(Baothanhhoa.vn) - Dự án cầu vượt tại nút giao đường sắt chuyên dụng của Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn với Quốc lộ 1A do Ban quản lý dự án 2, Bộ Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giải quyết bồi thường thỏa đáng cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thi công dự án cầu vượt ở thị xã Bỉm Sơn

Giải quyết bồi thường thỏa đáng cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thi công dự án cầu vượt ở thị xã Bỉm Sơn

Móng nhà gia đình anh Vũ Văn Quy, phường Bắc Sơn bị nứt, sụt lún.

Dự án cầu vượt tại nút giao đường sắt chuyên dụng của Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn với Quốc lộ 1A do Ban quản lý dự án 2, Bộ Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư.

Đơn vị bảo hiểm dự án là Công ty CP Bảo hiểm quân đội Thanh Hóa (thuộc Tổng Công ty CP Bảo hiểm quân đội). Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 10-2016 và đã hoàn thành từ tháng 1-2018. Trong quá trình thi công dự án này, 30 nhà dân tại các phường Ngọc Trạo, Bắc Sơn, Ba Đình (thị xã Bỉm Sơn) đã bị nứt, hư hỏng nặng. Mặc dù các đơn vị liên quan đã tiến hành giám định thiệt hại, tuy nhiên do quá trình thực hiện các thủ tục bồi thường chậm trễ, đơn giá bồi thường thấp dẫn đến sự việc kéo dài, các vết hư hỏng ngày càng lớn, ảnh hưởng đến chất lượng, tuổi thọ công trình và an toàn cho người sử dụng, gây tâm lý bất an và bức xúc trong nhân dân.

Gia đình ông Nguyễn Văn Tâm, khu phố 11, phường Ngọc Trạo mới đưa vào sử dụng ngôi nhà 3 tầng chưa lâu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng thi công dự án cầu vượt, cả ngôi nhà đã bị ảnh hưởng nặng nề. Theo quan sát, ngôi nhà bị nứt dầm bê tông cốt thép, hầu hết trần, tường nhà tại các tầng bị nứt nẻ. Vào mùa mưa, nước ngấm qua các vết nứt nhỏ xuống nhà, làm ẩm mốc tường, khiến cuộc sống gia đình bị đảo lộn và luôn trong tâm lý lo lắng, bất an khi các vết nứt xuất hiện càng nhiều và trầm trọng hơn. Tuy nhiên, chủ đầu tư và đơn vị bảo hiểm đưa đơn giá bồi thường cho ngôi nhà chỉ có 21 triệu đồng. Cũng tại khu phố này, ngôi nhà của gia đình ông Hoàng Duy Tùng cũng bị gãy dầm, gãy mái bê tông, nứt tường, nứt mặt cắt của ngôi nhà và sụt lún, bong tróc sàn nhà ở nhiều nơi. Với nhiều hạng mục ngôi nhà bị hư hỏng nặng nề như vậy, tuy nhiên, gia đình ông cũng chỉ được đề nghị mức bồi thường vỏn vẹn 13 triệu đồng.

Ông Lê Huy Hào, Trưởng khu phố 11, đồng thời cũng là một trong những hộ bị ảnh hưởng, cho biết: Toàn bộ 24 hộ dân bị ảnh hưởng bởi nhà ở trên địa bàn phường Ngọc Trạo khi thi công dự án này thuộc khu phố 11. Khi dự án bắt đầu thi công, các hộ dân đã có ý kiến, yêu cầu dừng công trình do ảnh hưởng rung lắc mạnh, khiến các ngôi nhà kiên cố bị ảnh hưởng chấn động. Tuy nhiên, do được các ban, ngành, chính quyền địa phương và chủ đầu tư tuyên truyền, vận động, hứa hẹn sau khi thi công xong sẽ giám định, bồi thường thỏa đáng nên các hộ dân đã đồng thuận. Tuy nhiên, quá trình giải quyết bồi thường cho người dân thực sự quá chậm chễ và rắc rối. Trong thời gian chờ đợi, nhiều hộ đã phải bỏ cả trăm triệu đồng gia cố lại ngôi nhà, sửa chữa hư hỏng để sử dụng tạm. Tuy nhiên, khi đơn giá bồi thường được ban hành thì quá thấp so với thực tế.

Tại phường Bắc Sơn, gia đình anh Vũ Văn Quy ở khu phố 3 cũng mới đưa vào sử dụng ngôi nhà 3 tầng từ cuối năm 2013. Tuy nhiên hiện nay, ngôi nhà bị nứt móng, dột, ngấm. Vào mùa mưa, gia đình phải dự trữ các chậu hứng nước trong nhà. Trần, nền các phòng ngủ, nhà vệ sinh bị ngấm nước, bong tróc, ẩm mốc nhiều nơi. Mới đây, gia đình đã phải đầu tư hơn 100 triệu đồng để sử dụng tôn gia cố tại các khu vực bị dột, ngấm nước nhiều.

