Theo dự kiến, dự thảo Luật Đơn vị hành chính-Kinh tế đặc biệt sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ năm, Khóa XIV.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Các đặc khu kinh tế được kỳ vọng là những cực tăng trưởng mới

Theo dự kiến, dự thảo Luật Đơn vị hành chính-Kinh tế đặc biệt sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ năm, Khóa XIV.

Hải sản đánh bắt được tập kết tại bến cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, để mang đi tiêu thụ. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Đây là lần đầu tiên, đạo luật được xây dựng cho ra đời chính thức 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt ở 3 miền: Vân Đồn ở tỉnh Quảng Ninh, Bắc Vân Phong thuộc tỉnh Khánh Hòa và Phú Quốc ở tỉnh Kiên Giang.

Các đặc khu này được kỳ vọng sẽ là những cực tăng trưởng mới, lan tỏa sự phát triển ra toàn nền kinh tế; đồng thời, đây cũng sẽ là nơi thí điểm những thể chế vượt trội, những chính sách ưu đãi đặc biệt, chưa từng có tiền lệ để thu hút đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc Việt Nam phát triển 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đã thể hiện sự nhất quán, quan tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đối với mô hình này.

Sức hấp dẫn

Là một trong 10 nước trên thế giới có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển (3.260km), hơn 50 cảng biển, 40 vũng, vịnh và hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, Việt Nam đang có 16 khu kinh tế ven biển, với 815.000ha tổng diện tích mặt đất và mặt nước, mỗi năm đạt tổng doanh thu khoảng 6-8 tỷ USD, đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng 500-600 triệu USD và hướng tới mục tiêu đến năm 2020, các khu kinh tế ven biển đóng góp từ 53-55% GDP quốc gia và 55-60% tổng kim ngạch xuất khẩu...

Dù đã và đang áp dụng các chính sách ưu đãi, nhưng các khu kinh tế này vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập, nhất là kinh tế biển.

Do đó, việc xây dựng đặc khu kinh tế được Đảng và Nhà nước quan tâm từ hơn 20 năm trước, trải qua nhiều lần “nâng lên đặt xuống,” hiện chủ trương này đang đi vào giai đoạn hiện thực hóa theo Kết luận số 74-KL/TW, ngày 17/10/2013 của Hội nghị Trung ương lần thứ tám (khóa XI) về thí điểm thành lập các khu hành chính-kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế) tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc thành lập các đặc khu kinh tế là quyết tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong việc thay đổi tư duy. Đó là sự thống nhất trong chỉ đạo chung, tạo dựng sân chơi mới, luật chơi mới, thể chế mới vượt trội, cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

“Qua đó, tạo nên sự tăng trưởng, tạo một nơi thu hút đầu tư trong, ngoài nước, đòng thời mang tính lan tỏa các khu vực xung quanh và toàn nền kinh tế. Đây là chủ trương có cách tiếp cận mới và có tính chủ động của Đảng, Nhà nước,” Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chia sẻ về dự thảo Luật Đơn vị hành chính-Kinh tế đặc biệt, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam đang xây dựng Luật với mong muốn tạo ra sân chơi mới với cơ chế vượt trội, thu hút đầu tư, cạnh tranh với nước ngoài trong khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế với 20 hiệp định thương mại tự do.

Ông Đông cho rằng, đây là một dự luật khó. Mặc dù, trên thế giới, đặc khu đã có từ rất lâu nhưng ở Việt Nam sân chơi mới này mới đang hình thành.

"Ba đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt này được kỳ vọng sẽ đem lại những đột phá mới trong phát triển kinh tế nhờ hàng loạt các cơ chế, chính sách đặc biệt như ngành nghề kinh doanh có điều kiện ít hơn, cho phép áp dụng pháp luật nước ngoài, thủ tục đầu tư rút gọn, các ưu đãi vượt trội áp dụng đối với các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư có dự án thuộc ngành nghề ưu tiên phát triển như ưu đãi thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư tại đặc khu còn được hưởng ưu đãi thuế xuất-nhập khẩu, miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước...,” ông Đông cho biết.

Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng tại các đặc khu bởi thể chế hành chính hiện đại, ổn định, cơ chế, chính sách ưu đãi cạnh tranh quốc tế ở mức cao nên khả năng thu hồi vốn nhanh.

Sẽ có nhiều điểm mới trong dự thảo Luật

Cơ quan soạn thảo dự thảo Luật cho biết, trước khi dự thảo Luật được đưa ra trình tại kỳ họp thứ năm Quốc hội Khóa XIV, cơ quan soạn thảo cũng đã tiếp thu, chỉnh lý, nhiều nội dung tại dự thảo Luật Đơn vị hành chính-Kinh tế đặc biệt được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp thứ tư.

