(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa là 1 trong 12 tỉnh tham gia Dự án “Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm” (Lifsap) từ năm 2010 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giám sát chất lượng thức ăn chăn nuôi tại vùng GAHP

Giám sát chất lượng thức ăn chăn nuôi tại vùng GAHP

Lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát chất lượng thức ăn chăn nuôi tại vùng GAHP, thị trấn Quán Lào (Yên Định).

Thanh Hóa là 1 trong 12 tỉnh tham gia Dự án “Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm” (Lifsap) từ năm 2010 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì.

Tham gia dự án, trên địa bàn tỉnh đã thiết lập được 5 vùng chăn nuôi áp dụng Quy trình thực hành chăn nuôi tốt đối với lợn, gà (GAHP) ở 10 xã tại 5 huyện, gồm: Hoằng Thắng, Hoằng Phượng (Hoằng Hóa); Định Tường – nay là thị trấn Quán Lào, Yên Thọ (Yên Định); Nông Trường, Minh Sơn (Triệu Sơn); Quảng Phong – nay là thị trấn Tân Phong, Quảng Hòa (Quảng Xương); Xuân Thành, Thọ Nguyên (Thọ Xuân), với tổng số 937 hộ tham gia, chia làm 49 tổ GAHP.

Tại những vùng chăn nuôi GAHP, đàn vật nuôi được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn giống, thức ăn, nước uống, dịch vụ thú y, ghi chép nhật ký tăng trưởng, đến xuất bán sản phẩm. Đối với công tác quản lý, việc giám sát chất lượng thức ăn chăn nuôi tại vùng GAHP được xem là nội dung quan trọng. Bởi, thức ăn chiếm phần lớn chi phí trong chăn nuôi (khoảng 65-75% giá trị sản xuất) và là yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế của người chăn nuôi.

Để thực hiện có hiệu quả công tác giám sát chất lượng thức ăn chăn nuôi tại vùng GAHP, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương và các hộ chăn nuôi nằm trong vùng GAHP triển khai thực hiện đánh giá thực trạng tồn dư hóa chất độc hại trong thức ăn chăn nuôi tại các vùng GAHP. Theo đó, Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng nông, lâm, thủy sản Thanh Hóa đã phối hợp với các phòng phân tích thức ăn Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT để thực hiện lấy mẫu giám sát chất lượng và an toàn thức ăn chăn nuôi tại các vùng GAHP. Qua đó, từ năm 2012 đến nay, trung tâm đã thực hiện 8 đợt giám sát chất lượng và an toàn thức ăn chăn nuôi tại các vùng GAHP; đã tiến hành lấy 220 mẫu thức ăn tại các cửa hàng, đại lý và hộ chăn nuôi áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi GAHP để phân tích các chỉ tiêu về chất lượng, độ ẩm, độc tố nấm mốc, tồn dư kháng sinh, vi sinh vật và kim loại nặng; đặc biệt là các chất cấm, như: Salbutamol, Clenbuterol, Ractopamine. Kết quả phân tích cho thấy, 100% số mẫu không phát hiện các chỉ tiêu Clenbuterol, Salbutamol, Ractopamine. Các nhóm chỉ tiêu dinh dưỡng hầu hết đều có kết quả đúng so với công bố chất lượng.

Sở NN&PTNT đánh giá: Kết quả giám sát đã đánh giá khái quát được thực trạng chất lượng thức ăn chăn nuôi, tình hình tồn dư kháng sinh, chất cấm, vi sinh vật và kim loại nặng trong thức ăn chăn nuôi hiện đang được kinh doanh, sử dụng tại 5 vùng GAHP. Qua đó, giúp Sở NN&PTNT quản lý chất lượng thức ăn; đồng thời, đưa ra các khuyến cáo, cảnh báo cho các thành viên GAHP biết, lựa chọn những loại thức ăn chăn nuôi bảo đảm chất lượng để sử dụng góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi nông hộ tại các vùng GAHP. Bên cạnh đó, góp phần nâng cao kiến thức của người chăn nuôi về việc lựa chọn mua, sử dụng và bảo quản thức ăn chăn nuôi cho đàn gia súc, gia cầm của gia đình.

Để tiếp tục tăng cường giám sát chất lượng thức ăn chăn nuôi tại vùng GAHP, Sở NN&PTNT đang chỉ đạo các đơn vị phụ trách đẩy mạnh và mở rộng địa bàn thực hiện việc giám sát, lấy mẫu thức ăn được phân phối tại các đại lý và sử dụng trong các trang trại, gia trại đưa đi kiểm nghiệm. Đồng thời, xây dựng phương án, kế hoạch giám sát chất lượng thức ăn chăn nuôi cho các địa phương trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tiếp theo. Thông qua công tác giám sát, các ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã và đang phổ biến, tuyên truyền cho các hộ dân về việc sử dụng các loại thức ăn chăn nuôi theo từng giai đoạn, không sử dụng các loại thức ăn chăn nuôi có chứa hàm lượng kháng sinh cao và kháng sinh cấm, ưu tiên sử dụng các loại thức ăn có nguồn gốc từ thiên nhiên, từ đó tạo ra sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tiến Xuân


Tiến Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]