(Baothanhhoa.vn) - Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC), nông nghiệp an toàn, nông nghiệp tinh hoa là trăn trở, kỳ vọng của ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Tuy nhiên, để triển khai thành công chiến lược này là một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thách thức. Do vậy, cần “khơi thông” các cơ chế, chính sách, tạo các nguồn lực cho sản xuất, đưa nông nghiệp CNC phát triển toàn diện.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đầu tư, ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều bất cập

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC), nông nghiệp an toàn, nông nghiệp tinh hoa là trăn trở, kỳ vọng của ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Tuy nhiên, để triển khai thành công chiến lược này là một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thách thức. Do vậy, cần “khơi thông” các cơ chế, chính sách, tạo các nguồn lực cho sản xuất, đưa nông nghiệp CNC phát triển toàn diện.

Trồng cải bắp trong nhà kính tại Công ty CP Nông sản thực phẩm Việt Hưng (TP Thanh Hóa).

Với sự nhập cuộc của một số doanh nghiệp tiên phong, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được các mô hình nông nghiệp CNC làm hạt nhân để hiện thực hóa cho chiến lược này. Điển hình như mô hình sản xuất tại Trung tâm Nghiên cứu phát triển nông nghiệp CNC Lam Sơn; mô hình trồng thanh long, trồng dưa vàng tại Công ty CP Nông nghiệp hiện đại Tiến Nông; dự án trang trại bò sữa quy mô 16.000 con của Công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk... Một số địa phương, doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân cũng đã tích cực đầu tư cơ sở vật chất, nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC đã khẳng định hiệu quả ưu việt so với sản xuất truyền thống.

Tuy nhiên, với một hệ sinh thái phong phú, đa dạng, sản xuất nông nghiệp CNC trên địa bàn tỉnh được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Những khó khăn về đất đai, bất cập về tiếp cận vốn, hạn chế về trình độ, tay nghề của người lao động đang là những “rào cản” trên lộ trình phát triển này.

Tại huyện Thọ Xuân, xác định phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng CNC là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện đã ban hành nhiều chính sách thiết thực nhằm thu hút, vận động người dân đầu tư, ứng dụng CNC vào sản xuất. Đến nay, huyện Thọ Xuân đã xây dựng được 21.500 m2 nhà lưới, nhà kính để sản xuất nông nghiệp CNC; 10 trang trại chăn nuôi lợn ngoại và gà sinh sản áp dụng công nghệ chuồng kín, máng ăn, máng uống tự động tại các xã Bắc Lương, Xuân Thành, Xuân Minh, Xuân Trường, Thọ Nguyên, Xuân Quang,... với diện tích chuồng khoảng 8.000m2. Một số mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế khá, như mô hình trồng hoa lan trong nhà kính, mô hình trồng đậu tương giống, mô hình trồng dưa vàng Kim Hoàng Hậu, mô hình nuôi gà sinh sản... Tuy nhiên, đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thọ Xuân, cho biết: Việc nhân ra diện rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC như mô hình rau an toàn, hoa cao cấp trong nhà lưới, nhà kính gặp nhiều khó khăn, trong đó đất đai là một trong những vấn đề nan giải. Tuy đã có những thay đổi, nhưng nhận thức của người dân về tích tụ ruộng đất còn chưa đầy đủ. Tâm lý sợ mất đất khiến người dân không cho doanh nghiệp, hộ sản xuất thuê mặc dù không có nhu cầu sử dụng; hoặc cho thuê thời hạn hợp đồng ngắn (3-5 năm). Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản pháp luật về đất đai còn bất cập khiến thủ tục thuê, chuyển nhượng, góp đất sản xuất nông nghiệp còn khó khăn. Nguồn nhân lực, lao động có trình độ cao trong nông nghiệp trên địa bàn huyện còn thiếu và yếu, khiến quy trình ứng dụng gặp không ít cản trở.

