(Baothanhhoa.vn) - Sau 5 năm triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP, ngày 7-7-2014 của Chính phủ (NĐ 67) về một số chính sách phát triển thủy sản, đã góp phần tích cực vào việc khuyến khích ngư dân trên địa bàn tỉnh đóng mới, nâng cấp tàu công suất lớn để khai thác hải sản xa bờ. Tuy nhiên, quá trình triển khai NĐ 67, đã phát sinh nhiều vướng mắc, cần được tháo gỡ, nhất là trong công tác thu hồi vốn tín dụng của các ngân hàng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gỡ khó trong việc thu hồi vốn tín dụng theo Nghị định 67

Sau 5 năm triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP, ngày 7-7-2014 của Chính phủ (NĐ 67) về một số chính sách phát triển thủy sản, đã góp phần tích cực vào việc khuyến khích ngư dân trên địa bàn tỉnh đóng mới, nâng cấp tàu công suất lớn để khai thác hải sản xa bờ. Tuy nhiên, quá trình triển khai NĐ 67, đã phát sinh nhiều vướng mắc, cần được tháo gỡ, nhất là trong công tác thu hồi vốn tín dụng của các ngân hàng.

Gỡ khó trong việc thu hồi vốn tín dụng theo Nghị định 67

Tàu vay vốn theo NĐ 67 của ngư dân xã Hải Thanh neo đậu tại Cảng cá Lạch Bạng (Tĩnh Gia).

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển - Chi nhánh Thanh Hóa (BIDV Thanh Hóa) là một trong những ngân hàng đã tích cực thực hiện ký hợp đồng tín dụng cho vay đóng mới tàu cá theo NĐ 67. Khi cho các khách hàng vay vốn, ngân hàng đã thẩm định dự án vay vốn theo đúng quy trình, quy định. Cụ thể, thẩm định hiệu quả đánh bắt dựa vào số chuyến tàu đi biển thực tế trung bình hàng năm, sản lượng khai thác theo kinh nghiệm đánh bắt của chủ tàu, các chi phí thực tế phát sinh..., từ đó xác định doanh thu, nguồn trả nợ. Tính đến hết tháng 6-2019, ngân hàng đã ký hợp đồng với 5 chủ tàu cá theo NĐ 67 với tổng số tiền đã giải ngân hơn 80 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ thu nợ được gần 3,2 tỷ đồng. Cả 5 chủ tàu đều báo lỗ và không trả nợ cho ngân hàng. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Hẩu, chủ tàu TH 92368-TS, phường Quảng Cư (TP Sầm Sơn) được ngân hàng cho vay 16,6 tỷ đồng, mới trả cho ngân hàng 594 triệu đồng, đang nợ xấu 16,006 tỷ đồng; ông Nguyễn Duy Muộn, chủ tàu TH 93968 cũng ở phường Quảng Cư (TP Sầm Sơn), vay 16,8 tỷ đồng, khai tàu hư hỏng, lỗ hàng trăm triệu đồng/năm, mới trả ngân hàng 652 triệu đồng, đang nợ xấu tại ngân hàng 16,148 tỷ đồng; tương tự, các chủ tàu Nguyễn Văn Hồng, Cao Văn Ninh, Lê Doãn Tròn đều ở TP Sầm Sơn cũng đang nợ xấu tại ngân hàng từ 15 đến 16 tỷ đồng. Điều đáng nói, mặc dù báo lỗ lớn, không có khả năng trả nợ cho ngân hàng nhưng các chủ tàu này vẫn liên tục ra khơi, gây rất nhiều khó khăn cho cán bộ tín dụng của ngân hàng trong công tác đôn đốc, thuyết phục chủ tàu trả nợ theo cam kết.

