(Baothanhhoa.vn) - Dù chỉ mới xuất hiện khoảng gần chục năm trở lại đây, nhưng nghề nuôi chim yến đã phát triển khá mạnh tại nhiều địa phương trong tỉnh. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, nghề nuôi chim yến cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và tác động xấu đến môi trường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cần quy hoạch để phát triển nghề nuôi chim yến bền vững

Dù chỉ mới xuất hiện khoảng gần chục năm trở lại đây, nhưng nghề nuôi chim yến đã phát triển khá mạnh tại nhiều địa phương trong tỉnh. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, nghề nuôi chim yến cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và tác động xấu đến môi trường.

Mô hình nuôi chim yến thành công ở xã Hưng Lộc (Hậu Lộc).

Là một trong những hộ đầu tiên nuôi chim yến tại xã Quảng Vinh (TP Sầm Sơn), anh Nguyễn Văn Hòa đã cải tạo ngôi nhà 3 tầng của mình trước đây dùng để phục vụ kinh doanh hàng tạp hóa sang nuôi chim yến. Với điều kiện thuận lợi là gia đình có người làm nghề nuôi chim yến trong tỉnh Bình Định, anh Hòa đã chủ động học hỏi kinh nghiệm, lắp đặt thiết bị máy móc để dụ yến tới làm tổ. Chỉ trong thời gian ngắn, yến đã bay về tụ tập quanh khu vực nhà anh. Kể về những ngày đầu tiên “bắt tay” vào nghề nuôi chim yến, anh chia sẻ: Tôi thất bại mất 4 năm đầu sau đó mới thu được kết quả. Nuôi chim yến khó nhất là khâu dẫn dụ, kế đến là tạo ra môi trường thoáng mát, sạch sẽ, yên tĩnh, ít người lui tới. Vật liệu làm tổ cho chim phải mềm, không có mùi vị khác thường vì nếu có mùi lạ chim yến sẽ không về làm tổ nữa. Hiện gia đình anh Hòa có khoảng 90m2 nhà cao tầng dùng để nuôi hàng nghìn con chim yến. Nếu thời tiết ủng hộ, thu hoạch có năm lên tới 30 kg tổ yến; với giá bán 30 triệu đồng/kg, mỗi năm gia đình anh thu gần 1 tỷ đồng.

Được biết, nghề nuôi chim yến tại xã Quảng Vinh hiện nay đều do người dân tự phát hiện, đi học tập kinh nghiệm tại các tỉnh và về tìm tòi áp dụng. Từ một hộ nuôi chim yến đầu tiên vào thời điểm cách đây khoảng chục năm, đến nay toàn xã đã có trên dưới 30 hộ tham gia đầu tư nuôi chim yến. Nhiều hộ trong số đó nhờ vào nghề này đã phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, mở rộng thêm quy mô. Từ thực tế ở xã Quảng Vinh, nghề nuôi chim yến đang dần phát triển ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh.

Theo khảo sát của Trung tâm Thông tin khoa học công nghệ và Dịch thuật Thanh Hóa, nghề nuôi chim yến bắt đầu du nhập vào Thanh Hóa từ năm 2007. Các hộ nuôi yến chủ yếu tận dụng tầng 2, tầng 3 của nhà ở cải tạo làm nhà nuôi chim, tập trung nhiều nhất là ở huyện Quảng Xương và TP Sầm Sơn. Ngoài ra có một số hộ gia đình ở TP Thanh Hóa, các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Đông Sơn đã và đang đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để dụ chim yến đến sinh sống.

Nghề nuôi chim yến trong nhà mới chỉ xuất hiện chưa lâu nhưng với giá trị kinh tế mang lại rất cao nên đã và đang trở thành xu hướng phát triển kinh tế mà các hộ dân cũng như địa phương quan tâm. Tuy nhiên, nghề nuôi chim yến ở Thanh Hóa cũng đã và đang gặp những khó khăn, thử thách, đó là: Chim yến là loài động vật sinh sống ở những vùng khí hậu nóng, nhiệt độ thích hợp dao động từ 28 - 30 độ C. Vì vậy, vào mùa đông, chim yến của các hộ nuôi ở tỉnh ta thường bị chết hoặc di cư đi nơi khác. Kỹ thuật nuôi chim yến đơn giản nhưng cần tính chính xác cao. Tuy nhiên, hiện nay, các hộ gia đình nuôi chim vẫn dựa vào kinh nghiệm là chủ yếu. Tổ yến thành phẩm có giá trị kinh tế tương đối lớn, chỉ phù hợp với mức thu nhập của một bộ phận nhỏ dân cư nên chưa tìm được đầu ra ổn định. Mặt khác, số lượng sản phẩm thu được chưa nhiều nên chưa thể chế biến ra nhiều sản phẩm khác nhau; cũng chưa có tổ chức, cá nhân nào đứng ra thực hiện việc phân tích, đánh giá chất lượng tổ yến ở Thanh Hóa so với tổ yến của các nơi khác hay quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Do đó, sản phẩm tổ yến của Thanh Hóa chưa có tên tuổi, thương hiệu trên thị trường. Cùng với đó, hiện nay tỉnh Thanh Hóa chưa có kế hoạch phát triển lâu dài mô hình này, việc cập nhật, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật nuôi chim yến cũng chưa được thực hiện; đa phần hộ dân nuôi một cách tự phát, tự mày mò học hỏi kinh nghiệm của nhau, chưa phát huy hết hiệu quả, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường.

Để nghề nuôi chim yến trở thành một mô hình phát triển kinh tế bền vững, không gây ra những hệ lụy xấu, nên chăng, tỉnh cần sớm quy hoạch vùng/khu nuôi yến để tránh việc phát triển một cách tự phát. Đồng thời, có kế hoạch nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nuôi chim yến trong nhà cho bà con nông dân để nâng cao hiệu quả kinh tế.


Bài và ảnh: Minh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]