(Baothanhhoa.vn) - Thời gian gần đây, khi các địa phương đang dần chú trọng việc tích tụ đất đai, phát triển sản xuất quy mô lớn thì tại xã Thọ Trường (Thọ Xuân), việc làm ấy đã được thực hiện từ gần chục năm trước. Đến nay, nhiều khu sản xuất đã phát huy hiệu quả kinh tế, mang lại niềm tin và sự hào hứng cho nông dân địa phương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Điển hình tích tụ đất đai, phát triển sản xuất quy mô lớn tại xã Thọ Trường

Thời gian gần đây, khi các địa phương đang dần chú trọng việc tích tụ đất đai, phát triển sản xuất quy mô lớn thì tại xã Thọ Trường (Thọ Xuân), việc làm ấy đã được thực hiện từ gần chục năm trước. Đến nay, nhiều khu sản xuất đã phát huy hiệu quả kinh tế, mang lại niềm tin và sự hào hứng cho nông dân địa phương.

Điển hình tích tụ đất đai, phát triển sản xuất quy mô lớn tại xã Thọ Trường

Trang trại tổng hợp của gia đình anh Trịnh Bá Hiền – khu Đồng Lai, xã Thọ Trường.

Cùng cán bộ xã Thọ Trường, chúng tôi đến thăm khu sản xuất Đồng Xốn của xã - một trong những điển hình tích tụ đất đai của huyện Thọ Xuân. Giữa bốn bề là đồng chiêm trũng, trong đó có những cánh đồng bỏ hoang của các xã lân cận, thì Đồng Xốn lại cho thấy rõ sinh khí với màu xanh tươi tốt của những hàng chuối, những cây ăn quả đủ loại. Một vùng sản xuất trù phú với những trại gà, trại lợn quy mô khá lớn, kết hợp ao thả cá và trồng cây ăn quả kiểu trang trại tổng hợp đang cho doanh thu mỗi năm từ 400 đến 500 triệu đồng mỗi héc–ta. Mới đầu tư hơn 3 năm tại đây, gia đình anh chị Nguyễn Tiến Thành – Lê Thị Hiền ở thôn Long Linh Ngoại 2 đã có một gia sản tiền tỷ. Với tổng diện tích khoán thầu 4 ha, gia đình anh chị đã đào 4 ao thả cá rộng 1 ha, còn lại xây dựng chuồng trại nuôi lợn, nuôi bò và trồng các loại cây thức ăn chăn nuôi và cây ăn quả. Ngày chúng tôi đến thăm, gia đình vừa xuất đi lứa lợn, trị giá hàng trăm triệu đồng. Niềm vui vẫn còn hiển hiện trên khuôn mặt bà chủ trẻ, chị Hiền cho biết: Trong đợt dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh vừa qua, Đồng Xốn là khu đồng cách biệt với bên ngoài nên không gia đình nào bị ảnh hưởng. Trái lại, sau dịch, giá lợn lại tăng cao nên lứa lợn này bán được cao hơn so với hồi đầu năm. Tuy đang trong giai đoạn kiến thiết, nhưng gia đình chị Hiền đã có thu nhập khoảng 300 triệu đồng trong năm 2018 vừa qua, dự kiến sẽ có thu nhập lớn hơn sau 5 năm – khi đi vào giai đoạn phát triển ổn định.

Tại khu Đồng Xốn với tổng diện tích 70 ha này, hiện có 13 hộ đang phát triển sản xuất, kinh doanh. Với người dân địa phương cũng như các thế hệ lãnh đạo xã Thọ Trường 2 nhiệm kỳ qua, thì đây là một “kỳ tích” bởi gần 10 năm trước, đây là khu đồng sâu trũng, năm nào cũng ngập lụt, sản xuất chỉ được 1 vụ lúa nhưng năng suất cũng bấp bênh. Với tổng số 837 hộ có đất nên nhà nào cũng nhỏ lẻ, nhiều nông dân có đất nhưng lại bỏ hoang vì chán nản, sợ tốn công cày cấy. Trước tình hình đó, UBND xã đã kêu gọi người dân đứng ra dồn đổi đất đai, gom thầu để làm trang trại nhưng cũng không ai dám nhận. Ông Trịnh Bá lập, Chủ tịch UBND xã Thọ Trường, cho biết: Khi ấy, chưa có mô hình thành công nên người dân ngại đổi mới, thậm chí ruộng bỏ hoang mà không muốn cho hộ khác thu gom dồn đất. Chúng tôi phải nhiều lần đưa ra vấn đề, để dân bàn thoải mái chứ không áp đặt. Dần có một số người nhận thức được việc tích tụ đất, đầu tư sản xuất quy mô lớn. Xã đứng ra làm trung gian, vận động các hộ có ruộng đổi đất để các chủ khác vào đầu tư trang trại, đào ao; đồng thời hỗ trợ làm đường bê tông ra tận khu đồng và nhiều khuyến khích khác. Đến năm 2013, khi những hộ ban đầu làm ăn hiệu quả kinh tế, những hộ khác đua nhau vào tích tụ đất, đầu tư thành khu sản xuất khang trang như ngày nay. Việc vận động hơn 800 hộ dân để tích tụ đất đai lại để 13 hộ tổ chức sản xuất lớn là thành công lớn, nếu đặt trong thời điểm khi ấy, tư duy người nông dân chưa đổi mới như bây giờ.

Tại những cánh đồng khác, từ năm 2010, một số diện tích của xã đã tổ chức cho nhân dân khoán thầu, tích tụ để sản xuất quy mô lớn. Xác định tư liệu sản xuất manh mún thì không thể hiệu quả kinh tế được, khi ấy xã kêu gọi nhân dân khoán thầu với giá chỉ 20 kg thóc mỗi sào. Việc khuyến khích và tạo điều kiện để người dân tự dồn đổi diện tích đất sản xuất được thực hiện liên tục đến nay. Đến thời điểm hiện tại, xã Thọ Trường đã có tổng cộng 209 ha đất nông nghiệp trồng cây hàng năm được tích tụ để sản xuất quy mô lớn, cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi héc-ta/năm. Tại khu Đồng Lai của xã, vài năm gần đây, nhiều gia đình tiếp tục tự dồn đổi đất để thành lập các khu sản xuất tập trung. Chỉ chưa đầy 1 ha đất được gom đổi tập trung từ năm 2017, ông Trịnh Bá Hiền đã đầu tư đào được ao thả cá, trồng các loại cam, bưởi diễn, bưởi da xanh cho quả lứa thứ 2. Dưới những hàng ổi, vú sữa đang mơn mởn, chờ ngày cho thu hoạch, những đàn gà lông màu, những lứa cá cũng chính là nguồn thu không nhỏ để ông tái đầu tư. Theo ông, trang trại mới chỉ là giai đoạn kiến thiết nên chưa tính chuyện lỗ lãi. Tuy nhiên, ông chắc chắn một điều rằng, chỉ vài ba năm nữa, gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm là không khó.

Tại xã hiện nay có nhiều mô hình sản xuất cho doanh thu tiền tỷ mỗi năm. Điển hình trong số đó phải kể đến các khu chăn nuôi gà và lợn quy mô lớn kết hợp các hình thức sản xuất khác. Đây chính là thành công của việc tích tụ đất đai trong sản xuất nông nghiệp mà nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh đang loay hoay tìm hướng triển khai.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]