kiếm liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với 6 công ty giống cây trồng để người dân yên tâm sản xuất. HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng xã Định Tiến (Yên Định) có 81 ha sản xuất giống lúa lai F1 theo mô hình liên kết với 240 hộ tham gia sản xuất. Được biết, toàn bộ diện tích sản xuất giống lúa lai F1 đều được 2 doanh nghiệp là Công ty Giống cây trồng Trung ương và Công ty CP Nam Dương liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Để hỗ trợ cho người dân, thông qua HTX, vào mỗi đầu vụ các công ty cung ứng giống, vật tư nông nghiệp và chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất. Sau khi thu hoạch, nếu sản phẩm đạt chất lượng, các công ty có trách nhiệm bao tiêu toàn bộ sản phẩm với khung giá được ký kết trong hợp đồng. Ông Vũ Văn Lót, một trong những hộ dân có “thâm niên” trong sản xuất giống lúa lai F1 ở xã Định Tiến, cho biết: “Gia đình tôi đã nhiều năm liên kết sản xuất với Công ty CP Nam Dương bao tiêu sản phẩm giống lúa lai F1. Trong quá trình cây lúa sinh trưởng và phát triển, cán bộ chuyên môn của doanh nghiệp trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật canh tác, cách dùng thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng, cách phòng chống sâu bệnh hại lúa hiệu quả... Qua việc liên kết, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nên người dân không còn lo lắng về đầu ra của sản phẩm, thu nhập ổn định; với diện tích 1 ha, lợi nhuận khoảng 40 đến 45 triệu đồng/ha/vụ.

Đánh giá về hiệu quả liên kết sản xuất giống lúa lai F1 trên địa bàn xã, ông Nguyễn Văn Qúy, Chủ tịch HĐQT HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng xã Định Tiến, cho biết: Các doanh nghiệp cùng với người dân tổ chức sản xuất lúa giống, bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, trong quá trình sản xuất đã ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, nông nghiệp công nghệ cao. Điều này góp phần tăng thu nhập cho người nông dân, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, đào tạo tay nghề, nâng cao tính chuyên nghiệp cho lao động nông thôn.

Hiệu quả từ thực tế các địa phương đã minh chứng hiệu quả kinh tế trong sản xuất hạt giống lúa lai F1, nhất là những diện tích được liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp. Chính những hiệu quả nói trên đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất lúa của tỉnh ta. Bởi vậy, để mở rộng diện tích, quy mô sản xuất hạt giống lúa lai F1 trên địa bàn tỉnh, những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang định hướng cho các địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc thu hút doanh nghiệp để triển khai thực hiện và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu hạt giống lúa lai F1. Tích cực thực hiện công tác tích tụ ruộng đất để hình thành được những vùng sản xuất hạt giống lúa lai F1 tập trung, quy mô lớn. Cùng với đó, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào quá trình trồng, chăm sóc để bảo đảm năng suất, chất lượng của sản phẩm. Đánh giá về hiệu quả và định hướng của việc sản xuất hạt giống lúa lai F1 trên địa bàn tỉnh, ông Đỗ Văn Kỳ, Trưởng Phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Theo đánh giá sơ bộ, thông thường, diện tích sản xuất lúa lai F1 cho hiệu quả kinh tế gấp 2 đến 3 lần so với sản xuất lúa thương phẩm. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất giống lúa này, bà con nông dân còn có điều kiện nâng cao trình độ canh tác. Vì vậy, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã khuyến khích các địa phương mở rộng diện tích sản xuất hạt giống lúa lai F1. Tính đến vụ thu mùa 2018, toàn tỉnh đã xây dựng và nhân rộng được hơn 700 ha hạt giống lúa lai F1, với năng suất bình quân đạt 25 tạ/ha. Với kết quả này, ngành nông nghiệp đang định hướng cho các địa phương tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lúa lai F1, những diện tích được mở rộng nhất thiết phải được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, phải hình thành vùng sản xuất hạt giống lúa lai F1 riêng, nhằm bảo đảm chất lượng của hạt giống khi đưa vào gieo cấy.


Bài và ảnh: Lê Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]