(Baothanhhoa.vn) - Theo thống kê mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện trên địa bàn tỉnh có tới 103 hồ chứa không bảo đảm an toàn trước mùa mưa lũ năm 2018 thuộc địa bàn 13 huyện, thị xã; trong đó, có 91 hồ chứa trong tình trạng mất an toàn từ năm 2017, 12 hồ chứa mất an toàn sau đợt kiểm tra công trình trước lũ năm 2018. Bên cạnh đó, có 24 đập dâng bị hư hỏng không bảo đảm thuộc địa bàn 3 huyện Quan Hóa (5 công trình), Lang Chánh (16 công trình), Cẩm Thủy (3 công trình).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giảm thiểu nguy cơ mất an toàn hồ đập

Theo thống kê mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện trên địa bàn tỉnh có tới 103 hồ chứa không bảo đảm an toàn trước mùa mưa lũ năm 2018 thuộc địa bàn 13 huyện, thị xã; trong đó, có 91 hồ chứa trong tình trạng mất an toàn từ năm 2017, 12 hồ chứa mất an toàn sau đợt kiểm tra công trình trước lũ năm 2018. Bên cạnh đó, có 24 đập dâng bị hư hỏng không bảo đảm thuộc địa bàn 3 huyện Quan Hóa (5 công trình), Lang Chánh (16 công trình), Cẩm Thủy (3 công trình).

Thi công đập Bai Lai, xã Minh Sơn (Ngọc Lặc).

Để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ, năm nay các địa phương trong tỉnh đã chủ động đẩy nhanh tiến độ thi công, sửa chữa, nâng cấp các công trình bị hư hỏng. Đến nay, đã có 1 hồ chứa hoàn thành thi công là hồ Ông Xã, xã Thanh Sơn (Tĩnh Gia). Có 21 hồ chứa đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ, trong đó có 6 hồ chứa thi công chuyển tiếp từ năm 2017 và 15 hồ chứa thi công mới trong năm 2018. 5 đập dâng cũng đang được sửa chữa, nâng cấp.

Tại huyện miền núi Ngọc Lặc, hiện có 158 công trình hồ chứa nước, đập tràn, trong đó Công ty TNHH Thủy nông Sông Chu quản lý 10 công trình và huyện quản lý 148 công trình. Theo rà soát, hiện có tới 20 hồ chứa trên địa bàn xuống cấp, không bảo đảm an toàn. Nhiều công trình đã được xây dựng cách đây hàng chục năm, như hồ Bai Cô, xã Thúy Sơn; hồ Hón Hang, xã Minh Tiến; hồ Chàng Vàng, xã Nguyệt Ấn... đã xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm nay nhưng chưa có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp.

Theo thống kê của huyện Nông Cống, trên địa bàn có 29 hồ chứa với dung tích vừa và nhỏ do địa phương quản lý. Từ năm 2000 đến nay, đã có 11/29 hồ chứa vừa và nhỏ được sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn; 18 hồ còn lại được đầu tư từ những năm 80 trở về trước nên đã xuống cấp, trong đó có 10 hồ chứa báo động tình trạng mất an toàn. Điển hình như hồ Khe Than, xã Tượng Sơn đã mất an toàn từ năm 2016, hiện nay, đập đất bị thấm và sạt lở nhiều, cao trình đỉnh đập thấp, cống lấy nước lùng mang, hở đáy, tràn đất không đủ khẩu diện. Trong năm 2018, theo kế hoạch thực hiện việc sửa chữa, nâng cấp các hồ đập bằng nguồn vốn của tỉnh, địa phương sẽ thực hiện sửa chữa, nâng cấp 4 hồ, đó là: Hồ Đồng Vễn, xã Tượng Lĩnh; hồ Khe Ba, xã Tượng Sơn; hồ Sen và hồ Đồng Đông, xã Công Liêm. Hiện nay, hồ Khe Ba, xã Tượng Sơn đã được triển khai thi công cải tạo, nâng cấp.

Cũng theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện các công ty khai thác công trình thủy lợi và các địa phương vẫn đang thực hiện công tác kiểm tra công trình trước mùa mưa lũ; đồng thời, xây dựng kế hoạch, phương án chủ động ứng phó. Để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn hồ đập, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục nghiên cứu, bố trí kinh phí đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình hồ đập nhằm bảo đảm an toàn công trình, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí để xây dựng các cơ sở dữ liệu về hồ chứa nhằm bảo đảm công tác thông tin giám sát phục vụ quản lý, vận hành và phòng chống lụt bão.

Mới đây, UBND tỉnh cũng đã ban hành công văn về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi năm 2018. Theo đó, UBND tỉnh giao cho UBND các huyện, thị xã có hồ chứa, Công ty TNHH MTV Sông Chu, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc sông Mã thường xuyên theo dõi, kiểm tra đập, hồ chứa nước trước, trong và sau mùa mưa, lũ nhằm phát hiện sớm những nguy cơ mất an toàn công trình. Vận hành thử các cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ của các hồ chứa và bố trí đủ thiết bị dự phòng bảo đảm vận hành công trình trong mọi tình huống; rà soát, đánh giá quy trình. Vận hành hồ chứa, liên hồ chứa đã được phê duyệt để điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp nhằm bảo đảm vận hành an toàn công trình, cảnh báo sớm cho người dân ở vùng hạ du khi xả lũ hồ chứa. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật, kiên quyết xử lý đối với các đơn vị không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn công trình thủy lợi nói chung và hồ đập nói riêng. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương phê duyệt phương án ứng phó thiên tai cho đập, hồ chứa và vùng hạ du công trình; tổ chức hướng dẫn, diễn tập phương án ứng phó với các tình huống khẩn cấp, nhất là vùng hạ du các hồ, đập xung yếu, chỉ đạo việc tích nước và bảo đảm an toàn đối với các hồ chứa trên địa bàn tỉnh.


Bài và ảnh: Tùng Lâm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]