(Baothanhhoa.vn) - Xác định công nghiệp là ngành thế mạnh, là đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần XVIII đã xác định, phát triển KKTNS và các Khu công nghiệp (CKCN) là một trong 5 chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế - bước đi đón đầu các nhà đầu tư

Hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế - bước đi đón đầu các nhà đầu tư

Một góc Cảng biển Nghi Sơn. Ảnh: Lê Đồng

Xác định công nghiệp là ngành thế mạnh, là đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần XVIII đã xác định, phát triển KKTNS và các Khu công nghiệp (CKCN) là một trong 5 chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020.

Để thu hút được nhiều dự án đầu tư, việc phát triển hệ thống hạ tầng của các KKT, KCN phải đi trước một bước. Theo đó, trong nhiệm kỳ 5 năm gần đây, hạ tầng các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được quan tâm đầu tư, ngày càng phát triển.

Những ngày đầu tháng 6, tiết trời nắng như đổ lửa, vùng Nghi Sơn càng thêm oi bức, nóng nực. Tuy nhiên, thời tiết có phần khắc nghiệt không thể làm giảm không khí lao động trên công trường thi công Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 1A đến điểm đầu đường Đông - Tây 4 đi Cảng Nghi Sơn. Ven chân núi Xước qua phường Mai Lâm thuộc KKTNS, hàng chục máy móc của nhà thầu vẫn nhộn nhịp bạt đất, lu nền và thi công các hạng mục. Cách đây gần 1 tháng, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng đã đến hiện trường thi công công trình huyết mạch KKT này để kiểm tra, đôn đốc thi công. Người đứng đầu chính quyền tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các đơn vị liên quan phải tập trung nhân lực, vật lực, gấp rút thời gian thi công sớm hoàn thành tuyến đường. Hiện nay, đoạn từ cầu Hổ nối với Quốc lộ 1A đến Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Một tuyến đường đôi rộng thênh thang, mở ra cơ hội phát triển cho toàn KKT. Phần còn lại đang được gấp rút thi công, phấn đấu sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trước ngày 10-10-2020. Đây sẽ trở thành công trình cắt băng khánh thành chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Trên đây chỉ là một trong hàng chục dự án hạ tầng của KKTNS được triển khai xây dựng trong những năm qua. Các dự án giao thông vẫn tiếp tục được quan tâm đầu tư, bảo đảm sự liên kết giữa các phân khu, kết nối với hệ thống giao thông toàn vùng và toàn quốc. Thống kê từ Ban Quản lý (BQL) KKTNS&CKCN tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho phát triển hạ tầng KKTNS lên đến hơn 9.800 tỷ đồng. Theo đó, gần 5 năm qua, tại KKT động lực này đã có 18 dự án chuyển tiếp và 15 dự án hạ tầng mới được khởi công. Đến thời điểm hiện tại, đã có gần 20 dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác, nâng tổng số dự án hạ tầng tại KKTNS (kể cả các giai đoạn trước) lên 60 dự án. Tuy nguồn ngân sách tỉnh còn hạn hẹp, nhưng Thanh Hóa đã vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách để kêu gọi các nguồn vốn ngoài Nhà nước cho xây dựng các dự án hạ tầng KKTNS. Nhiều công trình quan trọng được đầu tư như hệ thống cấp nước, vệ sinh môi trường, công nghệ thông tin, nhà ở chuyên gia, các dự án dịch vụ...

Hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế - bước đi đón đầu các nhà đầu tư Hạ tầng giao thông tại Khu Công nghiệp Bỉm Sơn được xây dựng đồng bộ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Thành công nhất trong phát triển hạ tầng tại KKTNS có lẽ là hệ thống cảng biển được xây dựng đồng bộ, hiện đại. Đến nay khu vực cảng biển ở đây đã có 13 bến cảng tổng hợp đang hoạt động, những bến còn lại vẫn tiếp tục được đầu tư. Bên cạnh đó, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn cũng phát triển các bến chuyên dụng, điển hình như bến của Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, bến trung chuyển hàng hóa của Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, bến của Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn 1... Công ty TNHH Long Sơn và Công ty CP Gang thép Nghi Sơn cũng đang đầu tư 10 bến container cùng các khu dịch vụ hậu cần cảng biển, phát triển hệ thống Logistics. Hơn một năm qua, Cảng biển Nghi Sơn đã đón các chuyến tàu hàng container của Tập đoàn CMA CGM Pháp ra/vào bốc xếp hàng hóa, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của hệ thống Cảng biển Nghi Sơn khi kết nối với những tuyến hàng hải quốc tế hoạt động.