Đại diện Công ty CP Mía đường Lam Sơn, cho biết: Từ “điểm sáng” là Trung tâm Nghiên cứu Phát triển nông nghiệp CNC Lam Sơn, mục tiêu hướng tới của trung tâm là thực hiện việc chuyển giao, nhân rộng mô hình này ra nhiều địa phương trong tỉnh. Thực tế, từ năm 2015 đến nay, Công ty CP Mía đường Lam Sơn đã đầu tư, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng các mô hình trồng dưa vàng Kim Hoàng Hậu với diện tích 1.000 m2/mô hình tại các huyện Yên Định, Thọ Xuân. Kết quả khảo nghiệm cho thấy, mỗi mô hình cho thu nhập 180 triệu đồng. Dự kiến đến năm 2020, công ty sẽ đầu tư cho khoảng 100 hộ dân thực hiện các mô hình nông nghiệp CNC. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất với sản xuất nông nghiệp CNC là chi phí ban đầu rất lớn. Theo tính toán, để có một ha nhà kính với các thiết bị công nghệ phục vụ sản xuất, nếu thực hiện đúng theo các tiêu chuẩn châu Âu thì cần tới 10 đến 20 tỷ đồng, còn theo công nghệ Việt Nam thì từ 3 đến 5 tỷ đồng. Với nhà lưới, chi phí tối thiểu cũng lên tới 1,5 tỷ đồng/ha. Trong khi đó, các chính sách tín dụng cho nông nghiệp CNC tuy đã ban hành nhưng lại khiến người dân, doanh nghiệp rất khó “với”. Nguyên nhân là các doanh nghiệp chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe khi thực hiện thẩm định dự án. Bên cạnh đó, hiện nay, tài sản của doanh nghiệp, hộ sản xuất ứng dụng CNC chủ yếu là nhà lưới, nhà kính, song những tài sản và chi phí này hiện chưa được tính vào giá trị bảo đảm khoản vay và danh mục thế chấp.

Theo quy hoạch tổng thể vùng nông nghiệp ứng dụng CNC của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Thanh Hóa là 1 trong 10 địa phương trên cả nước sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng, hoạt động có hiệu quả khu nông nghiệp CNC. Hiện nay, khu nông nghiệp sử dụng CNC của tỉnh ta đã được quy hoạch có diện tích khoảng 1.000 ha thuộc địa bàn 2 huyện Thọ Xuân và Triệu Sơn. Đây là địa điểm giáp với đô thị Lam Sơn - Sao Vàng, 1 trong 4 cụm động lực phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh. Các loại cây chủ lực sẽ được đưa vào trồng tại khu nông nghiệp CNC là bưởi, cam, quýt, chanh, rau an toàn, phát triển các loại hoa có giá trị kinh tế cao, nuôi trồng nấm ăn, nấm dược liệu và sản xuất các chế phẩm vi sinh... Đây là nơi sẽ chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học vào phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn, đẩy mạnh chương trình tái cơ cấu nền nông nghiệp và sự nghiệp CNH, HĐH. Tuy nhiên, để triển khai quy hoạch vào thực tế sản xuất, còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Đại diện lãnh đạo huyện Triệu Sơn, chia sẻ: Việc phát triển, nhân rộng các mô hình nông nghiệp CNC là quan tâm hàng đầu của địa phương trong chiến lược phát triển sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này cần có các doanh nghiệp trụ cột để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, trong khi đây đang là điểm khó của địa phương.

Ông Mai Nhữ Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất là lựa chọn đúng đắn, là một trong bốn khâu đột phá để thực hiện tái cơ cấu và phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Để thực hiện thành công mục tiêu này, cần có sự vào cuộc tích cực của các DN để đầu tư vốn, tiếp cận thông tin khoa học công nghệ và chuyển giao cho nông dân, tạo động lực đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, gắn kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ. Do đó, bên cạnh định hướng của tỉnh và ngành nông nghiệp, các địa phương cũng cần tích cực nỗ lực thực hiện việc “dọn đường”, tạo “lực hút” đủ mạnh để hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, quan trọng nhất là tăng cường tuyên truyền để nhân dân đồng thuận với chủ trương tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện cho sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng CNC phát triển.


Bài và ảnh: Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]