(Baothanhhoa.vn) - Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là nội dung quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn thiếu bền vững

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là nội dung quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.

Diện tích đất trồng mía kém hiệu quả chuyển đổi sang trồng cây ăn quả tại xã Cẩm Sơn (Cẩm Thủy).

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đề ra mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh thực hiện chuyển diện tích các loại cây trồng theo hướng giảm 33.300 ha lúa, 8.500 ha mía, 7.450 ha lạc, 3.100 ha sắn có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao, như: Cây thức ăn chăn nuôi, ngô, cây ăn quả, rau màu các loại...

Để thực hiện mục tiêu đề ra, thời gian qua, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã đẩy mạnh thực hiện các giải pháp, như: Rà soát, thống kê diện tích đất sản xuất kém hiệu quả kinh tế, từ đó lập kế hoạch, lựa chọn những cây trồng chuyển đổi cụ thể, phù hợp cho từng vùng, từng địa phương; nỗ lực thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với nông dân. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các địa phương đều được tuân thủ theo nguyên tắc, thực hiện chuyển đổi linh hoạt để khi cần có thể chuyển sang trồng lúa ngay và chỉ chuyển đổi khi đã khẳng định được hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn. Tính từ năm 2015 đến hết vụ xuân 2018, toàn tỉnh đã chuyển đổi được khoảng 21.000 ha đất sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Điều này được thể hiện rõ qua đánh giá về hiệu quả của các mô hình chuyển đổi của ngành nông nghiệp và các địa phương. Nếu trước đây, lợi nhuận thu về của diện tích trồng lúa, mía kém hiệu quả chỉ đạt 12 đến 17 triệu đồng/ha/năm, thì sau khi chuyển đổi sang trồng ngô, lợi nhuận đã lên tới 80 đến 100 triệu đồng/ha/năm; chuyển sang trồng rau màu các loại, lợi nhuận đạt khoảng 70 đến 80 triệu đồng/ha/năm. Đáng chú ý, diện tích chuyển sang trồng ớt, trồng hoa công nghệ cao có hiệu quả kinh tế vượt trội; diện tích trồng ớt lợi nhuận đạt tới 150 đến 250 triệu đồng/ha/năm, diện tích trồng hoa áp dụng công nghệ cao lợi nhuận đạt 200 triệu đồng/ha/năm.

Hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là không thể phủ nhận. Song, qua khảo sát thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, việc chuyển đổi này còn thiếu bền vững. Mục tiêu trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà ngành nông nghiệp đã định hướng cho các địa phương không chỉ hướng đến hiệu quả mà còn hướng đến sự phát triển bền vững. Muốn vậy, khi thực hiện chuyển đổi các địa phương cần phải thu hút các doanh nghiệp đầu tư thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân; quy mô sản xuất phải tập trung, chất lượng sản phẩm bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế chuyển đổi cho thấy, trong quá trình thực hiện chuyển đổi, các địa phương chỉ quan tâm vào việc khảo sát, lựa chọn những loại cây trồng phù hợp với điều kiện, trình độ canh tác thực tế, bảo đảm được yếu tố hiệu quả kinh tế cao hơn để đưa vào chuyển đổi, chứ chưa thật sự chú trọng thu hút doanh nghiệp vào quá trình thực hiện các mô hình chuyển đổi tập trung, quy mô lớn, phát triển bền vững cho những diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả kinh tế sau khi được chuyển đổi. Điều này được thể hiện rõ qua con số về diện tích cây trồng được liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Hiện diện tích sản xuất nông nghiệp sau chuyển đổi được liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm trên địa bàn tỉnh mới đạt 7.832,9 ha/21.000 ha đã được chuyển đổi

Trao đổi với ông Đỗ Văn Kỳ, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vấn đề này, chúng tôi được biết: Hiện nay công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các địa phương chủ yếu được thực hiện còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết vùng, tập trung, nên chưa thu hút được doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế lớn đầu tư vào phát triển nông nghiệp. Một trong những nguyên nhân là công tác tích tụ đất đai trong sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, năng lực tiếp cận thị trường, công nghệ sản xuất tiên tiến của nông dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chưa được đầu tư đồng bộ, nên khi chuyển đổi, nhất là thực hiện chuyển đổi quy mô lớn còn khó khăn.


Bài và ảnh: Tiến Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]