(Baothanhhoa.vn) - Bằng sự kiên trì, sáng tạo và hướng đi phù hợp, những người nông dân các huyện miền núi đang từng ngày “đánh thức” tiềm năng của những vùng đồi, hình thành những vùng chuyên canh nông sản, những mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đánh thức tiềm năng kinh tế vùng đồi

Bằng sự kiên trì, sáng tạo và hướng đi phù hợp, những người nông dân các huyện miền núi đang từng ngày “đánh thức” tiềm năng của những vùng đồi, hình thành những vùng chuyên canh nông sản, những mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Cây dứa trồng trên diện tích đất đồi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Lam Sơn (Ngọc Lặc).

Đến huyện Ngọc Lặc, đâu đâu chúng tôi cũng thấy màu xanh trù phú của những cánh rừng, những đồi cây ăn quả, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Đồng chí Phạm Thị Hà, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện, cho biết: Huyện Ngọc Lặc có 31.000 ha đất đồi. Với diện tích đất lâm nghiệp dốc trên 25 độ, người dân chủ yếu trồng luồng, keo, doanh thu khoảng 35 đến 40 triệu đồng/ha/năm. Diện tích đồi có độ dốc từ 15 độ đến dưới 25 độ là những vùng có chất đất màu mỡ, chỉ cần người dân lựa chọn loại cây trồng, mô hình sản xuất phù hợp doanh thu có thể đạt tới 250 triệu đồng/ha/năm.

Men theo những khu đồi thuộc thôn 6, xã Lam Sơn, chúng tôi đến thăm khu trang trại tổng hợp của gia đình bác Lê Viết Quang. Trang trại có diện tích 4 ha, quy hoạch thành 2 khu, gồm: Khu vườn đồi rộng 3 ha trồng các loại cây như mía, sắn, dứa, cao su... và một khu chuồng trại rộng gần 1 ha, nuôi khoảng 1.000 con gà ri/lứa. Sau 2 năm, trang trại của gia đình bác Quang đã xuất bán được 7 lứa, doanh thu khoảng 100 triệu đồng/lứa. Trên diện tích đồi trồng cây công nghiệp ngắn ngày, ban đầu gia đình bác trồng mía, sắn, cao su kết hợp xen canh cây ngô để tăng thu nhập cho gia đình. Năm 2015, khi nhận thấy có nhiều loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao, gia đình bác Quang đã chủ động thu hẹp diện tích sắn, cao su để đưa cây dứa giống Queen, cây ăn quả như cam đường canh, bưởi... vào trồng. Với 5 sào dứa, mỗi vụ cho năng suất khoảng 10 đến 12 tấn quả, mang lại doanh thu gần 60 triệu đồng. Diện tích mía của gia đình bác Quang ổn định khoảng 1,6 ha, được liên kết với Công ty CP Mía đường Lam Sơn, mỗi năm cho thu nhập 80 đến 100 triệu đồng. Ngoài ra, còn gần 100 gốc cây ăn quả, như: Cam đường canh, cam Vinh, bưởi Diễn... trồng trong vườn nhà đang sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn cho doanh thu khoảng 60 đến 80 triệu đồng/năm. Bác Quang chia sẻ: Tận dụng được diện tích đồi rộng, màu mỡ, gia đình tôi đã chủ động tìm những loại cây trồng phù hợp với chất đất, thị hiếu thị trường để đưa vào trồng do đó hằng năm, trừ chi phí sản xuất, gia đình thu lãi khoảng 350 triệu đồng/năm.

Phát huy điều kiện thổ nhưỡng, xã Xuân Hòa (Như Xuân) đã vận động người dân chuyển đổi diện tích cây lương thực trên đồi dốc kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, như: Cam, bưởi, ổi, dưa hấu, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến thăm mô hình vườn đồi của bà Lê Thị Ca, thôn Đồng Trình. Bà Ca cho biết: Năm 2014, được UBND xã vận động và trực tiếp được cán bộ nông nghiệp xã hướng dẫn kỹ thuật, gia đình bà chủ động nhận thầu 10 ha diện tích đồi của xã để trồng dứa, mía, ổi, cam, bưởi... Sau 3 năm, diện tích cây trồng của gia đình đã có thu nhập ổn định. Năm 2017, hơn 3 ha cam đường canh cho thu hoạch lứa đầu đạt năng suất 13 đến 15 tấn/ha, doanh thu gần 250 triệu đồng/ha. Gần 5 ha mía mang lại cho gia đình bà khoảng 270 triệu đồng/năm và khoảng 400 triệu đồng từ những loại cây ăn quả ngắn ngày như ổi, táo, chanh leo, dưa hấu và chăn nuôi. Trừ chi phí sản xuất, mỗi năm, gia đình bà Lê Thị Ca thu lãi khoảng 700 triệu đồng từ sản xuất, canh tác các loại cây trồng.

Ông Lê Đình Tuấn, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, cho biết: Từ năm 2014, xã đã vận động, tuyên truyền để nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây ăn quả vào trồng trên vùng đất đồi. Để khuyến khích các hộ dân đưa cây ăn quả vào trồng, xã đã thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình 30a và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ một phần tiền giống cho các hộ trồng cây ăn quả. Đến nay, toàn xã đã có 100 ha cây ăn quả có múi, 76 ha dưa hấu, 36 ha dứa..., doanh thu hàng trăm triệu đồng/ha/năm.

Tỉnh ta hiện có 629.100 ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó có nhiều vùng đồi với tiềm năng đất đai đa dạng, phong phú phù hợp cho phát triển nông, lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi. Nhờ điều kiện khí hậu và đất đai đa dạng, các loại cây trồng, như: Cam, chanh đào, bưởi luận văn, quýt vòi, củ đậu, sắn dây, thanh long ruột đỏ, dưa hấu... được trồng ở các huyện Như Xuân, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thạch Thành và vùng bán sơn địa của huyện Thọ Xuân đã trở thành những loại cây chủ lực không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của người nông dân và góp phần khẳng định hiệu quả kinh tế của những vùng đồi trù phú. Việc lựa chọn những loại cây trồng, những mô hình kinh tế phù hợp đã tạo nên nhiều triệu phú nông dân trên những vùng đất khó. Tuy nhiên, người dân chủ yếu phát triển kinh tế theo hướng tự phát, manh mún, chưa có những định hướng, hỗ trợ và tư vấn cụ thể. Do đó, việc phát triển chưa gắn được với sự bền vững. Để những vùng đất đồi khẳng định được hiệu quả kinh tế bền vững, các địa phương cần định hướng và lựa chọn những loại cây trồng, con nuôi phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu. Đồng thời, cùng với việc cải thiện, nâng cấp hệ thống giao thông thủy lợi ở khu vực miền núi, tỉnh cần có chính sách thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế trên những vùng đồi theo mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với nông dân.


Bài và ảnh: Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]