(Baothanhhoa.vn) - Tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam; từng có thời gian hơn 1 năm sang Nhật làm thực tập sinh trong lĩnh vực nông nghiệp và sau đó trở về nước, chính thức được làm việc cho một công ty của Nhật chuyên về nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam với mức lương hấp dẫn. Tưởng chừng chàng thanh niên Ngô Hữu Sáu (thôn Mậu Đông, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương) sẽ yên vị với công việc mà biết bao người mơ ước, nhưng chính tình yêu với mảnh đất quê hương, với nông nghiệp sạch và những khát khao của tuổi trẻ đã đưa cuộc đời Sáu rẽ sang một hướng hoàn toàn khác.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chàng trai 9x “mê” làm nông nghiệp sạch

Chàng trai 9x “mê” làm nông nghiệp sạch

Chàng trai 9x Ngô Hữu Sáu giới thiệu với khách sản phẩm đậu cô ve nuôi trồng trong nhà lưới.

Tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam; từng có thời gian hơn 1 năm sang Nhật làm thực tập sinh trong lĩnh vực nông nghiệp và sau đó trở về nước, chính thức được làm việc cho một công ty của Nhật chuyên về nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam với mức lương hấp dẫn. Tưởng chừng chàng thanh niên Ngô Hữu Sáu (thôn Mậu Đông, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương) sẽ yên vị với công việc mà biết bao người mơ ước, nhưng chính tình yêu với mảnh đất quê hương, với nông nghiệp sạch và những khát khao của tuổi trẻ đã đưa cuộc đời Sáu rẽ sang một hướng hoàn toàn khác.

Khi nghe Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu giới thiệu về Ngô Hữu Sáu – Giám đốc HTX rau an toàn Quảng Lưu với tư cách là một trong những nhân tố tiêu biểu, góp phần thúc đẩy nhanh, hiệu quả quá trình tích tụ ruộng đất, hình thành vùng trồng rau tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, phát triển kinh tế địa phương, tăng thu nhập cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân, không ai trong số chúng tôi hình dung được rằng Ngô Hữu Sáu chỉ là chàng trai trẻ 9x. Danh xưng “Giám đốc HTX nông nghiệp”, dù thế nào đi nữa, cũng khó lòng dẫn dắt người ta liên tưởng đến hình ảnh những chàng trai, cô gái tuổi mới đôi mươi. Bởi vậy mà khi gặp Sáu tại khu nhà lưới, ai ai cũng cảm thấy ngỡ ngàng. Nhìn chàng thanh niên sinh năm 1994 với thân hình rắn rỏi, tay chân lấm đầy đất cát đang cặm cụi bên từng gốc cây hành lá, có lúc cao hứng lại ngửa mặt lên ngó dàn đậu cô ve lúc lỉu quả ngay trên đầu bỗng như thấy được luồng sinh khí mới cùng sự năng động, nhiệt huyết đã thổi bừng lên sức sống cho cái khái niệm HTX vốn đã cũ mèm.

Khi được hỏi về lý do chấp nhận bỏ một công việc với điều kiện làm việc tốt, lương tương đối cao để về quê làm nông nghiệp, Sáu không mất quá nhiều thời gian suy nghĩ mà trả lời rất quả quyết: “Từ khi còn rất nhỏ mình đã có một niềm yêu thích rất đặc biệt với các hoạt động nông nghiệp và luôn mơ ước xây dựng được cho riêng mình một mô hình phát triển nông nghiệp, được làm giàu trên niềm đam mê. Và cứ như thế, mỗi bước đi của mình đều là một bước chuẩn bị cho niềm đam mê ấy”. Quãng thời gian sang Nhật hơn 1 năm với tư cách là thực tập sinh trong lĩnh vực nông nghiệp được xem là bước ngoặt quan trọng, tạo nên nhiều thay đổi cả về “chất” và “lượng” cho niềm đam mê vốn đã bám rễ sâu trong lòng chàng trai trẻ. Tận mắt chứng kiến sự thành công của nông nghiệp Nhật Bản, Sáu luôn trăn trở tự hỏi: “Tại sao họ có nền nông nghiệp phát triển như thế? Thậm chí, người nông dân ở đó rất giàu và có thể thuê rất nhiều người có trình độ để làm việc cho họ?”. Ngay cả khi đã về nước, công tác tại một công ty của Nhật chuyên về nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam, cậu vẫn chưa một lần thôi nghĩ về điều đó. Chính những điều trăn trở như thế đã thôi thúc Sáu bắt tay vào hành động, nỗ lực biến ước mơ thành hiện thực. Vừa hoàn thành công việc ở công ty ngoài Hà Nội, tận dụng những ngày nghỉ lễ hay những khoảng thời gian công việc bớt bận rộn, Sáu và một vài người bạn có cùng chí hướng lại trở về Thanh Hoá nhằm mục đích khảo sát thổ nhưỡng và các điều kiện khác phù hợp để xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao. Bất kể mưa nắng, bất kể có những vùng đất cứ đến rồi đi mà chẳng thu nhận được tín hiệu nào khả quan, nhóm bạn trẻ vẫn mải miết lang thang suốt dọc dài tỉnh Thanh với một niềm đam mê cố hữu. Sau một thời gian dài khảo sát, Sáu và bạn bè quyết định chọn xã Quảng Lưu làm nơi khởi nghiệp. Đối với Sáu, Quảng Lưu không phải là nơi sinh ra và lớn lên nhưng là mảnh đất có thể dung dưỡng cho ước mơ của cậu có điều kiện gieo trồng, đơm hoa, kết trái ngọt. Khi đã lựa chọn được địa điểm lý tưởng, Sáu bắt đầu bắt tay vào tìm hiểu tập quán sản xuất của bà con trong vùng, thử nghiệm giống, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ bao tiêu... Tuy nhiên, thời điểm đó, những nỗ lực của Sáu không thu lại được kết quả như mong đợi bởi bà con vẫn chưa thể thích nghi được với hình thức canh tác sản xuất mới, năng suất cây trồng thấp, sản lượng không đáp ứng đủ nhu cầu bao tiêu... Thất bại không khiến Sáu nản lòng mà càng khơi dậy trong lòng chàng trai trẻ ý chí quyết tâm đến cùng. Năm 2018, Sáu chính thức nghỉ việc ở Hà Nội, háo hức trở về Thanh Hóa, xây dựng mô hình HTX rau an toàn tại xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương với 7 thành viên, hoạt động độc lập như một doanh nghiệp. Đặc biệt, 100% nguồn nhân sự làm việc trong HTX đều là những chàng trai, cô gái ở độ tuổi 9x năng động, nhiệt huyết, cùng chung đam mê, mục đích, lý tưởng, được đào tạo bài bản.

