(Baothanhhoa.vn) - Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 trường đại học; 14 trường cao đẳng, cao đẳng nghề; 17 trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, với số lượng đào tạo hàng năm khoảng hơn 10.000 sinh viên hệ chính quy. Mặc dù, số lượng lao động được đào tạo là khá dồi dào, vậy nhưng, các doanh nghiệp (DN) hoạt động trên địa bàn vẫn trong tình trạng thiếu lao động, nhất là lao động có chuyên môn, kỹ thuật cao.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Doanh nghiệp “khát” lao động chuyên môn cao

Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 trường đại học; 14 trường cao đẳng, cao đẳng nghề; 17 trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, với số lượng đào tạo hàng năm khoảng hơn 10.000 sinh viên hệ chính quy. Mặc dù, số lượng lao động được đào tạo là khá dồi dào, vậy nhưng, các doanh nghiệp (DN) hoạt động trên địa bàn vẫn trong tình trạng thiếu lao động, nhất là lao động có chuyên môn, kỹ thuật cao.

Doanh nghiệp “khát” lao động chuyên môn cao

Tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật cao đang gặp nhiều khó khăn.

Công ty CP may xuất khẩu HMT, xã Nga Thành (Nga Sơn) đi vào hoạt động chính thức từ năm 2017. Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, công ty đã trở thành đối tác của nhiều hãng thời trang lớn trên thế giới. Cùng với may gia công theo đơn đặt hàng, đơn vị đang phát triển mạnh các mặt hàng tự thiết kế. Toàn bộ sản phẩm của công ty được xuất khẩu, trong đó thị trường Mỹ chiếm 70% thị phần. Bà Trần Thị Thu Hiền, giám đốc điều hành công ty, chia sẻ: Đơn vị đang tiếp tục nghiên cứu mở rộng thêm quy mô sản xuất để đáp ứng những đơn hàng lớn hơn. Vậy nhưng, việc tuyển dụng lao động đáp ứng được tiêu chuẩn không phải là vấn đề đơn giản. Với lao động may đơn thuần và quản lý từ tổ trưởng trở xuống, công ty có thể tự đào tạo trong một thời gian ngắn 1-3 tháng. Tuy nhiên, với lao động trình độ cao hơn, thực hiện các công đoạn thiết kế mẫu, quản lý cấp công ty thì rất khó tuyển dụng ở trong tỉnh mà phải tìm kiếm ở các địa phương khác.

Thực trạng tại Công ty CP may xuất khẩu HMT cũng là tình trạng chung của nhiều DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhất là các DN FDI và các DN hoạt động trong các lĩnh vực kỹ thuật, đòi hỏi trình độ chuyên môn và kỹ thuật cao. Nhiều DN cho biết, khi tuyển dụng lao động ở vị trí quản lý hoặc các vị trí kỹ thuật như vận hành máy..., đơn vị thường đặt ra yêu cầu trình độ đại học hoặc cao đẳng. Tuy nhiên, thực tế, phần lớn lao động khi tuyển dụng này không đáp ứng được yêu cầu nếu không đào tạo lại. Trong khi đó, với trình độ bằng cấp hiện có, lực lượng lao động này lại không chấp nhận làm việc ở các vị trí lao động giản đơn hoặc chân tay. Nhiều DN muốn có lao động đáp ứng được nhu cầu công việc đều phải tổ chức tuyển dụng và đào tạo lại. Bên cạnh đó, qua thực tế sản xuất, người lao động làm quen với các loại máy móc nên trình độ, tay nghề được nâng lên.

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Thanh Hóa, nhận định: Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến lực lượng lao động trong tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu của DN là do công tác đào tạo tại các trường còn nhiều bất cập, không gắn kết giữa “học” với “hành”. Do đó, lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng mặc dù được trang bị nhiều kiến thức chuyên môn, tuy nhiên kỹ năng làm việc, sử dụng, vận hành các loại máy, trang thiết bị thì lại yếu kém. Đây cũng là một hạn chế lớn ở các trường đào tạo trong nước và nhất là trong tỉnh khi cơ sở vật chất đào tạo chưa gắn liền với các công cụ, thiết bị trực quan, khiến lực lượng lao động chủ yếu được đào tạo bằng lý thuyết; đồng thời chưa gắn việc đào tạo với nhu cầu của DN. Bên cạnh đó, lao động trong tỉnh hiện đang yếu về trình độ ngoại ngữ, dẫn đến việc vận hành, xử lý các máy móc nhập khẩu gặp khó khăn. Đồng thời, khả năng tiếp cận thông tin, giao tiếp với đối tác bị hạn chế.

Những yếu tố trên đã trả lời cho một nghịch lý, trong khi các DN thiếu nguồn lao động nhưng sinh viên tốt nghiệp lại không tìm được việc làm. Theo thống kê, chỉ có khoảng hơn 60% số lượng sinh viên trên địa bàn tỉnh sau khi ra trường 12 tháng có việc làm, trong đó số lượng sinh viên tìm được việc làm đúng chuyên ngành được đào tạo chỉ đạt khoảng 20 đến 25%.

Để khắc phục tình trạng trên, các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo nghề cần nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường rèn luyện kỹ năng cho học viên, đẩy mạnh phối hợp, liên kết với các DN, gắn đào tạo với nhu cầu tuyển dụng. Sinh viên, người lao động cần chủ động trang bị trình độ ngoại ngữ để tăng cơ hội tìm kiếm việc làm và đáp ứng tốt nhu cầu công việc. Nhà nước cũng cần xây dựng, có cơ chế hỗ trợ cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo nghề, giúp công tác thực nghiệm được thường xuyên, đổi mới và nâng cao. Các sở, ngành liên quan, nhất là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phát huy hiệu quả cao nhất trong công tác đào tạo nghề, sớm xây dựng đội ngũ lao động có năng suất và kỹ năng cao hơn trước yêu cầu ngày càng cao của DN.

Bài và ảnh: Tùng Lâm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]