(Baothanhhoa.vn) - Chương trình mỗi xã một sản phẩm được xây dựng sẽ tạo động lực kép cho sự phát triển kinh tế - xã hội và một tín hiệu vui cho chính quyền và người dân, nhất là đối với người trồng chè tại xã Bình Sơn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chương trình mỗi xã một sản phẩm: Từng bước xây dựng thương hiệu cho cây chè Bình Sơn

Chương trình mỗi xã một sản phẩm được xây dựng sẽ tạo động lực kép cho sự phát triển kinh tế - xã hội và một tín hiệu vui cho chính quyền và người dân, nhất là đối với người trồng chè tại xã Bình Sơn.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm: Từng bước xây dựng thương hiệu cho cây chè Bình Sơn

Người dân xã Bình Sơn (Triệu Sơn) vẫn chế biến chè theo phương pháp thủ công.

Từ năm 1992 của thế kỷ trước cây chè được đưa vào trồng thử nghiệm ở xã Bình Sơn (Triệu Sơn) theo Dự án 327 với diện tích 200 ha, với mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu cung cấp cho các xưởng chế biến chè ở khu vực. Cũng từ đó, cây chè trở thành sản phẩm chủ lực góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, trên địa bàn xã đã phát triển được 357 ha chè, trong đó có hơn 250 ha cho đã thu hoạch, sản lượng trung bình đạt khoảng 25 đến 30 tấn/năm, mang lại doanh thu khoảng 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm phát triển, sản phẩm chè Bình Sơn vẫn “loay hoay” tìm đầu ra và chỗ đứng trên thị trường, lộ trình phát triển của cây chè ở xã Bình Sơn vẫn chưa có tính bền vững và sự đột phá.

Ông Cao Đăng Khải, một trong những hộ dân trồng chè lâu năm tại thôn Đông Chanh, cho biết: Cây chè được du nhập về đất đồi xã Bình Sơn hợp thổ nhưỡng, khí hậu nên sinh trưởng và phát triển tốt. Đặc trưng của sản phẩm chè địa phương chính là sự thơm, ngon, đậm đà pha lẫn với vị chát nhẹ mà nhiều vùng trồng chè nổi tiếng khác trong cả nước không có. Được biết, giai đoạn từ những năm 1996-2002, cây chè ở xã Bình Sơn có đầu ra ổn định do có một doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, doanh nghiệp này chỉ hoạt động được một thời gian nên những năm gần đây, sản phẩm chè của địa phương không có đầu ra ổn định; người dân chủ yếu tự thu hoạch, tự sao chè búp để bán ra thị trường, do đó hiệu quả kinh tế từ cây chè mang lại không được ổn định, cao như trước. Trung bình với những hộ có 0,5 ha chè thì trừ chi phí mỗi năm thu lãi khoảng 50 đến 60 triệu đồng. Bên cạnh đó, người dân địa phương vẫn theo nếp sản xuất cũ, chưa chú trọng đến sản xuất theo hướng hàng hóa, mỗi tháng nhà nhiều nhất cũng chỉ thu về khoảng 10 – 20 kg chè khô, thu nhập không bứt phá, sản phẩm cũng chưa tiệm cận đến tiêu chuẩn hàng hóa chứ chưa nói đến xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tạo dấu ấn trên thị trường.

Để thực hiện hiệu quả, thành công đề án tái cơ cấu nông nghiệp và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh ta đã xây dựng chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh thúc đẩy sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống người dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM. Trong đó, trọng tâm của chương trình là nghiên cứu, phát triển hoàn thiện sản phẩm; xây dựng mẫu mã, tiêu chuẩn chất lượng, tổ chức sản xuất và xúc tiến thương mại. Thực hiện mục tiêu đó, huyện Triệu Sơn nói chung và chính quyền xã Bình Sơn nói riêng đã rà soát lại diện tích, khảo sát, thu thập thông tin đầy đủ, chính xác về sản phẩm chè của địa phương để từng bước định hướng phát triển và xây dựng lộ trình cụ thể nhằm xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể và tìm đầu ra cho sản phẩm chè ở xã Bình Sơn.

Để thương hiệu chè Bình Sơn “bay xa”, cấp ủy đảng, chính quyền xã đã và đang tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân mở rộng diện tích và sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Từng bước xây dựng vùng nguyên liệu chè sạch, an toàn và hướng tới thành lập các tổ, đội trồng chè theo tiêu chuẩn VietGap tại các thôn Đông Chanh, Thoi. Đồng thời, UBND xã sẽ tích cực phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện mở các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc, tỉa cành, tạo tán cây đúng quy trình kỹ thuật. Cán bộ nông nghiệp xã cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ đúng quy trình sản xuất VietGAP, cách ghi chép sổ sách về quá trình sinh trưởng, phát triển, thu hoạch chè... Trong đó, chú trọng đến việc thay đổi tư duy, tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của người dân. Ông Ngân Văn Quý, chủ tịch UBND xã, cho biết: Những năm gần đây, chính quyền xã cũng đã có nhiều biện pháp khuyến khích người dân áp dụng kỹ thuật, tiêu chuẩn mới trong sản xuất chè bảo đảm an toàn, chất lượng cũng như hỗ trợ tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm song kết quả chưa khả quan. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” chính là một tín hiệu vui, một cơ hội mới để người dân có động lực gắn bó, phát triển thương hiệu chè của địa phương.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quang, Phó trưởng Phòng NN&PTNT, UBND huyện Triệu Sơn, chia sẻ: Chương trình mỗi xã một sản phẩm được xây dựng sẽ tạo động lực kép cho sự phát triển kinh tế - xã hội và một tín hiệu vui cho chính quyền và người dân, nhất là đối với người trồng chè tại xã Bình Sơn. Không chỉ xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm chè chủ lực của xã mà còn giúp người dân hình thành tư duy sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tạo ra sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Để lộ trình thực hiện chương trình được thuận lợi, hiệu quả, thời gian tới, UBND huyện sẽ chỉ đạo xã khuyến khích người dân đầu tư, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao chất lượng và từng bước đăng ký tiêu chuẩn VietGap cho cây chè. Bên cạnh đó, trạm khuyến nông huyện sẽ mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, chế biến cho người dân địa phương. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho các đoàn thể tăng cường đấu mối với các ngân hàng để người dân được tiếp cận với vốn vay ưu đãi nhằm đầu tư, phát triển sản xuất, hình thành những vùng chuyên canh chè chất lượng cao.

Bài và ảnh: Lê Hòa

“Cây chè được du nhập về đất đồi xã Bình Sơn hợp thổ nhưỡng, khí hậu nên sinh trưởng và phát triển tốt. Đặc trưng của sản phẩm chè địa phương chính là sự thơm, ngon, đậm đà pha lẫn với vị chát nhẹ mà nhiều vùng trồng chè nổi tiếng khác trong cả nước không có”


 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]