(Baothanhhoa.vn) - Đồi Rừng Lim – tên một khu đồi gắn liền với quần thể lim xanh cổ thụ tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy có  tuổi đời cả trăm năm. Câu chuyện người dân địa phương coi cây như báu vật của làng, ra sức gìn giữ đã góp phần bảo vệ rừng lim bản địa quý hiếm tập trung lớn nhất tỉnh Thanh Hóa hiện nay khỏi sự xâm phạm...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gìn giữ rừng lim cổ thụ

Đồi Rừng Lim – tên một khu đồi gắn liền với quần thể lim xanh cổ thụ tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy có tuổi đời cả trăm năm. Câu chuyện người dân địa phương coi cây như báu vật của làng, ra sức gìn giữ đã góp phần bảo vệ rừng lim bản địa quý hiếm tập trung lớn nhất tỉnh Thanh Hóa hiện nay khỏi sự xâm phạm...

Gìn giữ rừng lim cổ thụ

Một quần thể lim cổ thụ tại xã Cẩm Tú.

Trên con đường liên huyện từ xã Cẩm Tú đi huyện Bá Thước, người đi đường không khỏi ngỡ ngàng và ấn tượng với những bóng cây cổ thụ vươn cành che rợp cả lối đi. Màu xanh thẫm của từng thảm lá, những cành cây vững chãi vươn rộng đang cho thấy sự trường tồn của từng “lão mộc”. Chỉ cách mặt đường nhựa chưa đầy 10m, những gốc lim xù xì lớn nhỏ khác nhau ở triền dốc đang nói lên rằng, sự tiếp nối của các thế hệ cây ở đây vẫn liên tục như vòng quay của trời đất. Xa xa trên các triền đồi, những “cụ” cây vươn mình hướng sáng, cao tới hàng chục mét, vượt hẳn màu xanh của thảm thực vật hỗn giao phía dưới. Hàng chục cây lim có tuổi đời cả trăm năm, hiện đã có đường kính từ 1 đến 1,5m. Những cây còn lại cũng thuộc hàng cổ thụ, phần gốc từ 1 đến 2 người ôm.

Cùng chúng tôi vạch từng lớp dây leo, cây bụi để tiến sâu vào rừng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Tú Trương Đình Phong, kể: Khi tôi lớn lên đã thấy có những cây gỗ to vài ba người ôm rồi. Các cụ lớn tuổi trong vùng cũng cho biết, rừng lim có từ rất lâu, trước khi họ sinh ra. Theo một số thông tin truyền miệng, nó được trồng từ giai đoạn đầu thời Pháp thuộc do chính các quan chức thực dân cai trị cho triển khai. Có lẽ, họ nhận thấy chất lượng lim xanh Thanh Hóa thuộc hàng hiếm trên thế giới nên có tầm nhìn trong việc phát triển, bảo vệ để khai thác lâu dài.

Điều đáng nói, hầu như tất cả những rừng lim bản địa xứ Thanh trên địa bàn tỉnh đã bị đào tận gốc, trốc tận rễ từ hàng chục năm trước, họa hoằn mới sót lại một số cá thể cổ thụ. Đơn cử như rừng lim xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân đã sạch bóng cây lim. Các quần thể lim cổ thụ tại Vườn Quốc gia Bến En trên địa bàn huyện Như Thanh cũng chỉ còn một số cá thể. Ngược lại, rừng lim cổ thụ tại xã Cẩm Tú này lại được bảo vệ nghiêm ngặt, nhiều năm qua số lượng cá thể cây không hề giảm, trong khi đó, cây nhỏ vẫn lớn lên. Những hàng thép gai chăng quanh khu rừng vẫn hiện hữu, mà theo ông Trương Đình Phong, là do nhân dân địa phương tự vận động, bỏ tiền chăng thép gai để chống lâm tặc xâm nhập khai thác trộm. Chỉ vào một cây lim chừng 3 người ôm đã chết khô, ông Phong nói: Một số cây lim chết, chúng tôi vẫn giữ nguyên trạng chứ không cho khai thác tận thu. Đã bảo vệ là phải nghiêm, nếu không sẽ thành tiền lệ xấu.

Thông tin từ UBND xã Cẩm Tú, rừng lim trải dài trên địa bàn 2 thôn Thái Học và Bắc Sơn. Với tổng diện tích 42,5 ha, hiện khu rừng cổ này có hơn 1.200 cá thể lim xanh, xen lẫn là hệ thống thực vật hỗn tạp tầng thấp. Người dân trong 2 thôn cũng coi những cây lim trong rừng như báu vật chung của thôn làng, ra sức bảo vệ. Hằng năm, Hạt Kiểm lâm huyện Cẩm Thủy cùng với UBND xã Cẩm Tú đều tiến hành kiểm đếm, đánh dấu, nhất là những cây lớn phân bổ ngay gần ven đường. Nhiều năm qua, chi bộ thôn Thái Học còn đưa việc bảo vệ rừng lim thành nhiệm vụ xuyên suốt, liên tục được quan tâm. Ông Cao Văn Đường, người dân thôn Thái Học, cho biết: Rừng được chia thành 9 khoảnh nhỏ để giao cho từng hộ và nhóm hộ nhận bảo vệ, chăm sóc. Gần như tuần nào chúng tôi cũng men theo lối mòn, tuần tra kiểm đếm số cây. Nếu thấy người lạ lân la gần khu đồi lim, người dân địa phương gọi điện báo xã và kiểm lâm địa bàn ngay. Trước đây, nhiều trường hợp khả nghi đến khu rừng nhưng có người dân phát hiện, các đối tượng đành bỏ đi. Nhiều năm qua, các cá thể lim trong rừng vẫn được gìn giữ.

Rời khu rừng nguyên sinh, âm thanh của tiếng chim líu lo, sự trong lành của một vùng rừng cổ thụ... như vẫn còn đọng mãi. Khu rừng cũng chính là nơi bảo vệ nguồn gen quý hiếm của loài lim bản địa xứ Thanh để duy trì và nhân giống mà Chi cục Lâm nghiệp Thanh Hóa đang triển khai.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]