(Baothanhhoa.vn) - Luật HTX năm 2012 có hiệu lực từ ngày 1-7-2013. Với bản chất ưu việt, khuôn khổ pháp lý thuận lợi cùng nhiều cơ chế, chính sách mới, Luật HTX năm 2012 hứa hẹn mang đến “luồng gió” mới trong lĩnh vực kinh tế tập thể, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ. Tuy nhiên, sau gần 6 năm triển khai trên địa bàn tỉnh, vẫn còn nhiều thách thức.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Để Luật HTX thực sự đi vào cuộc sống

Luật HTX năm 2012 có hiệu lực từ ngày 1-7-2013. Với bản chất ưu việt, khuôn khổ pháp lý thuận lợi cùng nhiều cơ chế, chính sách mới, Luật HTX năm 2012 hứa hẹn mang đến “luồng gió” mới trong lĩnh vực kinh tế tập thể, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ. Tuy nhiên, sau gần 6 năm triển khai trên địa bàn tỉnh, vẫn còn nhiều thách thức.

Để Luật HTX thực sự đi vào cuộc sống

Chế biến sản phẩm xuất khẩu tại HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ, xã Tân Thọ (Nông Cống).

Những tín hiệu khởi sắc

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, từ khi Luật HTX năm 2012 ra đời, các cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành có liên quan của tỉnh đã có sự quan tâm, chú trọng nhiều hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp hỗ trợ đối với khu vực kinh tế tập thể. Điều đó đã được minh chứng từ thực tế, khi nhiều hội nghị của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã dành nhiều thời gian hơn để đề cập, bàn đến nội dung phát triển kinh tế tập thể. Cũng từ đó, từ cấp tỉnh đến nhiều địa phương đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, các đề án, kế hoạch cùng các cơ chế, chính sách ưu đãi để kiện toàn, đổi mới, hy vọng vào sự “lột xác” của lĩnh vực kinh tế quan trọng này. Một số địa phương như: Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Đông Sơn, Nga Sơn, Yên Định, Thạch Thành, Nông Cống, Hà Trung, Hoằng Hóa, Hậu Lộc,... đã có sự quan tâm cùng những chính sách thực tiễn để thúc đẩy hoạt động của các HTX kiểu mới.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Nga Sơn có 27 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Huyện đã tuyên truyền, vận động, thực hiện chuyển đổi 100% số HTX trên địa bàn hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới. Sau chuyển đổi, nhiều HTX trên địa bàn đã chủ động hơn trong việc định hướng kinh doanh, mở rộng các dịch vụ cung ứng, phát huy tốt vai trò hỗ trợ các thành viên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo rà soát của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Nga Sơn, trung bình mỗi HTX nông nghiệp trên địa bàn đang thực hiện 6 dịch vụ. Có 15/27 HTX nông nghiệp đang thực hiện dịch vụ liên kết với doanh nghiệp để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thực hiện chuyển đổi theo mô hình mới năm 2015, ngay sau đó, HTX nông nghiệp Tân Thành, xã Nga Thành (Nga Sơn) đã nhanh chóng định hình mở rộng các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Từ việc chỉ cung ứng các dịch vụ truyền thống, HTX đã huy động thêm vốn góp của các thành viên, thực hiện tốt toàn bộ dịch vụ cung ứng vật tư, phân bón, làm đất và phát triển thêm dịch vụ tín dụng, liên kết sản xuất. Từ năm 2016 đến nay, diện tích khoai tây được sản xuất theo mô hình liên kết do HTX quản lý đã tăng từ 17 ha lên 61 ha. Đây cũng là 1 trong những HTX đi đầu trên địa bàn trong việc tiếp thu, chuyển giao kỹ thuật và là cầu nối bao tiêu các sản phẩm rau, củ, quả được sản xuất trong nhà kính. HTX còn huy động được 7 tỷ đồng làm nguồn vốn cho các thành viên HTX vay không yêu cầu tài sản thế chấp. Anh Mai Chấn Nhâm, thành viên của HTX, chia sẻ: Với việc thủ tục, điều kiện cho vay của các ngân hàng còn nhiều vướng mắc, nguồn vốn tín dụng của HTX trong nhiều thời điểm đã trở thành “cứu cánh” cho mô hình sản xuất của gia đình anh.

Theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh, trong tổng số 968 HTX trên địa bàn, hiện có 385 HTX xếp loại khá, giỏi, chiếm tỷ lệ 39,8%. Một số huyện, thị xã có số lượng HTX khá, giỏi cao hơn so với địa phương trong tỉnh, như: Đông Sơn 57,14%, Hậu Lộc 57%, Nga Sơn 51,5%, Như Thanh 52%... Sau chuyển đổi mô hình hoạt động, tỷ lệ vốn góp, thành viên của các HTX không ngừng tăng lên, tạo tiền đề cho công tác đầu tư, đổi mới, tiếp thu các hoạt động sản xuất, kinh doanh mới.

Còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Theo Luật HTX năm 2012, ngoài những thay đổi lớn về thể chế hoạt động của HTX kiểu mới, như: Nguyên tắc thành lập, quan hệ sở hữu, quan hệ kinh tế và quan hệ phân phối, nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo động lực cho kinh tế HTX, liên HTX cũng được xây dựng kèm theo. Theo đó, các HTX, liên HTX sẽ được Nhà nước hỗ trợ đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, tiếp cận vốn... Riêng với các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, còn được hỗ trợ giao đất, cho thuê đất, đầu tư kết cấu hạ tầng, ưu đãi tín dụng, hỗ trợ vốn, giống khi gặp thiên tai, dịch bệnh và chế biến sản phẩm... Hàng loạt các nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể về các chính sách ưu đãi cũng đã được ban hành. Tuy nhiên, trên thực tế, các HTX, liên HTX rất khó để tiếp cận và thụ hưởng, điển hình như chính sách về đất đai, về vốn.

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, qua công tác khảo sát thực tế, tình hình cơ sở vật chất hạ tầng của các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn khó khăn, thiếu thốn. Số HTX được giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn rất ít. Tính đến ngày 31-12-2018, toàn tỉnh mới có 143 HTX được giao đất không thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất, chiếm chưa đến 15% tổng số HTX trên địa bàn tỉnh. Về vấn đề này, các địa phương cho rằng, quỹ đất dự phòng bố trí cho HTX làm trụ sở còn ít hoặc không thuận lợi, vướng quy hoạch. Do đó, phần lớn các HTX chưa có trụ sở, văn phòng làm việc riêng mà thường phải làm việc, giao dịch tại văn phòng do UBND xã bố trí hoặc xây dựng trong khuôn viên của UBND xã.

Nhiều HTX có nhu cầu xây dựng trụ sở làm việc, nhà kho, hệ thống nhà lạnh, nhà sơ chế để bảo quản sản phẩm sau thu hoạch... thì lại trong tình trạng thiếu vốn. Thực tế, Nghị định số 55/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ đã quy định chính sách ưu đãi về vốn cho HTX. Theo đó, các HTX có thể được vay từ 1 đến 2 tỷ đồng mà không cần tài sản thế chấp. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có HTX nào tiếp cận được chính sách này. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ lãi suất cho khu vực kinh tế tập thể không dễ tiếp cận. Với một số HTX, mặc dù có đủ nguồn lực thực hiện các dự án; tuy nhiên, các thủ tục hành chính để đầu tư xây dựng còn rườm rà, vướng mắc, kéo dài thời gian, khiến hiệu quả chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa đi vào thực tế.

Để Luật HTX năm 2012 đi vào thực tiễn, giúp nâng cao vai trò, năng lực cạnh tranh của lĩnh vực kinh tế tập thể, các cấp chính quyền cần vào cuộc mạnh mẽ hơn trong việc tháo gỡ các khó khăn liên quan đến thủ tục hành chính, để các HTX thuận lợi trong tiếp cận các tư liệu sản xuất, nhất là vấn đề tiếp cận thuê đất. Quan tâm tới chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, làm nền tảng cho việc tiếp cận khoa học - kỹ thuật mới. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng cũng cần vào cuộc mạnh mẽ, với những chính sách hỗ trợ đơn giản, dễ thực thi hơn, giúp HTX thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn để phát triển. Bên cạnh đó, để thực hiện có hiệu quả trong triển khai luật, các văn bản liên quan, Liên minh HTX cần tiếp tục phối hợp với các cấp chính quyền tổ chức tư vấn, hỗ trợ triển khai phương thức hoạt động và tiếp cận chính sách. Xây dựng và triển khai nhân rộng mô hình các HTX kiểu mới, hoạt động hiệu quả theo liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm gắn với phát triển chuỗi giá trị, đưa hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh phát triển.

Bài và ảnh: Minh Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]