Chẳng hạn, về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, hiện nay, sau khi được chỉnh lý, dự thảo Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện gồm 131 ngành, nghề, tăng 23 ngành, nghề so với Danh mục Chính phủ trình.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy đinh mở về việc áp dụng ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại các khu chức năng thuộc đặc khu để tạo cơ chế năng động, sáng tạo, linh hoạt trong quản lý, điều hành hoạt động kinh tế-xã hội và thử nghiệm chính sách tại từng đặc khu.

Bên cạnh đó, không áp dụng hạn chế điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, về đối tác Việt Nam tham gia đối với nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề ưu tiên phát triển của các đặc khu; đồng thời, cho phép lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán quốc tế đối với hợp đồng dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động có yếu tố nước ngoài giữa nhà đầu tư và tổ chức, cá nhân tại đặc khu; trong đó, có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài...

Ngoài ra, dự thảo Luật sẽ còn mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong tiếp cận đất đai, thế chấp tài sản trên đất và sở hữu nhà ở.

Theo đó, cho phép thời hạn sử dụng đất sản xuất, kinh doanh tại đặc khu tối đa là 99 năm đối với một số dự án đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Cho phép tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê tại đặc khu thuộc sở hữu của mình tại tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam để vay vốn đầu tư.

Ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, về ngân sách đặc khu, Điều 39 dự thảo Luật được chỉnh lý quy định rõ ngân sách đặc khu là một cấp ngân sách thuộc hệ thống ngân sách Nhà nước, tương đương ngân sách cấp huyện để xác định nguồn thu, nhiệm vụ chi, việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách đặc khu thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật này.

Yêu cầu sớm vận hành hiệu quả

Thực tiễn thế giới đã và đang cho thấy, mức độ thành công của một đặc khu kinh tế tùy thuộc vào địa điểm được lựa chọn xây dựng, ngoài yêu cầu về bảo đảm an ninh, quốc phòng, cần bảo đảm phát huy lợi thế riêng, thuận lợi cho quá trình giao thương, hợp tác kinh tế, du lịch và dịch vụ quốc tế.

Các đặc khu cũng được lựa chọn nằm gần những đô thị chính, các trung tâm kinh tế, dịch vụ và văn hoá, có nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, có hệ thống giao thông phát triển và cơ sở hạ tầng kỹ thuật như điện, nước sạch, thoát nước, thông tin liên lạc,... tạo lợi thế địa kinh tế cho sự hội tụ, liên kết và lan tỏa cao nhất hiệu ứng tích cực cho khu vực và toàn quốc.

Đồng thời, 3 đặc khu cần có những thể chế kinh tế và hành chính hiện đại, mang tính mở, tự do, minh bạch, linh hoạt và tự chủ cao, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư chiến lược từ bên ngoài; phát triển cơ cấu ngành nghề đa dạng, cả về chế tạo và dịch vụ; trong đó ưu tiên các ngành dịch vụ trung gian và dịch vụ hậu cần hỗ trợ kinh doanh; tiếp cận thị trường đa dạng, cả bên trong lẫn bên ngoài đặc khu, ưu tiên hướng về xuất khẩu.

Theo kết luận mới đây nhất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt tại buổi họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo, thể chế, chính sách tại các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt không trái với Hiến pháp, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia; có tính vượt trội, thông thoáng, nhất quán, ổn định lâu dài, mang tính cạnh tranh toàn cầu gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và cân bằng lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cần tiếp thu có chọn lọc các ý kiến đóng góp và giải trình chặt chẽ, thuyết phục để tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với các cơ chế, chính sách cụ thể (ưu đãi đầu tư, tài chính, ngành nghề kinh doanh...).

Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy và công tác cán bộ phải có sự chuẩn bị kỹ để bảo đảm khi Luật có hiệu lực thì hệ thống chính quyền tại các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt có thể vận hành ngay, không để khoảng trống trong quản lý Nhà nước khi Luật có hiệu lực.

Xác định rõ mô hình tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, thẩm quyền cụ thể của chính quyền đặc khu, các cơ quan quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát, thi hành án, ngoại giao, thuế, hải quan, kho bạc Nhà nước…

Xác định lợi thế so sánh trong khu vực và quốc tế; đánh giá tác động trong ngắn hạn và dài hạn; tầm nhìn mang tính chiến lược và mục tiêu của các đặc khu này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần xác định thể chế không trái với Hiến pháp, không ảnh hưởng đến vấn đề quốc phòng an ninh và chủ quyền quốc gia, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân.

Xây dựng 3 đặc khu thịnh vượng về kinh tế và công bằng xã hội; phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia; đồng thời, nhất quán-ổn định-lâu dài-có tính vượt trội nhằm giúp các nhà đầu tư yên tâm với sự cam kết của Chính phủ.

“Được chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc khu kinh tế được kỳ vọng sẽ trở thành động lực mới hấp dẫn, có thể mang lại sức tăng trưởng mới cho khu vực và cả nước,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng.


Theo TTXVN

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]