(Baothanhhoa.vn) - Tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án đầu tư có sử dụng đất nếu hoàn thành đúng kế hoạch sẽ góp phần bảo đảm tiến độ thực hiện dự án và thu hút đầu tư của tỉnh. Tuy nhiên, thời gian qua, tiến độ GPMB phục vụ các dự án trên địa bàn của nhiều địa phương chậm, có những dự án kéo dài nhiều năm, gây khó khăn cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp khắc phục?

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh

Tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án đầu tư có sử dụng đất nếu hoàn thành đúng kế hoạch sẽ góp phần bảo đảm tiến độ thực hiện dự án và thu hút đầu tư của tỉnh. Tuy nhiên, thời gian qua, tiến độ GPMB phục vụ các dự án trên địa bàn của nhiều địa phương chậm, có những dự án kéo dài nhiều năm, gây khó khăn cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp khắc phục?

Thi công tuyến đường giao thông ven biển qua huyện Quảng Xương.

Theo thống kê chưa đầy đủ của các sở, ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 992 dự án, với diện tích 8.935 ha cần GPMB trong năm 2018. Trong đó, có 158 dự án trọng điểm với diện tích khoảng 2.891 ha (không bao gồm các dự án do UBND cấp xã và hộ gia đình làm chủ đầu tư). Các dự án này tập trung ở các huyện Tĩnh Gia; TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn... Các địa phương đã tổng hợp các dự án đủ điều kiện GPMB để ký cam kết với từng chủ đầu tư, đồng thời, đưa ra khỏi kế hoạch những dự án không bố trí được nguồn vốn hoặc điều chỉnh quy mô diện tích dự án cho phù hợp. Đến hết tháng 6 - 2018 có 166 dự án, diện tích 787,78 ha đã hoàn thành GPMB, bàn giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án; 599 dự án, diện tích hơn 4.623 ha đang thực hiện GPMB; các dự án còn lại chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh quy hoạch nên chưa triển khai thực hiện GPMB.

Tuy nhiên, thực tế triển khai công tác GPMB trên địa bàn tỉnh cho thấy: Sự phối hợp của chủ đầu tư, ban quản lý dự án với UBND cấp huyện, có nơi thiếu chặt chẽ; một số chế độ, chính sách mang tính xã hội cũng chưa được quan tâm thực hiện theo quy định. Một số dự án thiếu vốn GPMB, một số huyện phải thực hiện GPMB nhiều dự án cùng một thời gian... Trong đó, phải kể đến nguồn vốn GPMB không kịp thời đối với các dự án ở TP Thanh Hóa, như: Hệ thống tiêu úng Đông Sơn, Đầu tư mở rộng nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng giai đoạn 2; Đường vành đai Đông Tây TP Thanh Hóa (đoạn từ thị trấn Rừng Thông đến Quốc lộ 1A), Hạ tầng kỹ thuật khu Trung tâm Văn hóa tỉnh, Khu đô thị Xanh – khu Nam trung tâm TP Thanh Hóa, Khu đô thị mới ven Sông Hạc TP Thanh Hóa và 25 dự án đầu tư bằng nguồn kinh phí ngân sách TP Thanh Hóa.

Đối với huyện Quảng Xương, còn 3 dự án gồm: Đường giao thông ven biển, Khu đô thị biển Tiên Trang, Cụm Công nghiệp và Đô thị Tiên Trang. Trong đó, Dự án đường giao thông ven biển đã có vốn GPMB nhưng không kịp thời giải ngân. Các dự án chậm tiến độ GPMB trên địa bàn huyện Thọ Xuân là đường giao thông trục chính Khu Công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng, Hệ thống kênh Bắc sông Chu – Nam sông Mã, đường giao thông Cầu Kè - Thọ Xuân (giai đoạn 2)... Trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn có 1 dự án có vốn đầu tư công (còn 0,17/27 ha chưa GPMB)... Một số huyện miền núi như: Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, Ngọc Lặc và một số huyện đồng bằng khác có ít các dự án đầu tư công có sử dụng đất phải GPMB hoặc loại đất GPMB chủ yếu là đất nông nghiệp, lâm nghiệp và các huyện này đã chủ động trong bồi thường GPMB, do đó đã cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra.