Tại 8 KCN của tỉnh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cũng có những bước đột phá, nhất là trong 5 năm gần đây. Do có nhiều KCN đã định hình và được lấp đầy bởi các dự án, nên hạ tầng đã tương đối ổn định, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh. Ở những KCN chưa hoàn thiện hoặc tiếp tục mở rộng, trong gần 5 năm qua, đã có hơn 1.000 tỷ đồng được tỉnh và BQL KKTNS&CKCN tỉnh kêu gọi đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng kỹ thuật. Tại KCN Lam Sơn - Sao Vàng, các dự án hạ tầng giao thông trong KCN đang tiếp tục được triển khai thi công. Hạ tầng KCN Bỉm Sơn đang ngày càng hoàn thiện bởi hiện tại, hệ thống cấp điện, cấp nước, hệ thống xử lý chất thải tập trung đã sẵn sàng chờ đón thêm các dự án đầu tư mới. Với các nhà đầu tư khi tìm hiểu cơ hội đầu tư tại các KCN, tỉnh đều cam kết cung cấp hệ thống điện, hoàn thành hệ thống giao thông đến tận hàng rào nhà máy sản xuất.

Ngoài các cơ chế, chính sách ưu đãi thì hạ tầng các KKT, KCN chính là “chìa khóa” thu hút các dự án đầu tư vào tỉnh. Cả 2 yếu tố này dường như đã được phát huy, bước đầu đã làm hài lòng các chủ đầu tư có dự án tại Thanh Hóa. Đó chính là nguyên nhân, mà theo nhiều nhận định, Thanh Hóa đang ở thời kỳ “hoàng kim” thu hút đầu tư vào các KKT, KCN. Từ năm 2006 đến nay, các KCN đã thu hút được hơn 150 dự án đầu tư, KKTNS thu hút được gần 130 dự án đầu tư. Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn với tổng vốn đầu tư 9,3 tỷ USD đã trở thành dự án có vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam đến thời điểm hiện nay, đã hoạt động và cho ra sản phẩm vào cuối năm 2018. Nhiều dự án khác đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ông Yong See Leng, Giám đốc điều hành Nhà máy sản xuất dầu ăn của Công ty TNHH Dầu thực vật Khu vực miền Bắc Việt Nam, cho biết: Doanh nghiệp chúng tôi 100% vốn đầu tư Singapore, đang sản xuất dầu ăn tại KKTNS. Hiện tại, chúng tôi rất hài lòng về điều kiện hạ tầng tại đây. Việc nhập nguyên liệu cọ dầu từ Indonesia, rồi xuất bán sản phẩm qua hệ thống cảng biển và đường giao thông ở KKTNS khá thuận lợi. Đại diện lãnh đạo BQL KKTNS&CKCN chia sẻ, phần lớn các nhà đầu tư quốc tế khi tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Thanh Hóa đều hỏi rằng, các ngài đã có hệ thống cảng biển đáp ứng được yêu cầu trung chuyển hàng hóa quốc tế chưa? Và thực tế đã khẳng định: Hệ thống hạ tầng Cảng biển Nghi Sơn hiện tại đã đáp ứng được yêu cầu này, hàng hóa sản xuất ra được trung chuyển đi khắp thế giới. Nguyên liệu nhập khẩu từ các nước để phục vụ sản xuất cũng dễ dàng bởi các thủ tục thông quan đã “thông thoáng” và đơn giản hóa, năng lực bốc xếp của các cảng biển cơ bản bảo đảm các yêu cầu. Bên cạnh đó, các hạng mục hạ tầng khác cũng đã và đang góp phần quan trọng để đáp ứng được những yêu cầu của nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế mong muốn đầu tư về tỉnh Thanh Hóa.

Lê Đồng


Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]