(Baothanhhoa.vn) - Ngày 1-8-2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực. Việc EVFTA đi vào thực thi trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 với những biến động phức tạp, khó lường của thị trường sẽ tạo cơ hội, kỳ vọng được vực dậy cho các ngành hàng xuất khẩu trong giai đoạn khó khăn này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) cần quan tâm, tìm hiểu và có bước chuẩn bị kỹ lưỡng để đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ, điều khoản thương mại để được hưởng các ưu đãi từ hiệp định này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đáp ứng quy tắc xuất xứ, điều khoản thương mại để được hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA

Ngày 1-8-2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực. Việc EVFTA đi vào thực thi trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 với những biến động phức tạp, khó lường của thị trường sẽ tạo cơ hội, kỳ vọng được vực dậy cho các ngành hàng xuất khẩu trong giai đoạn khó khăn này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) cần quan tâm, tìm hiểu và có bước chuẩn bị kỹ lưỡng để đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ, điều khoản thương mại để được hưởng các ưu đãi từ hiệp định này.

Đáp ứng quy tắc xuất xứ, điều khoản thương mại để được hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA

Sản phẩm gỗ cần đáp ứng các tiêu chí về nguồn gốc, xuất xứ và khai thác hợp pháp để được hưởng lợi từ EVFTA. Trong ảnh: Sản xuất gỗ ván ép xuất khẩu tại Công ty CP Dokata, thị trấn Thường Xuân.

Theo phân tích từ Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, gần 100% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Trong số các hiệp định thương mại được ký kết, đây là mức cam kết cao nhất mà đối tác dành cho Việt Nam. Do vậy, EVFTA được đánh giá sẽ tạo ra cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam và các địa phương có tiềm năng. Cùng với đó, EVFTA được phê chuẩn và có hiệu lực trong thời gian tới, Việt Nam sẽ là điểm đến của nhiều nhà đầu tư từ EU và trên toàn thế giới. Những ngành nghề được hưởng ưu đãi thuế quan tỷ lệ cao và lộ trình ngắn, như: Dệt may, giày da, thủy sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ, rau quả...

Với ngành hàng dệt may, giày da, EVFTA mang lại rất nhiều cơ hội tiềm năng cho các DN Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng, bởi đây là thị trường có quy mô lớn nhất về tiêu thụ các mặt hàng này. Trong khi đó, thương mại nội khối mới đáp ứng được 40% và 60% còn lại đến từ các nước đang phát triển ngoài EU. Tuy nhiên, quy tắc xuất xứ trong EVFTA đối với mặt hàng dệt may tương đối chặt “từ vải trở đi”. Các nguyên liệu được dùng để may quần áo phải được dệt tại Việt Nam hoặc các nước EU. Đồng thời, sản phẩm dệt may cần đáp ứng tiêu chí công đoạn gia công cụ thể theo quy định tại hiệp định. Đây là thách thức không nhỏ do hiện nay, nguyên liệu sản xuất hàng may mặc trong tỉnh vẫn dựa vào nhập khẩu và theo chỉ định đơn hàng gia công.

Với mặt hàng giầy da, ngay khi EVFTA được áp dụng, 37% các dòng thuế về giầy da sẽ được hưởng thuế 0% và phần còn lại sẽ giảm dần về 0% theo lộ trình từ 3-7 năm. Trong đó, các mặt hàng có mức thuế 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực tập trung vào các mặt hàng giầy thể thao, giầy vải và giầy cao su. Đây cũng chính là các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Tuy nhiên, tiêu chuẩn kỹ thuật và rào cản thương mại đối với ngành giầy da của thị trường EU cũng rất cao. Nhiều tiêu chuẩn áp dụng tại EU liên quan đến mức độ an toàn cao cho sức khỏe người tiêu dùng, mức độ thân thiện với môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cách thức ghi nhãn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa...

EVFTA cũng được các chuyên gia đánh giá làm tăng cơ hội, khả năng cạnh tranh đối với các mặt hàng thủy sản, gỗ, rau quả; trong đó, một số mặt hàng, như: tôm, cá ngừ, ngao, bào ngư, dứa, dưa, thanh long, đồ dùng từ gỗ sẽ được giảm ngay dòng thuế về 0% ngay sau khi EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, điều khoản quy định đối với các mặt hàng này cũng khá khắt khe. Theo đó, tiêu chí xuất xứ đối với thủy sản nguyên liệu và thủy sản chế biến trong EVFTA là thủy sản phải được sinh ra hoặc lớn lên tại một nước thành viên Hiệp định EVFTA. Với sản phẩm gỗ, người tiêu dùng EU đòi hỏi khắt khe về nguồn gốc gỗ nhằm bảo đảm thực thi các chính sách về môi trường và giấy tờ chứng minh khai thác hợp pháp. Như vậy, DN phải thực hiện nhiều công đoạn bảo đảm đầy đủ hồ sơ, giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của sản phẩm gỗ. Đây cũng là một thách thức hiện hữu đối với các DN trong tỉnh.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, để có thể tận dụng được tối đa những cơ hội cũng như giảm thiểu những thách thức gặp phải trong quá trình thực thi hiệp định, các DN cần nhanh chóng đầu tư nâng cao giá trị chất lượng sản phẩm hàng hóa để tăng tính cạnh tranh, do tiêu chuẩn kỹ thuật và rào cản thương mại đối với các mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng vào thị trường EU rất cao. Bên cạnh đó, các DN cần chủ động nắm vững các nội dung của EVFTA, đặc biệt là các cam kết liên quan đến thuế quan gắn với quy tắc xuất xứ hàng hóa để tận dụng tốt cơ hội, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bài và ảnh: Tùng Lâm


Bài Và Ảnh: Tùng Lâm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]