(Baothanhhoa.vn) - Sau một thời gian dài giá thịt lợn hơi “lao dốc” thì từ đầu tháng 4-2018 đến nay, giá thịt lợn hơi có chiều hướng tăng mạnh, từ 32 nghìn đồng/kg lên 40 nghìn đồng/kg thời điểm cuối tháng 5 và đến thời điểm đầu tháng 8-2018 lên hơn 50 nghìn đồng/kg.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cẩn trọng khi tái đàn trong chăn nuôi lợn

Sau một thời gian dài giá thịt lợn hơi “lao dốc” thì từ đầu tháng 4-2018 đến nay, giá thịt lợn hơi có chiều hướng tăng mạnh, từ 32 nghìn đồng/kg lên 40 nghìn đồng/kg thời điểm cuối tháng 5 và đến thời điểm đầu tháng 8-2018 lên hơn 50 nghìn đồng/kg.

Giá lợn tăng cao, nhiều người dân tập trung tái đàn.

Với giá bán này người chăn nuôi lợn có lãi khá, trung bình mỗi con lợn 100 kg, người dân đã có lãi từ 800 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng. Giá lợn giống cũng tăng cao, dao động từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/con tùy loại. Trang trại của ông Nguyễn Văn Kháng ở xã Tế Lợi (Nông Cống) có quy mô chăn nuôi 100 lợn nái và 500 con lợn thịt. Khi giá lợn hơi tăng, ông Kháng đã quyết định xây thêm 4 ô chuồng để giãn đàn lợn có trọng lượng 40 - 45 kg/con đang khá chật ở các ô chuồng cũ. Đồng thời, tiếp tục nhập thêm 50 con lợn nái để nâng tổng đàn, mở rộng chăn nuôi. Ông Kháng cho biết: Đối với người chăn nuôi chúng tôi, con lợn là hướng đi chính để phát triển kinh tế. Vì vậy, khi giá lợn lên phải nhập đàn nhanh để có cơ hội thu lãi bù vào lứa lợn đã lỗ trước đây.

Xã Tế Lợi là địa phương có phong trào chăn nuôi lợn phát triển nhất của huyện Nông Cống. Vào giai đoạn cao điểm (giữa năm 2016), tổng đàn lợn của xã đạt hơn 15.000 con. Có nhiều hộ nuôi lợn quy mô từ 100 đến hơn 500 con lợn thịt/lứa (chưa kể lợn nái). Trong giai đoạn giá lợn xuống thấp, đàn lợn của xã giảm đến 70%.

Tuy nhiên, sau khi giá lợn hơi tăng, người chăn nuôi cũng gần như ngay lập tức tăng đàn. Một số hộ hiện đang đầu tư xây dựng thêm cả chuồng mới để nhập lợn về nuôi... Chỉ trong thời gian ngắn đàn lợn của Tế Lợi đã tăng gần 2.000 con so với cách đây 2 tháng. Với tốc độ tăng như hiện nay, khả năng đàn lợn của xã chỉ mấy tháng nữa sẽ đạt ngưỡng như thời gian cao điểm. Ngoài ra, tại các địa phương khác trong tỉnh người dân bắt đầu quay trở lại phát triển chăn nuôi lợn khi giá lợn hơi tăng lên.

Trong những năm qua, ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển khá mạnh, nhất là chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, từ cuối năm 2016, giá lợn giảm sâu trong khoảng thời gian dài, gây thua lỗ và khó khăn về tài chính cho người chăn nuôi. Hầu hết các trang trại, gia trại đều giảm quy mô chăn nuôi để duy trì sản xuất hoặc chuyển đổi đối tượng nuôi; một số tạm ngừng tái đàn, để trống chuồng hoặc chuyển đổi sản xuất ngành nghề khác có thu nhập cao hơn. Do đó, đến đầu năm 2018, tổng đàn lợn thịt và lợn nái trên địa bàn tỉnh đã giảm hơn 40% so với đầu năm 2016. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá lợn tăng nhanh, tính đến 31-7, tổng đàn lợn ở Thanh Hóa đã tăng thêm 10% so với đầu năm 2018, tương đương với gần 60 nghìn con lợn. Theo dự báo, con số này còn tiếp tục tăng trong thời gian tới do việc tái đàn của nhiều hộ dân. Nếu việc tái đàn không kiểm soát nguy cơ chênh lệch cung cầu sẽ xảy ra và lúc đó giá lợn sẽ dễ giảm trở lại.

Theo các chuyên gia, hiện tượng giá lợn tăng là kết quả của việc thực hiện các chính sách giảm cung và tăng cầu. Để tránh tình trạng “đua nhau” tái đàn dẫn đến mất cân đối cung - cầu, ngành nông nghiệp khuyến cáo người chăn nuôi tiếp tục thận trọng trong việc tái đàn, tránh tình trạng tái đàn ồ ạt, cung vượt quá cầu dẫn đến dẫm lên vết xe đổ của những năm trước. Trước mắt, bà con cần tiếp tục áp dụng các biện pháp giảm chi phí chăn nuôi như lựa chọn con giống tốt, bổ sung nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có như ngô, khoai, rau... để hạ chi phí sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là sử dụng đầy đủ các loại vắc-xin, tiêu độc, khử trùng chuồng trại để bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi. Đối với vật nuôi tái đàn, phải bảo đảm nhập giống rõ nguồn gốc, xuất xứ, có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Khi nhập giống bổ sung cần nuôi cách ly 2-3 tuần để theo dõi bệnh, bảo đảm giống khỏe mạnh mới cho nhập đàn. Cần phát triển đàn lợn theo hướng nâng cao chất lượng, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAHP, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi. Ngoài ra, người chăn nuôi cần thường xuyên theo dõi giá cả, nắm bắt nhu cầu của thị trường; thực hiện chăn nuôi liên kết, hợp tác theo chuỗi để có thể hạ giá thành sản phẩm, phát triển ổn định, bền vững, tránh tình trạng cung vượt quá cầu, giá lợn giảm sâu như những năm trước.


Bài và ảnh: Minh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]