(Baothanhhoa.vn) - Công tác bảo đảm an toàn cho người và tài sản trước các diễn biến phức tạp của thiên tai đã được Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) tỉnh cùng các địa phương triển khai.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chủ động phương án di dân trong mùa mưa bão 2019

Chủ động phương án di dân trong mùa mưa bão 2019

Diễn tập di dân tại xã Xuân Dương (Thường Xuân).

Công tác bảo đảm an toàn cho người và tài sản trước các diễn biến phức tạp của thiên tai đã được Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) tỉnh cùng các địa phương triển khai.

Trong đó, việc xây dựng các phương án di dân khi xảy ra tình huống khẩn cấp có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu thiệt hại về người do thiên tai gây nên.

Ngay từ những tháng đầu năm, cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh là Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh đã có công văn yêu cầu tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tiến hành rà soát, thống kê số dân, số hộ đang sinh sống trong những vùng nguy hiểm khi có thiên tai. Từ đó, đưa vào danh sách từng nhóm đối tượng cần phải di dời để lên phương án cụ thể. Theo đó, toàn tỉnh hiện có 104 xã của 10 huyện, thành phố với 17.726 nhân khẩu đang sinh sống ở các bãi sông có đê từ cấp I đến cấp III cần phải sơ tán khi có lũ. Trong đó, có 2.139 hộ với 7.078 nhân khẩu phải sơ tán ngay khi nước lũ các sông lên mức báo động I; 2.552 hộ với hơn 8.000 nhân khẩu cũng không thể ở lại khi các dòng sông này có mực nước lên báo động II và báo động III. Số còn lại ở xa hơn và cao hơn nhưng cũng phải sơ tán khi mực nước sông lên trên báo động III. Nếu tính cả các dòng sông có đê cấp IV và cấp V, toàn tỉnh còn có thêm 15.739 hộ với 89.449 nhân khẩu của 19 xã và 4 huyện trong diện cần di dời đến nơi an toàn khi có mưa lũ lớn khiến nước sông lên từ cấp I đến cấp III.

Tại 6 huyện, thành phố ven biển và cửa sông của tỉnh, gồm: Sầm Sơn, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn, Quảng Xương và Tĩnh Gia, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN cùng các địa phương đã rà soát và thống nhất lên phương án sơ tán dân tập trung cho gần 124.300 người của hơn 31.800 hộ gia đình. Với từng cấp độ bão và nước dâng, sẽ có phương án di dân phù hợp. Cụ thể, khi có bão mạnh, số dân ở phạm vi cách bờ biển 200m sẽ được di dời đến nơi tập trung với gần 18.500 người. Khi có bão rất mạnh, toàn bộ số dân phân bố cách mép biển từ 200 đến 500m phải di chuyển đến nơi an toàn, với tổng số hơn 44.300 người. Số còn lại sống cách mép nước biển hơn 500m nhưng có tình huống nguy hiểm, siêu bão vẫn phải di dời.

Với các vùng ven sông trong nội địa và những nơi trũng thấp ở 217 xã của 20 huyện, thị xã, thành phố, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh và các địa phương đã lên phương án di dân cho gần 152.000 người của gần 47.000 hộ gia đình. Số dân phải di dời này được chia theo 3 cấp độ phải di chuyển theo các mức báo động I, II và III của mực nước sông. Một nhiệm vụ di dân không kém phần quan trọng khác chính là ở khu vực miền núi nhằm giảm thiểu thiệt hại trực tiếp về người do lũ ống, lũ quét, sạt lở gây ra. Thống kê mới nhất từ Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh, đến đầu mùa mưa bão 2019, toàn tỉnh có tới 6.451 hộ gia đình với hơn 26.100 nhân khẩu của 198 xã thuộc 11 huyện đang sinh sống trong các vùng nguy hiểm. Hàng chục nghìn người này vẫn phải sinh sống trên các triền đồi, triền núi, ven suối, thung lũng, luôn có nguy hiểm khi có bão lũ, mưa lớn, mưa kéo dài gây sạt lở, lũ ống, lũ quét.

Từng sở, ngành cấp tỉnh đã được giao nhiệm vụ liên quan đến công tác di dời, như thông tin vận động người dân, sẵn sàng các phương tiện vận chuyển; chuẩn bị lương thực, thực phẩm để cứu trợ người dân đến nơi sơ tán tập trung... Các huyện và các xã đã xây dựng được các phương án tại chỗ, chuẩn bị nơi di dân an toàn như trường học, trạm y tế, trụ sở UBND xã kiên cố... và ở những nơi an toàn. Từng phương án đã được các địa phương xây dựng cụ thể, gửi lên Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh kiểm tra, góp ý để hoàn thiện. Trong tháng 6 và tháng 7, các huyện, thị xã, thành phố cũng được chỉ đạo chọn các xã điểm để tổ chức diễn tập công tác di dân khẩn cấp khi có mưa bão, lũ lụt nguy hiểm. Đây chính là sự tập dượt tốt để chính quyền và người dân vùng lũ có kinh nghiệm thực tế, không bị lúng túng khi tình huống thật xảy ra.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]