(Baothanhhoa.vn) - Xây dựng các công trình hạ tầng xã hội tại các khu, cụm công nghiệp (CCN) sẽ tạo một nơi “an cư, lạc nghiệp” cho người lao động, song vấn đề này hiện chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi nguồn ngân sách Nhà nước hạn hẹp thì các nhà đầu tư cũng chưa mặn mà với các hạng mục này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cần quan tâm đầu tư hạ tầng xã hội tại các khu, cụm công nghiệp

Xây dựng các công trình hạ tầng xã hội tại các khu, cụm công nghiệp (CCN) sẽ tạo một nơi “an cư, lạc nghiệp” cho người lao động, song vấn đề này hiện chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi nguồn ngân sách Nhà nước hạn hẹp thì các nhà đầu tư cũng chưa mặn mà với các hạng mục này.

Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội sẽ tạo điều kiện ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH MTV X20 Thanh Hóa - Khu Công nghiệp Đình Hương, Tây Bắc ga trong ca sản xuất.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã được quy hoạch phát triển 8 khu công nghiệp (KCN) với diện tích 1.202 ha. Bên cạnh đó, tỉnh ta cũng đã quy hoạch 70 CCN với tổng diện tích là 2.133 ha. Các khu, CCN đã thu hút được hàng trăm dự án sản xuất, kinh doanh, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo nhiều việc làm cho người lao động. Tuy có những khó khăn, nhưng hạ tầng kỹ thuật của các khu, CCN bước đầu đã được quan tâm đầu tư xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong 8 KCN đã được phê duyệt, có 4 KCN đã được đầu tư kết cấu hạ tầng tương đối đầy đủ, đồng bộ và đi vào hoạt động là: KCN Lễ Môn, KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga, KCN Hoàng Long, KCN Bỉm Sơn. Hiện nay, tỉnh ta đang kêu gọi, thúc đẩy quá trình đầu tư kết cấu hạ tầng các KCN Lam Sơn - Sao Vàng, KCN Thạch Quảng, KCN Bãi Trành, KCN Ngọc Lặc. Công tác thu hút đầu tư vào các CCN cũng đang được các địa phương quan tâm nhằm khai thác những tiềm năng sẵn có của địa phương về nguồn nguyên liệu tại chỗ, lực lượng lao động dồi dào.

Tuy nhiên, các công trình hạ tầng xã hội như: Nhà ở cho người lao động, công trình thương mại, dịch vụ, thiết chế văn hóa, thể thao, cơ sở đào tạo nghề, y tế, giáo dục cho người lao động hầu như chưa được chú trọng đầu tư xây dựng. Theo báo cáo của Sở Công Thương, hầu hết người lao động tại các khu, CCN đang sử dụng các cơ sở hạ tầng xã hội chung với khu dân cư ở các khu vực lân cận. Cụ thể, các cơ sở hạ tầng xã hội nằm ở địa bàn các địa phương gần KCN, như: KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga có 7 chợ, 5 cửa hàng xăng dầu; KCN Lễ Môn có 4 chợ, 1 siêu thị, 2 cửa hàng xăng dầu; KCN Lam Sơn - Sao Vàng có 2 chợ, 3 cửa hàng xăng dầu, KCN Bỉm Sơn có 1 chợ, 2 cửa hàng xăng dầu, KCN Hoàng Long có 3 chợ, 4 cửa hàng xăng dầu, KCN Thạch Quảng có 1 chợ, 2 cửa hàng xăng dầu, KCN Bãi Trành có 1 chợ, 2 cửa hàng xăng dầu, KCN Ngọc Lặc có 1 chợ, 1 cửa hàng xăng dầu. Ngoài các dịch vụ chính như trên, tại các KCN, CCN còn có hệ thống các cửa hàng bán lẻ tạp hóa của các hộ cá thể trên địa bàn...

Bức xúc nhất trong vấn đề hạ tầng xã hội đối với người lao động là nhà ở. Điển hình như tại KCN Lễ Môn, đây là KCN đầu tiên được hình thành trên địa bàn TP Thanh Hóa với tổng diện tích 87,61 ha, trong đó đất công nghiệp cho thuê là 61,85 ha. Đến nay, hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại KCN này đã cơ bản được chủ đầu tư hoàn thiện. Theo thống kê, KCN Lễ Môn hiện có 31 dự án đầu tư (trong đó có 1 dự án đầu tư hạ tầng của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển hạ tầng Thanh Hóa và 30 dự án đầu tư thứ cấp). Tổng số lao động làm việc trong các nhà máy ở KCN là hơn 33.000 người. Ước tính, nếu có khoảng 70% số công nhân làm việc xa nhà phải thuê trọ thì lượng nhà ở đáp ứng được cho nhu cầu của hơn 20.000 công nhân là rất khó khăn. Không những vậy, chất lượng nhà trọ ở khu vực này rất thấp, cơ sở vật chất tạm bợ, điều kiện vệ sinh môi trường chưa bảo đảm, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người lao động.

Chính sự thiếu quan tâm đầu tư các cơ sở hạ tầng xã hội khiến người lao động tại các khu, CCN phải sống trong những khu nhà trọ không bảo đảm chất lượng. Các dịch vụ điện, nước bị chủ nhà trọ thu với giá cao. Bên cạnh đó, tại các khu, CCN trên địa bàn tỉnh phát sinh các tụ điểm kinh doanh tự phát hoạt động theo giờ để phục vụ nhu cầu của công nhân. Các tụ điểm này hoạt động tại cổng các nhà máy, cổng KCN trên tuyến đường, vỉa hè gây mất an toàn giao thông, an ninh trật tự, cũng như khó khăn trong kiểm soát công tác an toàn thực phẩm và chất lượng hàng hóa. Mặc dù các lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương đã vào cuộc nhưng các tụ điểm này khó có thể xử lý, giải quyết một cách triệt để.

Với mức thu nhập còn thấp, trong khi đó giá cả hàng hóa dịch vụ tăng nhanh nên đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp mới chỉ chú trọng tập trung cho sản xuất, rất ít quan tâm đến nhu cầu sinh hoạt, giải trí cho người lao động. Các công trình, hạng mục cải thiện điều kiện việc làm, chăm sóc sức khỏe và tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho công nhân chưa được đầu tư nhiều. Cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của công nhân, lao động cũng còn rất ít.

Với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, người lao động tập trung về các khu, CCN tất yếu sẽ có xu hướng gia tăng. Để nâng cao hơn nữa đời sống của công nhân, lao động - bộ phận quan trọng trực tiếp tham gia sản xuất, Nhà nước cần có chính sách cụ thể về trách nhiệm đầu tư, hỗ trợ vay vốn cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ, công trình phúc lợi cho người lao động trong các khu, CCN. Khi đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân phải quan tâm đến nhu cầu của công nhân, có tính đến các điều kiện mang tính khả thi như giá cả, diện tích, bảo đảm hài hòa lợi ích công nhân, nhà đầu tư và phát huy hiệu quả công trình. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư các thiết chế văn hóa để nâng cao chất lượng đời sống, tinh thần cho công nhân, lao động tại các khu, CCN.


Bài và ảnh: Tùng Lâm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]