Thời gian qua, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân được vay vốn thực hiện ước mơ đóng mới, nâng cấp những con tàu hiện đại, công suất lớn đủ sức để vươn khơi xa bám biển khai thác hải sản. Tính đến hết tháng 6-2019, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng với 58 chủ tàu, doanh số cho vay lũy kế từ đầu chương trình là 652,021 tỷ đồng. Dư nợ đến nay là 613,463 tỷ đồng; doanh số thu nợ lũy kế từ đầu chương trình đạt 8,588 tỷ đồng, nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 5,402 tỷ đồng; nợ xấu 224,891 tỷ đồng, chiếm 36,67% tổng dư nợ. Sau khi hoàn thành đóng mới 58 tàu cá theo NĐ 67 trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động, tổ chức sản xuất theo tổ đoàn kết khai thác ở nhiều ngư trường xa. Ngoài khai thác ở ngư trường truyền thống là Vịnh Bắc bộ, một số chủ tàu đã mở rộng khai thác ở ngư trường miền Trung, miền Nam và các vùng biển xa. Đến thời điểm này, trong tổng số 58 tàu đóng mới, có 10 tàu khai thác hiệu quả kinh tế và 48 tàu khai thác chưa hiệu quả, chỉ mới hòa vốn hoặc báo lỗ. Nguyên nhân các tàu hoạt động kém hiệu quả kinh tế chủ yếu do, nhiều người dân coi “vốn vay 67” là vốn tài trợ không hoàn lại của Chính phủ, dù ngân hàng đã giải thích kỹ trước khi cho vay. Chính vì vậy, nhiều ngư dân không quan tâm đến hiệu quả của việc đóng tàu, tìm mọi cách để vay vốn, mà không nghĩ đến phương án trả nợ. Cũng có người hiểu rõ đây là vốn vay, nhưng lại làm với tâm lý “Lời thì làm, lỗ thì trả tàu cho ngân hàng, coi như xóa nợ”. Bên cạnh đó, một số chủ tàu vay vốn theo NĐ 67 vẫn đang khai thác nhưng có thái độ chây ỳ, thiếu trách nhiệm trả nợ ngân hàng. Thậm chí còn có biểu hiện lôi kéo chủ tàu khác cùng không trả nợ cho ngân hàng để chờ Nhà nước xóa nợ. Toàn tỉnh hiện có gần 30 tàu cá không thực hiện trả nợ cho ngân hàng theo đúng kỳ hạn; trong đó, tập trung nhiều ở các huyện: Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Nga Sơn. Điều đáng nói là những trường hợp chây ỳ, không thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi khoản vay chỉ xảy ra đối với tàu 67. Đối với các khoản vay thương mại để đóng mới phương tiện khai thác hải sản, mặc dù được vay ít hơn, lãi suất cao 10%/năm và phải thế chấp tài sản để vay vốn nhưng vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ đúng kỳ hạn với ngân hàng.

Theo quy định, để được ngân hàng cho vay vốn, chủ tàu phải cam kết công khai các hợp đồng đầu tư cho ngân hàng giám sát để quản lý dòng tiền, bảo đảm khả năng thu hồi nợ. Trong khi đó, ngân hàng không thể kiểm soát các hoạt động của tàu cá về doanh thu, chi phí, lợi nhuận mỗi chuyến đi biển nên không kịp thời thu nợ. Mặc dù các ngân hàng thường xuyên thông báo các kỳ hạn trả nợ để ngư dân và gia đình biết thực hiện, nhưng hầu hết ngư dân và gia đình thiếu hợp tác, chưa chấp hành đúng yêu cầu, có tư tưởng ỷ lại vào chính sách, chưa tích cực để trả nợ.

Bên cạnh đó, hiện nay một số chủ tàu khai thác không hiệu quả kinh tế, muốn chuyển đổi cho chủ tàu khác nhưng lại gặp nhiều khó khăn. Bởi tâm lý e ngại của người nhận mua khi họ phải nhận toàn bộ khoản nợ vay từ chủ tàu cũ, bao gồm cả nợ gốc, nợ quá hạn và lãi phát sinh mà chủ tàu cũ chưa trả cho ngân hàng trước thời điểm bàn giao. Ngoài ra, cơ chế hỗ trợ lãi suất đối với chủ tàu mới khi nhận chuyển nhượng lại tàu vay vốn theo NĐ 67 chưa có hướng dẫn cụ thể. Chưa nói đến việc chuyển đổi con tàu khai thác hải sản không hiệu quả kinh tế bao giờ giá bán cũng thấp hơn giá thực tế vì đây là hàng hóa đặc thù. Một khó khăn nữa là nợ quá hạn của các chủ tàu hiện còn lớn hơn hoặc bằng nguyên giá đóng mới tàu nên trong trường hợp ngân hàng thu hồi tài sản và xử lý nợ rất phức tạp. Riêng đối với các khoản vay bị liệt vào loại nợ quá hạn sẽ không đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất theo quy định, nên việc trả nợ càng khó.

Một khó khăn nữa trong thực hiện chính sách tín dụng theo NĐ 67 là, theo Nghị định số 17/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 67, quy định ngân sách Nhà nước hỗ trợ hàng năm 50% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu (NĐ 67 quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 90CV đến dưới 400CV; 90% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên). Do đó, từ năm 2018 đến nay, nhiều chủ tàu không mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ (tài sản bảo đảm cho khoản vay tại các ngân hàng thương mại) trong khi vẫn tiếp tục ra khơi khai thác. Điều này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho tài sản bảo đảm vay vốn tại ngân hàng. Để giải quyết vấn đề này, các ngân hàng thương mại đã có văn bản đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh hỗ trợ ngăn chặn xuất bến tạm thời đối với tàu cá vay vốn theo NĐ 67 không mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ/bảo hiểm đã hết hạn. Tuy nhiên, để thực hiện đề xuất này cũng không phải vấn đề đơn giản.

