(Baothanhhoa.vn) - Sau nhiều lần dự định dang dở vì mưa gió, chúng tôi đã đến xã Thúy Sơn, huyện miền núi Ngọc Lặc để tìm hiểu mô hình sản xuất nông nghiệp của anh Phạm Văn Mư.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chàng trai trẻ bỏ phố về làng

Sau nhiều lần dự định dang dở vì mưa gió, chúng tôi đã đến xã Thúy Sơn, huyện miền núi Ngọc Lặc để tìm hiểu mô hình sản xuất nông nghiệp của anh Phạm Văn Mư.

Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Hưng Thịnh - anh Phạm Văn Mư tại xã Thúy Sơn (Ngọc Lặc) trao đổi với phóng viên. Ảnh: P.V

Khu sản xuất của anh Mư nằm “lọt thỏm” trong một thung lũng giữa các ngọn núi đá vôi dốc đứng. Thật không may, thời điểm chúng tôi có mặt thì khu sản xuất này cũng vừa thu hoạch xong các loại cây trồng để công nhân canh tác lứa mới thay thế. Đổi lại, “ông chủ trẻ” của mô hình nông nghiệp này tỏ ra thân thiện, nhiệt tình và không ngần ngại chia sẻ những thông tin với chúng tôi. Từng học Khoa Nông - Lâm - Ngư nghiệp của Trường Đại học Hồng Đức, làm việc tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa, nhưng anh luôn đau đáu hướng về quê nhà. Nguyện vọng đó đã được thực hiện khi anh chuyển công tác về làm việc ở Ban Quản lý công trình nông nghiệp huyện Ngọc Lặc. Những tưởng đó là vị trí công tác sẽ gắn bó lâu dài, song vốn tính năng động, không thích “gò bó”, anh Mư đã “bứt” ra với hoài bão làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Nhận thấy quê nhà có tiềm năng đất đai khá màu mỡ, nhưng bà con chỉ độc canh cây ngô, bấp bênh đầu ra. “Tôi chứng kiến nhiều năm, ngô ở đây bị tư thương ép giá xuống dưới 3.000 đồng/kg, có vụ bà con không buồn thu hoạch, để rũ ngoài đồng. Trăn trở “làm mới” hình thức sản xuất nông nghiệp quê nhà, tôi quyết định “dấn thân” trong lĩnh vực nông nghiệp - cũng là chuyên ngành được đào tạo tại giảng đường đại học” - anh Mư chia sẻ. Khi bắt tay vào khởi nghiệp trên lĩnh vực mình lựa chọn, chàng trai xứ Mường gặp không ít trở ngại, thách thức. Các thửa ruộng ở địa phương manh mún, người nông dân chưa quen sản xuất hàng hóa, chỉ quảng canh với cây ngô, cây sắn là chủ yếu...

“Để có đất sản xuất tập trung, tôi phải đi vận động từng hộ dân để đổi hoặc thuê đất, có những hộ bỏ ruộng hoang mà vẫn phân vân không muốn cho thuê. Phải nhiều tháng mới “thông” được tư tưởng cho họ. Cũng may là chính quyền xã tạo điều kiện khi tôi lên trình bày ý tưởng gom đất để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. UBND xã đã dùng một phần đất 5% của xã cho thuê để tôi thực hiện mô hình. Tổng cộng tôi đã có diện tích đất 1,5 ha làm mô hình nông nghiệp an toàn” - anh Phạm Văn Mư tâm sự. Được đào tạo bài bản, lại vốn xuất thân từ gia đình thuần nông, bố mẹ đều là nông dân nên anh Mư nhanh chóng thích ứng với mô hình do mình tạo lập. Nhiều cây trồng hàng hóa như ngô, mướp đắng, dưa chuột cứ thay nhau gối lứa, cho năng suất cao hơn nhiều so với canh tác truyền thống của nông dân địa phương. Khi phát triển sản xuất quy mô lớn, vấn đề đầu ra cho sản phẩm được đặt ra, khiến người thanh niên xứ Mường trăn trở. Anh vận dụng mọi mối quan hệ khi còn làm ở các cơ quan Nhà nước và bạn bè các nơi, kết nối được với một số người làm việc tại các trang trại bò sữa trên địa bàn tỉnh, nhờ họ báo với ban giám đốc về nguyện vọng muốn hợp tác trồng ngô dày làm thức ăn cho bò. Nhiều lần anh bỏ tiền thuê xe taxi đến tận các trang trại bò sữa để đặt vấn đề liên kết. Chắp nhặt từng cơ hội, cuối cùng anh đã có một số hợp đồng và tiến hành sản xuất ngô dày. Để phát triển quy mô sản xuất, năm 2015, anh đã thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Hưng Thịnh, do chính mình làm chủ nhiệm và nay là giám đốc sau khi đổi mới theo Luật HTX năm 2012. Từ nhiều năm qua, người đứng đầu HTX này đã liên kết, hỗ trợ vốn, phân bón và hướng dẫn nông dân trong vùng tận dụng đất đai trồng ngô với diện tích duy trì từ 50 đến 70 ha. Mỗi năm trồng 3 lứa ngô làm thức ăn cho bò sữa, cho thu nhập gần 120 triệu đồng/ha, lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng mỗi héc - ta. Trong mô hình 1,5 ha đất thuê lâu dài làm nông nghiệp an toàn, nhiều năm nay, ông giám đốc HTX trẻ tuổi liên tục cho luân canh mướp đắng, dưa chuột, ớt... nhưng để lấy hạt theo chương trình hợp tác sản xuất hạt giống với Công ty Tân Lộc Phát có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh. Việc sản xuất hạt giống các cây trồng nói trên cần áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật và sự tỉ mỉ, nhất là khâu thụ phấn. Ngoài 4 lao động thường xuyên và 15 lao động thời vụ đang hợp đồng lao động tại trang trại, anh đang truyền dạy các kỹ thuật cơ bản cho nông dân trong vùng để hợp tác phát triển vùng sản xuất hạt giống ra diện rộng. Không bằng lòng với những thành công hiện tại, anh Mư đang xúc tiến đấu thầu thêm đất, đào thêm ao, mở trang trại chăn nuôi. Anh cũng thành công trong việc trồng rau má sạch theo hướng sản xuất hàng hóa, đồng thời chuẩn bị mua sắm hệ thống máy sấy lạnh để sản xuất chè rau má (dạng như chè líp-tông). Ít năm gần đây, HTX dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Hưng Thịnh đều có doanh thu hơn 10 tỷ đồng, gần đây nhất là năm 2017, doanh thu của HTX đạt 12,7 tỷ đồng, cho lợi nhuận hơn 5% trong số đó.

Ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch UBND xã Thúy Sơn, cho biết: Xã chúng tôi có gần 2.500 ha đất nông nghiệp, song nhiều đời nay bà con chỉ canh tác những cây truyền thống, thu nhập không cao. Từ khi anh Phạm Văn Mư đầu tư sản xuất nông nghiệp, những tiến bộ khoa học trong nông nghiệp được áp dụng, bà con cũng được hưởng lợi từ sự liên kết, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Xã chúng tôi coi HTX dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Hưng Thịnh là điển hình phát triển kinh tế. Những năm gần đây, xã tiếp tục tạo điều kiện về đất đai để khuyến khích tinh thần khởi nghiệp ấy.


Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]