Được biết, trong thời gian qua, các hộ dân bị ảnh hưởng đã liên tục có đơn kiến nghị gửi tới các cấp chính quyền, chủ đầu tư để kiến nghị, xem xét giải quyết bồi thường. Trong quá trình giải quyết sự việc này, UBND thị xã Bỉm Sơn cũng đã tích cực vận động, tuyên truyền nhân dân và đấu mối với chủ đầu tư sớm giải quyết bồi thường. Ngày 17 và 19-4-2018, Ban quản lý dự án 2, liên danh nhà thầu thi công là Công ty CP Đường sắt Thanh Hóa – Công ty CP 473 - Công ty CP Quản lý và Xây dựng công trình giao thông 236 và đơn vị bảo hiểm đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản hiện trạng hư hỏng công trình kiến trúc, nhà ở đối với 30 hộ dân nêu trên làm cơ sở xây dựng đơn giá bồi thường. Tuy nhiên, quá trình hoàn thiện hồ sơ bồi thường, lập dự toán bồi thường chậm trễ nên đến ngày 22-10-2019, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan mới bắt đầu thực hiện chi trả cho các hộ dân. Theo đó, tổng số tiền bồi thường cho 30 hộ gia đình là 402.972.000 đồng.

Tại buổi chi trả, chỉ có 9/30 hộ gia đình bị ảnh hưởng đồng ý nhận bồi thường. Các hộ dân còn lại không đồng ý do các nguyên nhân: Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan xây dựng đơn giá bồi thường thấp, mặc dù nhân dân đã kiến nghị xem xét lại nhiều lần nhưng không có sự điều chỉnh đáng kể; công tác bồi thường diễn ra chậm trễ khiến tình trạng hư hỏng tiếp tục xuất hiện thêm và nặng nề hơn sau ngày thực hiện giám định, kiểm kê. Ông Hoàng Duy Tùng, khu phố 11, phường Ngọc Trạo, cho biết: Với khối lượng hư hỏng của ngôi nhà, số tiền được đơn vị bảo hiểm xây dựng chi trả chưa đủ cho chúng tôi trả tiền công thuê thợ, chứ chưa nói đến việc mua nguyên vật liệu sửa chữa. Bên cạnh việc xây dựng đơn giá bồi thường thấp, chúng tôi kiến nghị các đơn vị có trách nhiệm thực hiệm giám định lại các hư hỏng tại thời điểm thực tế làm cơ sở để thực hiện bồi thường.

Được biết, để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh cũng đã có công văn đề nghị chủ đầu tư và các đơn vị liên quan; đồng thời, giao UBND thị xã Bỉm Sơn đấu mối trực tiếp với Ban quản lý dự án số 2 - Bộ Giao thông - Vận tải để giải quyết dứt điểm vụ việc, bảo đảm quyền lợi và giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, sự việc hiện đang “rơi” vào tình trạng bế tắc, khi chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan chưa thực sự có trách nhiệm trong công tác phối hợp giải quyết. Về phía UBND thị xã Bỉm Sơn đã nhiều lần có văn bản đề nghị chủ đầu tư và đơn vị bảo hiểm phối hợp với UBND các phường Ngọc Trạo, Ba Đình, Bắc Sơn tổ chức kiểm kê, xác định lại mức độ ảnh hưởng, hư hỏng của công trình kiến trúc đúng với thực tế khách quan. Trong đó, việc tính bổ sung phần thiệt hại hư hỏng tiếp tục xảy ra sau ngày 17, 18-4-2018 là có cơ sở vì nguyên nhân phát sinh là do chậm giải quyết của chủ đầu tư và đơn vị bảo hiểm. Thực hiện tính toán lại chi phí bồi thường bảo đảm cho các hộ dân kinh phí khắc phục hư hỏng nhà cửa, công trình do thi công gây ra. Trong đó, việc lập dự toán bồi thường, đơn giá tính toán giá trị bồi thường phải làm rõ được các thành phần cấu thành đơn giá, căn cứ theo quy định hiện hành nào và tổ chức hội nghị đối thoại, giải thích từng nội dung kiến nghị cho nhân dân.

Thiết nghĩ, khi Nhà nước triển khai dự án, mặc dù bị mất mát lớn về kinh tế do việc xây dựng công trình cầu vượt khiến các hộ dân nơi đây mất lợi thế thương mại, nhưng các hộ dân đã ủng hộ, tạo điều kiện cho các nhà thầu thi công dự án bảo đảm tiến độ. Do đó, các đơn vị có trách nhiệm cần thiện chí phối hợp sớm trong công tác giải quyết bồi thường. Trong trường hợp không thương thảo được với người dân, đề nghị chủ đầu tư thuê đơn vị giám định độc lập để kiểm kê thiệt hại và xây dựng đơn giá bồi thường khách quan, sớm thực hiện chi trả, ổn định cuộc sống cho nhân dân.

Minh Hằng


Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]