Để hạn chế nợ xấu các khoản vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá tiếp tục phát sinh và tăng cường công tác quản lý tài sản bảo đảm, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa đã có văn bản báo cáo và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền các cấp, các sở, ngành có liên quan của tỉnh tích cực phối hợp, hỗ trợ các ngân hàng thương mại trong việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ xấu đối với các chủ tàu có khả năng trả nợ nhưng có biểu hiện chây ỳ, thiếu thiện chí trả nợ theo đúng quy định pháp luật. Cùng với đó, tích cực tuyên truyền cho các chủ tàu hiểu rõ về ý nghĩa, ưu đãi mà các chủ tàu được hưởng theo NĐ 67 và Nghị định số 17/2018/NĐ-CP, cũng như nghĩa vụ thực hiện đúng các hợp đồng tín dụng đã ký kết với ngân hàng; nâng cao ý thức thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay. Đồng thời, hỗ trợ, giới thiệu cho ngân hàng các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhận chuyển nhượng lại các tàu vay vốn đóng mới, nâng cấp theo NĐ 67 do ngân hàng phát mại cũng như có phương án hỗ trợ bến bãi neo đậu tàu cá đối với các trường hợp ngân hàng thu giữ tài sản để chờ phát mại tài sản.

Các chủ tàu phải thực hiện đúng những cam kết với ngân hàng

Gỡ khó trong việc thu hồi vốn tín dụng theo Nghị định 67

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP, ngày 7-7-2014 của Chính phủ, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã tham gia tích cực, có trách nhiệm trong việc triển khai chính sách tín dụng theo nghị định. Tuy nhiên, hiện nay, một số tàu vay vốn ngân hàng theo NĐ 67 đã phát sinh nợ xấu khiến các ngân hàng gặp khó trong thu hồi nợ.

Thời gian đầu, các chủ tàu thực hiện việc trả nợ khá tốt. Tuy nhiên, khoảng hơn một năm trở lại đây, ngư dân không tuân thủ hợp đồng đã ký kết, nhiều chủ tàu đã đồng loạt ngừng trả nợ cùng lúc, dẫn đến nợ xấu tăng lên, gây ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng trên địa bàn. Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa (NHNN Thanh Hóa) báo cáo NHNN Việt Nam, UBND tỉnh các khoản nợ xấu trong cho vay phát triển thủy sản theo NĐ 67. Trong khi chờ chỉ đạo, các ngân hàng cần phối hợp với chủ tàu thực hiện những biện pháp hỗ trợ như điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ cho khách hàng. Nếu đã thực hiện những biện pháp hỗ trợ nhưng chủ tàu vẫn không trả được nợ, không phối hợp trong việc trao đổi và thống nhất phương án xử lý thì ngân hàng tiến hành các biện pháp theo quy định của pháp luật. Mặt khác, các ngân hàng thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu theo quy định tại Nghị định 17/2018/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 67. Để giảm tỷ lệ nợ quá hạn theo NĐ 67, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người vay, của từng chủ tàu phải thực hiện đúng theo những cam kết với ngân hàng khi đã được tạo điều kiện cho vay vốn đóng tàu công suất lớn để vươn khơi.

Nguyễn Thanh An

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa

Cần có chế tài xử phạt thật nghiêm đối với ngư dân cố tình chây ỳ trả nợ ngân hàng

Gỡ khó trong việc thu hồi vốn tín dụng theo Nghị định 67

Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, được xem là “phao cứu sinh” cho những ngư dân thực sự muốn vươn khơi, bám biển khai thác hải sản nhưng hạn chế về nguồn lực. Tuy nhiên, quá trình thực hiện lại phát sinh nhiều bất cập, nhất là nợ xấu có xu hướng tăng nhanh.

