(Baothanhhoa.vn) - Là sản phẩm truyền thống đặc trưng của địa phương từ hàng trăm năm qua, nhưng đến nay, nước mắm Sầm Sơn vẫn khá gian nan trên hành trình xây dựng thương hiệu và khẳng định vị thế trong lòng người tiêu dùng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cần một “cú hích” cho nước mắm Sầm Sơn

Cần một “cú hích” cho nước mắm Sầm Sơn

Cơ sở sản xuất nước mắm Vích Phương của hộ gia đình ông Hoàng Thăng Vích, tại phường Trung Sơn (TP Sầm Sơn).

Là sản phẩm truyền thống đặc trưng của địa phương từ hàng trăm năm qua, nhưng đến nay, nước mắm Sầm Sơn vẫn khá gian nan trên hành trình xây dựng thương hiệu và khẳng định vị thế trong lòng người tiêu dùng.

Khi tiềm năng chưa được đánh thức

Sầm Sơn từ bao đời nay đã có nghề làm nước mắm. Làm nước mắm chưa hẳn là để bán mà đơn giản là để phục vụ cho đời sống gia đình và để biếu, để tặng nhau. Nhưng có lẽ, từ chỗ ấy, dần dần, nước mắm trở thành hàng hóa đặc sản mà mỗi du khách khi đến với Sầm Sơn.

Từ những nguồn nguyên liệu thủy hải sản trù phú, người dân Sầm Sơn đã biết chế biến thành sản phẩm nước mắm dân dã mà nức tiếng một vùng. Cùng với nghề đi biển, nghề làm nước mắm đã trở thành sinh kế chính của hàng trăm hộ dân dọc miền biển này, từ các làng chài ven biển thuộc các phường Quảng Cư, Quảng Tiến, Trường Sơn, Bắc Sơn, Trung Sơn... Nhiều cụ cao niên vùng ven biển này kể lại rằng, trước đây, khi du lịch chưa phát triển như bây giờ, nước mắm sản xuất ra, phần được bán lấy tiền, phần được dùng để đổi lấy thực phẩm và dùng để phục vụ cho nhu cầu của gia đình. Hồi đó, để những giọt nước mắm thơm ngọt của mình được nhiều người biết đến, các bà, các mẹ đã phải gánh nước mắm băng bộ hàng chục cây số và gõ cửa từng nhà để mời chào. Đến nay, hình ảnh đó vẫn còn hằn sâu trong ký ức những người dân nơi đây.

Những năm về sau, sự xuất hiện ồ ạt của nước mắm công nghiệp khiến nước mắm truyền thống ở Sầm Sơn bị “lép vế”, nhiều hộ gia đình cũng từ đó mà chẳng còn mặn mà với nghề. Bên cạnh đó, khi công nghiệp – du lịch – dịch vụ bắt đầu lan tỏa đến vùng ven biển này, nhiều người đã bỏ nghề làm nước mắm đã từng gắn bó từ thời ông cha để tìm một hướng đi mới. Nghề làm nước mắm dần bị thu hẹp. Những năm gần đây, khi người dân không mặn mà với nước mắm công nghiệp và trở về với nước mắm truyền thống, nghề làm nước mắm ở Sầm Sơn mới dần được khôi phục và có cơ hội để vực dậy. Sự thay đổi trong phương pháp chế biến, đóng gói bao bì... và hướng tiếp cận thị trường đã giúp nước mắm Sầm Sơn dần lấy lại vị thế. Đặc biệt, từ khoảng năm 2014 – 2015 đến nay, khi du lịch biển phát triển mạnh, người sản xuất nước mắm ở Sầm Sơn không còn phải “gõ cửa” từng nơi để tìm kiếm thị trường và giới thiệu sản phẩm mà nước mắm sản xuất ra chủ yếu dùng để phục vụ khách du lịch. Nước mắm Sầm Sơn cũng từ đây mà có cơ hội theo chân khách du lịch đi đến nhiều vùng đất mới và được ưa chuộng. Bà Trịnh Thị Yến, ở khu phố Trung Thịnh - một trong những hộ sản xuất nước mắm với quy mô lớn nhất phường Quảng Tiến, chia sẻ: “Ở đây, hộ nào ít thì làm vài chum để lấy nước mắm dùng quanh năm, hộ nhiều thì vài chục chum, làm để ăn và để bán. Chúng tôi làm nước mắm gối vụ, vụ cá Nam thì từ tháng giêng đến tháng 3, vụ Bắc từ tháng 8 đến tháng 11 (âm lịch), nên quanh năm không lo thiếu nước mắm cung ứng ra thị trường”.

