(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Thanh Hoá nói riêng đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, chủ yếu là ô tô.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chủ động phòng chống cháy nổ trên lĩnh vực vận tải hành khách

Những năm gần đây, trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Thanh Hoá nói riêng đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, chủ yếu là ô tô.

Chỉ tính riêng từ năm 2014 đến nay, theo số liệu thống kê trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 51 vụ cháy phương tiện giao thông đường bộ, làm 2 người chết, 1 người bị thương, thiệt hại về tài sản gần 12 tỷ đồng. Điển hình như vụ cháy xe khách giường nằm và ôtô đầu kéo container, xảy ra ngày 28-3-2017 tại Quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương. Nguyên nhân được xác định là do tai nạn giao thông, làm chập hệ thống điện khiến xe khách giường nằm bị thiêu rụi hoàn toàn, xe container bị bốc cháy phần đầu. Rất may vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 4 tỷ đồng.

Trong số 51 vụ cháy xảy ra từ năm 2014 đến nay, nguyên nhân được xác định chủ yếu do các lỗi: Gặp sự cố hệ thống, thiết bị điện (28 vụ); sơ suất, bất cẩn trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt (4 vụ); do tai nạn giao thông xảy ra cháy (5 vụ), vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) (1 vụ)... Theo các cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân khiến nhiều ôtô, xe khách bị cháy trong thời gian qua có liên quan đến việc nhiều chủ xe tự ý lắp thêm thiết bị điện không được kiểm soát ngoài thiết kế của xe như: Tivi, tủ lạnh mini, đầu phát wifi, ổ điện cho khách sạc điện thoại; một số xe còn lắp thêm bảng chữ điện tử, đèn LED khá bắt mắt đề tuyến chạy, tên nhà xe... Những thiết bị “phát sinh” này tuy hữu ích với người sử dụng nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ chập, cháy hệ thống điện và gây quá tải hệ thống điện. Mặc dù biết rõ nguy hiểm, nhưng nhiều chủ xe vẫn cố tình vi phạm, coi nhẹ sự an toàn cho mình và cho hành khách.

Với đặc thù xe khách là loại hình phương tiện giao thông vận tải có sự tham gia của nhiều người, vì thế, nếu có sự cố cháy nổ xảy ra thì hậu quả sẽ rất khó lường. Trước tình hình trên, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị công an trong tỉnh mà nòng cốt là lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) tăng cường công tác phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát lại các điều kiện về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô và các điều kiện về cơ sở hạ tầng giao thông đối với xe khách giường nằm. Đồng thời, thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, nhất là các chủ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách, chủ phương tiện và đội ngũ lái xe, phụ xe thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các quy định về PCCC với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy”. Cùng với đó, phối hợp với các đơn vị liên quan, tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhân viên các đơn vị kinh doanh vận tải nắm được những kiến thức cơ bản về PCCC, nhất là cách thức xử lý tình huống khi có cháy nổ xảy ra. Nhờ đó, nhận thức và ý thức trách nhiệm của các chủ phương tiện, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách về công tác phòng chống cháy nổ đã được nâng lên rõ rệt.

Theo ông Nguyễn Đức Nga, Trưởng bến xe phía Bắc cho biết: Ban quản lý bến đã luôn kiểm tra việc xếp, dỡ hàng hóa, hành khách và các điều kiện về kỹ thuật của phương tiện trước khi cho xe xuất bến. Đặc biệt là những xe khách giường nằm chở theo hàng hóa dễ cháy, nổ, hàng hóa bị cấm... kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm và không cho phép phương tiện xuất bến khi chưa đảm bảo các điều kiện về an toàn kỹ thuật.

Nhờ thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC đối với các phương tiện vận tải hành khách, nên thời gian qua, số vụ cháy nổ các phương tiện giao thông, nhất là phương tiện vận tải hành khách đã được hạn chế, giảm cả về số vụ và thiệt hại. Năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 12 vụ cháy xe ô tô (giảm 5 vụ so với năm 2017), ước tính thiệt hại hơn 2 tỷ đồng.

Những tháng cuối năm, vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhu cầu vận tải hành khách, vận tải hàng hóa sẽ tăng cao, trong đó có hàng hóa, vật liệu dễ cháy sẽ là nguy cơ tiềm ẩn xảy ra cháy nổ. Trung tá Đào Đức Quý, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh khuyến cáo các chủ phương tiện cần thường xuyên bảo dưỡng và phát hiện sớm những bất thường của xe; tuyệt đối không tự ý lắp ráp nội thất xe trái với thiết kế. Ngoài ra, khi rời khỏi xe cần tắt máy, kiểm tra các nguồn điện và phải trang bị bình chữa cháy để kịp thời xử lý khi xảy ra sự cố cháy nổ. Thường xuyên nhắc nhở và kiểm tra hành lý của hành khách, kiên quyết không vận chuyển những hàng hóa có nguy cơ cháy nổ cao...

Để đề phòng, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra đối với các phương tiện vận tải hành khách, bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các hãng xe về trang bị thiết bị PCCC cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng chống cháy nổ cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ lái xe, phụ xe, chủ phương tiện và hành khách đi xe thực hiện đúng quy định về PCCC, đảm bảo an toàn cao nhất đối với tính mạng, tài sản của chủ xe và hành khách.


Hà Phương, (Công an tỉnh)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]