Khu trang trại chăn nuôi gà phục vụ chế biến, xuất khẩu theo chuỗi công nghệ cao của Công ty CP nông sản Phú Gia, xã Xuân Phú (Thọ Xuân).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đầu tư phát triển chăn nuôi quy mô lớn

(THO) - Giá trị sản xuất của lĩnh vực chăn nuôi mỗi năm ước đạt khoảng gần 6.000 tỷ đồng, chiếm gần 30% giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp. Như thế đủ thấy, chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Không những chiếm giá trị lớn trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi còn giúp nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân khu vực nông thôn.

Khu trang trại chăn nuôi gà phục vụ chế biến, xuất khẩu theo chuỗi công nghệ cao của Công ty CP nông sản Phú Gia, xã Xuân Phú (Thọ Xuân).

Do vậy, phát triển chăn nuôi là một trong những nội dung, mục tiêu quan trọng mà ngành nông nghiệp đã và đang tập trung thực hiện. Và để chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển theo hướng bền vững, tạo ra đột phá về hiệu quả kinh tế, ngành nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh đang chú trọng khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, đơn vị, hộ cá thể đầu tư phát triển chăn nuôi quy mô lớn.

Để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi quy mô lớn, trên cơ sở phân tích, chỉ rõ những “rào cản” đối với việc phát triển chăn nuôi quy mô lớn, thời gian qua, các địa phương đã tập trung tích tụ đất đai, bố trí quỹ đất cách xa khu dân cư để hình thành khu trang trại tập trung. Khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển trang trại theo hướng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ khép kín. Thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển chăn nuôi, trong đó ưu tiên hỗ trợ cho việc phát triển các con nuôi lợi thế có quy mô lớn. Đầu tư và kêu gọi đầu tư các cơ sở giết mổ công nghiệp tập trung; tổ chức lại hệ thống sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm theo chuỗi khép kín từ khâu chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện rà soát, thống kê chăn nuôi để có kế hoạch tổng thể phát triển chăn nuôi phù hợp với từng địa phương. Ngoài ra, tỉnh còn ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng cho các trang trại thực hiện chăn nuôi bò, lợn ngoại hướng nạc và gà lông màu theo hướng tập trung, quy mô lớn; hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân có diện tích trồng cỏ chăn nuôi và ngô dày làm thức ăn chăn nuôi có quy mô lớn.

Nhờ tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp thu hút phát triển chăn nuôi quy mô lớn, nên từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã thu hút được 8 doanh nghiệp đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng. Theo đó, nhiều dự án, trang trại chăn nuôi theo chuỗi giá trị, quy mô lớn đã và đang được triển khai thực hiện. Trong đó, có một số dự án chăn nuôi có tầm ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi của tỉnh, như: Chuỗi chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa ứng dụng công nghệ cao tại trang trại chăn nuôi bò sữa Sao Vàng (Thọ Xuân), trang trại chăn nuôi bò sữa tại xã Phú Nhuận (Như Thanh) và trung tâm các trang trại bò sữa Thống Nhất (Yên Định), do Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đầu tư; chuỗi chăn nuôi lợn có dự án chăn nuôi lợn ngoại của Công ty CP nông sản, thực phẩm Việt Hưng, quy mô 6.000 con lợn thịt ngoại và 700 lợn nái ngoại sinh sản; chuỗi chăn nuôi lợn khép kín của Công ty CP nông sản Phú Gia, quy mô 320 nái sinh sản và 3.000 lợn thịt ngoại. Ngoài các chuỗi chăn nuôi, trên địa bàn tỉnh còn hình thành, nhân rộng được nhiều mô hình liên sản xuất và bao tiêu sản phẩm chăn nuôi, như: Mô hình liên sản xuất và bao tiêu sản phẩm gà, vịt đẻ theo hợp đồng kinh tế giữa Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hiền Nhuần với các hộ dân tại các huyện Hậu Lộc, Đông Sơn, Triệu Sơn...; mô hình chăn nuôi gà công nghiệp theo chuỗi của Công ty TNHH thực phẩm sạch Phúc Vinh... Đáng chú ý, năm 2018, Công ty CP nông sản Phú Gia đã hợp tác với Tập đoàn thức ăn chăn nuôi Vitafort và Tập đoàn Master Good triển khai thực hiện dự án liên kết chăn nuôi gà phục vụ chế biến, xuất khẩu theo chuỗi công nghệ cao của Công ty CP nông sản Phú Gia, quy mô 120.000 con gà bố mẹ, hàng năm sản xuất khoảng 20 triệu con gà thương phẩm nuôi thịt. Đây được xem là dự án có quy mô lớn mang tầm quốc gia, hứa hẹn sẽ đem lại sự đột phá trong phát triển chăn nuôi của tỉnh.

Kết quả trên chính là minh chứng cho những cố gắng của ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh trong thu hút đầu tư phát triển chăn nuôi quy mô lớn. Vì vậy, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư phát triển chăn nuôi quy mô lớn. Trao đổi về những giải pháp mà ngành nông nghiệp sẽ định hướng cho các địa phương thực hiện trong việc thu hút đầu tư phát triển chăn nuôi quy mô lớn, ông Mai Thế Sang, Trưởng Phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi về quỹ đất, thủ tục hành chính để các doanh nghiệp, đơn vị, hộ cá thể đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách của Trung ương và tỉnh về phát triển chăn nuôi; tăng cường công tác quản lý giống vật nuôi. Cùng với đó, tổ chức lại hệ thống sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm theo chuỗi khép kín, xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh để sản phẩm chăn nuôi của tỉnh có đủ điều kiện xuất khẩu.


Bài và ảnh: Hương Thơm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]