Thực tế thực hiện công tác GPMB của các địa phương thời gian qua cho thấy: Đây là công việc hết sức phức tạp, trong khi đó các cơ chế chính sách có sự đan xen ở nhiều văn bản pháp luật, thiếu đồng bộ; nhiều dự án phải triển khai, khối lượng công việc GPMB lớn, nhiều đối tượng bị ảnh hưởng đến quyền lợi trên phạm vi rộng (như giá đất, giá tài sản, chế độ bồi thường hỗ trợ, an sinh xã hội). Công tác quản lý Nhà nước về đất đai qua các thời kỳ chưa chặt chẽ; hồ sơ quản lý về đất đai không đầy đủ, không cập nhật biến động đất đai thường xuyên và không quản lý được những vụ việc xây dựng, mua bán, chuyển nhượng đất đai trái phép. Ngoài ra, công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo một số huyện chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa thực hiện theo trình tự về thời gian theo quy định của pháp luật (hầu hết các dự án đều chậm là do chưa thực hiện theo trình tự về thời gian như thông báo thu hồi đất, kế hoạch GPMB; việc thu hồi đất và phê duyệt phương án không cùng thời gian...); nhiều cán bộ chưa nhiệt huyết, chưa có trách nhiệm trong thực thi công vụ. Việc xác định nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất do UBND, chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trước pháp luật (đối với các trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất), do đó nhiều chủ tịch UBND cấp xã sợ trách nhiệm, không dám xác nhận làm kéo dài thời gian, chậm tiến độ GPMB. Việc xây dựng các khu tái định cư của các dự án thường chậm, cơ sở hạ tầng khu tái định cư chưa kịp thời. Khu tái định cư ở nông thôn chưa phù hợp với tập quán sinh hoạt của người dân, đất giao mới có quy mô diện tích như hiện nay không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân. Việc giải quyết thanh tra, khiếu nại, tố cáo có chỗ, có nơi chưa triệt để, làm đi làm lại nhiều lần qua nhiều cấp, thời gian kéo dài gây áp lực và làm giảm sự nhiệt huyết của cán bộ, công chức làm nhiệm vụ. Công tác phổ biến Luật Đất đai và chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của hội đồng bồi thường GPMB cho người bị thu hồi đất ở nhiều địa phương còn yếu.

Để công tác GPMB trên địa bàn tỉnh được thuận lợi, bảo đảm việc bàn giao mặt bằng để triển khai đầu tư xây dựng các công trình, dự án đúng tiến độ, trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật, thời gian tới, các sở, ngành, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn, nhất là ở cấp cơ sở. Trong đó, tập trung vào việc quản lý, thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch xây dựng đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, làm tốt công tác đăng ký, cập nhật kịp thời biến động đất đai, kiên quyết chấm dứt tình trạng giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Các huyện thực hiện đúng trình tự, thủ tục trong công tác kiểm kê, lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Đối với những nơi đã có bản đồ địa chính chính quy thì phải khai thác, sử dụng để phục vụ công tác kiểm kê về đất, trường hợp bản đồ địa chính đã có biến động thì phải được trích đo bản đồ để phục vụ công tác kiểm kê. Nâng cao hiệu quả công tác đánh giá và lập dự án khả thi đối với các dự án có GPMB, nhất là phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong nội dung của dự án đầu tư, tránh tình trạng kinh phí bố trí không kịp thời hoặc thiếu kinh phí GPMB. UBND cấp huyện xây dựng các khu tái định cư phải tiến hành ngay khi có chủ trương đầu tư dự án trên địa bàn, tránh tình trạng không giải phóng được mặt bằng vì chậm đầu tư xây dựng khu tái định cư. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, tổ chức quần chúng, khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia vào phương án bồi thường GPMB. Quán triệt nguyên tắc công khai và dân chủ các phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, để mọi đối tượng liên quan đến đều biết, thống nhất, tránh so bì thắc mắc và xảy ra tiêu cực. Tập trung giải quyết kịp thời những kiến nghị, khiếu nại liên quan đến công tác GPMB; qua đó, tạo niềm tin của quần chúng đối với chủ trương và chính sách của Nhà nước. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố ý gây cản trở hoặc lợi dụng chính sách của Nhà nước để trục lợi trong công tác bồi thường GPMB.


Bài và ảnh: Xuân Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]