Dù nghề làm nước mắm là nghề truyền thống, đã xuất hiện từ cách đây hàng trăm năm và đến nay, nước mắm Sầm Sơn có nhiều cơ hội để khẳng định chất lượng và thương hiệu, tuy nhiên, số lao động gắn bó với nghề này không nhiều. Được biết, hiện nay, trên toàn TP Sầm Sơn có khoảng 100 hộ sản xuất và kinh doanh nước mắm (trong đó có khoảng 30 hộ chuyên sản xuất), tập trung chủ yếu tại phường Quảng Tiến và phường Trung Sơn. Tính riêng số lao động gắn bó với nghề sản xuất nước mắm chỉ khoảng hơn 100 người.

Cần tạo một sức bật

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay bình quân mỗi năm, các cơ sở sản xuất ở TP Sầm Sơn bán ra thị trường khoảng 4 triệu lít nước mắm. Và bằng nhiều phương thức khác nhau, nước mắm Sầm Sơn đã tiếp cận được với các thị trường như: Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Giang... Theo các hộ sản xuất, ngoài nguồn nguyên liệu tại chỗ, người dân cũng sử dụng thêm nguồn hải sản khai thác từ các huyện Tĩnh Gia, Hậu Lộc... để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, ông Hoàng Thăng Vích, Chủ tịch Hội Hải sản Sầm Sơn cho biết: “Hiện nay, đa số các hộ dân làm nghề sản xuất nước mắm Sầm Sơn vẫn sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết và hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên năng lực cạnh tranh vẫn còn thấp”. Được biết, gia đình ông Hoàng Thăng Vích, trú tại phường Trung Sơn là hộ dân có quy mô sản xuất nước mắm lớn nhất ở TP Sầm Sơn, khi mỗi năm sản xuất ra từ 60 nghìn đến 70 nghìn lít nước mắm, mang lại thu nhập ổn định khoảng 1 tỉ đồng/năm và tạo việc làm cho 8 lao động với thu nhập bình quân từ 6,5 triệu đến 9 triệu đồng/người/tháng. Trong nhiều năm qua, sản phẩm nước mắm của gia đình ông được tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu do Hội Nông dân Việt Nam bình chọn. Tuy nhiên, số hộ sản xuất quy mô lớn như gia đình ông Vích tại đây chỉ là một con số rất ít.

Tháng 4-2017, Hội Chế biến nước mắm Sầm Sơn được thành lập với sự tham gia của 26 thành viên, đến tháng 7-2019, hội được đổi tên thành Hội Hải sản Sầm Sơn và tháng 6–2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tiếp nhận hồ sơ Cấp giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể nước mắm, mực câu Sầm Sơn. Hiện tại, nước mắm Sầm Sơn đã có lôgô nhãn hiệu hàng hóa, mã vạch, chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể nước mắm và mực câu Sầm Sơn. Đây là một bước tiến mới trong việc nỗ lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của những người dân đã bám trụ với nghề sản xuất nước mắm ở thành phố biển này từ hàng trăm năm nay.

Dù đã có nhiều khởi sắc trong thời gian qua nhưng thực tế cho thấy nước mắm Sầm Sơn vẫn chưa thể so sánh với sản phẩm của các làng nghề mắm khác của tỉnh, như nước mắm Do Xuyên - Ba Làng (Tĩnh Gia), nước mắm Quỳnh Phụ (Hoằng Hóa)... Trong khi nhiều sản phẩm làng nghề nước mắm trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được thương hiệu, vươn ra được thị trường vùng, quốc gia thì sản phẩm nước mắm Sầm Sơn vẫn chật vật trong việc tìm đường lan tỏa đến người tiêu dùng.

Ông Vũ Đình Chinh, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP Sầm Sơn cho biết: Để tạo dựng được thương hiệu nước mắm Sầm Sơn, chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, đồng thời giữ gìn và phát triển sản phẩm nước mắm truyền thống của địa phương, UBND TP Sầm Sơn đang triển khai dự án khoa học công nghệ “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể nước mắm, mực khô Sầm Sơn cho sản phẩm nước mắm và mực câu của TP Sầm Sơn” nhằm quảng bá, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; trong đó người dân đặc biệt chú trọng đến vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm. Đến nay, dự án này đang dần mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt là việc góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nước mắm Sầm Sơn trên địa bàn.

Thiết nghĩ, để nước mắm Sầm Sơn khẳng định được vị thế trên thị trường, đồng thời tạo dựng được thương hiệu riêng, chính quyền địa phương cần nhiều hơn nữa những chính sách để hỗ trợ người dân khôi phục, gìn giữ và phát triển nghề truyền thống cũng như hành trình đưa sản phẩm đến người tiêu dùng. Đồng thời, mỗi hộ sản xuất, kinh doanh nước mắm cũng cần cải thiện quy mô, đầu tư bài bản trong công đoạn sản xuất và giới thiệu sản phẩm, đặc biệt cần chú trọng tới vấn đề chất lượng sản phẩm và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Lê Tình


Lê Tình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]