Để giải quyết kịp thời những khó khăn trên, thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục phối hợp cùng các ngân hàng thương mại đôn đốc các chủ tàu đã được vay vốn theo Nghị định 67/2014/NÐ-CP thực hiện trả nợ vay ngân hàng đúng hạn theo hợp đồng tín dụng đã ký kết, các đơn vị, địa phương cần căn cứ vào nội dung phương án sản xuất, kinh doanh (năng lực tổ chức sản xuất, kế hoạch vay vốn và trả nợ, hiệu quả kinh tế...) của chủ tàu đã được UBND cấp huyện thẩm định để tiến hành rà soát, đánh giá thực tế hoạt động sản xuất của chủ tàu. Những tàu khai thác hải sản, làm các dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển, bảo đảm hiệu quả kinh tế, trả nợ ngân hàng đúng hạn thì khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi. Trường hợp qua rà soát chủ tàu không đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản, có nhu cầu chuyển nhượng lại tàu thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 17/2018/NÐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ. Cùng với đó, cần có chế tài xử phạt thật nghiêm đối với ngư dân cố tình chây ỳ trả nợ ngân hàng.

Lê Văn Lực

(Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thanh Hóa)

Tiếp tục tuyên truyền để ngư dân vươn khơi bám biển nâng cao hiệu quả kinh tế trong khai thác hải sản

Gỡ khó trong việc thu hồi vốn tín dụng theo Nghị định 67

Thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, ngư dân xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) được các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho vay đóng mới 4 tàu công suất lớn, hiện đại. Tuy nhiên, hiệu quả khai thác của các tàu 67 trên địa bàn lại không được như kỳ vọng, thậm chí phần lớn các chủ tàu đều báo lỗ sau mỗi chuyến ra khơi.

Nguyên nhân là do trình độ kỹ thuật của chủ tàu và lao động trên tàu còn hạn chế, ngư dân chưa có kinh nghiệm khai thác ở các vùng biển xa, ngư trường đánh bắt không thuận lợi, nguồn lợi hải sản suy giảm, thời tiết ngày càng diễn biến bất thường đã ảnh hưởng đến hiệu quả đánh bắt của ngư dân... Bên cạnh đó, những bất cập trong quy hoạch phát triển hệ thống cảng cá và khu neo đậu cũng là nguyên do khiến các tàu được đóng theo NĐ 67 hoạt động kém hiệu quả. Phần lớn các cảng cá trên địa bàn tỉnh chỉ thiết kế cho tàu dưới 500 CV cập bến; trong khi, tàu được đóng theo NĐ 67 đều có công suất hơn 800 CV. Việc tàu cá công suất lớn của địa phương phải neo đậu tại các cảng cá tại các địa phương khác không chỉ tiêu tốn nhiên liệu còn không thể đánh giá được hiệu quả việc khai thác, kinh doanh của các chủ tàu vay vốn theo NĐ 67.

Hiện UBND xã Hoằng Trường đang tiếp tục tuyên truyền để ngư dân vươn khơi bám biển, nâng cao hiệu quả kinh tế trong khai thác hải sản, chủ động trả nợ cho ngân hàng theo quy định để được hưởng các quyền lợi, chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Lê Phạm Thảo

Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa)

Cần đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các cảng cá

Gỡ khó trong việc thu hồi vốn tín dụng theo Nghị định 67

Gần 5 năm trước tôi lập phương án xin vay 5,9 tỷ đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Nghi Sơn theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ để đóng mới tàu vỏ gỗ làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Tàu cá công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, an toàn. Năm 2017, sau khi hạ thủy, mỗi chuyến đi biển (khoảng 1 tháng), sau khi trừ chi phí tôi còn lãi từ 150 - 200 triệu đồng. Từ đầu năm 2018 đến nay, khai thác hải sản tuy khó khăn hơn, nhưng nhờ làm tốt các khâu dịch vụ hậu cần nghề cá nên mỗi chuyến biển tôi vẫn có lãi khoảng 100 triệu đồng. Được vay vốn ưu đãi của ngân hàng, tôi luôn xác định đây là vốn vay, đã vay thì phải trả nợ. Hiện nay, bình quân mỗi tháng trả gần 6 triệu đồng tiền lãi và hơn 20 triệu đồng tiền gốc nhưng tôi không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn với ngân hàng. Bởi tôi nghĩ ngân hàng đã tin tưởng tạo đồng vốn cho gia đình tôi phát triển kinh tế thì mình cũng phải giữ uy tín, trả nợ đúng hạn.

Tuy nhiên, để tàu cá công suất lớn hoạt động hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao, tôi rất mong Nhà nước đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các cảng cá tại địa phương. Tại Cảng cá Lạch Bạng, huyện Tĩnh Gia, do luồng lạch nhỏ, thường xuyên bị bồi lắng, nên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình ra vào của các tàu công suất lớn.

Bùi Văn Minh

(Chủ tàu TH 91729-TS, xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia)

Bài và ảnh: Khánh Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]