“Bất kỳ một sự khởi đầu nào mà chẳng có khó khăn, thử thách, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp” – Sáu nói. Khi xây dựng, thành lập HTX, Sáu phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ cuộc sống, gia đình cho đến công việc. Sáu chia sẻ: “Thời điểm mình bỏ việc ngoài Hà Nội về quê, gia đình mình hoàn toàn không đồng ý. Lập nghiệp nơi đất khách quê người, các mối quan hệ xã hội còn hạn chế trong khi đó mình cũng vừa mới lập gia đình và chuẩn bị chào đón đứa con đầu lòng, tài chính không lấy gì làm dư dả”. Ngoài niềm đam mê, động lực duy nhất giúp Sáu đứng vững, kiên định với ước mơ chính là sự đồng hành, thấu hiểu, cảm thông của người vợ trẻ và sự quan tâm ủng hộ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương. Để rồi, vượt qua giai đoạn gian nan, muôn vàn khó khăn trong quá trình quản lý, điều hành HTX, tháng 10–2018, Sáu chủ động xây dựng bộ thương hiệu sản phẩm, tích tụ ruộng đất, đầu tư xây dựng nhà lưới với tổng diện tích khoảng 7.000m2. Từ tháng 10 đến tháng 3 dương lịch, HTX chủ yếu trồng rau an toàn, sản lượng khoảng 30 tấn/năm, thu nhập bình quân khoảng 300 triệu đồng/năm. Từ tháng 3 dương lịch trở đi, thuận theo điều kiện thời tiết, HTX chuyển sang trồng hành lá xuất khẩu, sản lượng đạt khoảng 20 tấn/1,5 ha. Ngoài 6 nhân công chính thường xuyên làm việc, vào vụ mùa thu hoạch, HTX rau an toàn Quảng Lưu tập trung khoảng 50 – 60 nhân công lao động thời vụ với mức lương 3 đến 4 triệu đồng/tháng. Đến thời điểm hiện tại, sản phẩm nông nghiệp của HTX rau an toàn Quảng Lưu đã phần nào tìm được chỗ đứng trên thị trường không chỉ trong nước mà còn vươn ra các thị trường xuất khẩu tiềm năng, được khách hàng tin tưởng, ủng hộ. Đặc biệt, HTX đã xây dựng được cơ sở nghiên cứu và sản xuất riêng. Nói về những dự định trong tương lai, Sáu bật mí: “HTX sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất theo hướng tập trung quy mô lớn, chuyên canh sản phẩm, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm hướng tới mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng...”.

“Việc hướng tới nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng cao cần có thời gian, không thể ngày một ngày hai mà nói thành công ngay được. Bởi, nó là một quá trình để người sản xuất có đủ điều kiện hướng tới và người tiêu dùng đủ hiểu để có thể tự đưa ra lựa chọn sản phẩm cho chính họ”. Đó là quan điểm của Sáu về nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng cao. Chính nhận thức đúng đắn cùng với nhiệt huyết và lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm với nghề sẽ là bước đệm vững chắc để những người trẻ gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực nông nghiệp, đưa nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.

Hương Thảo


Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]