(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp khu vực miền núi được các cấp chính quyền và sở, ngành có liên quan của tỉnh quan tâm chú trọng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bất cập trong phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp khu vực miền núi

Những năm qua, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp khu vực miền núi được các cấp chính quyền và sở, ngành có liên quan của tỉnh quan tâm chú trọng.

Tuyến kênh mương được kiên cố hóa tại xã Giao Thiện, huyện Lang Chánh.

Theo đó, thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và chính sách hỗ trợ riêng của các địa phương, nhiều công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương tưới tiêu, giao thông nội đồng... khu vực miền núi đã được đầu tư xây mới, nâng cấp, tu sửa. Điều này đã và đang góp phần quan trọng vào công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thực hiện các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp ở khu vực miền núi đang gặp một số khó khăn, bất cập.

Huyện Lang Chánh có 3 hồ, 109 đập và 178 km kênh mương. Do các công trình thủy lợi trên địa bàn xây dựng từ lâu, nhiều công trình đã xuống cấp, bên cạnh đó, tỷ lệ hệ thống kênh mương được kiên cố hóa thấp, phần đa vẫn là đất, nên năng lực tưới, tiêu hạn chế, ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp. Bởi vậy, những năm qua, huyện Lang Chánh đã quan tâm, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, chính sách hỗ trợ, như: Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới... để thực hiện xây mới, tu bổ, nâng cấp các công trình thủy lợi, kiên cố hóa hệ thống kênh mương, xây dựng đường giao thông nội đồng. Điều này đã tạo chuyển biến đáng kể trong việc phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện. Mặc dù đã huy động nhiều nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng, song tỷ lệ được xây mới, nâng cấp, tu bổ vẫn còn thấp. Hiện toàn huyện mới có gần 60 km kênh mương được xây dựng kiên cố, chiếm khoảng 30%, có 1 hồ đã xuống cấp nghiêm trọng, khả năng tích nước kém, còn đập phần đa vẫn là đắp bằng đất. Nhìn vào hiện trạng trên cho thấy, việc phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Lang Chánh vẫn còn hạn chế.

Theo đồng chí Lương Văn Phúc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Lang Chánh: Việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản nông nghiệp trên địa bàn còn hạn chế, do là huyện miền núi, xuất phát điểm thấp, diện tích sản xuất nông nghiệp nhỏ hẹp, manh mún, địa hình dốc, muốn đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển nông nghiệp cần nguồn kinh phí lớn, trong khi nguồn vốn sử dụng để đầu tư chủ yếu sử dụng từ lồng ghép các chương trình, nên bị giới hạn, dẫn đến việc các công trình không được đầu tư xây dựng cũng như tu bổ, nâng cấp đồng bộ, hiệu quả đầu tư chưa cao.

Tại huyện Như Thanh, nhận thấy việc đầu tư cơ sở hạ tầng có tầm quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp, nhiều năm qua, huyện đã tập trung nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng, nâng cấp, tu bổ hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, như: Hồ, đập, trạm bơm, kênh mương, đường giao thông nội đồng, hệ thống điện... Tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, từ các nguồn vốn lồng ghép, toàn huyện đã kiên cố được 11,2 km kênh mương, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp 19 công trình thủy lợi. Nhờ quan tâm, chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đã tạo điều kiện thuận lợi để huyện phát triển được 374 gia trại, trang trại, trong đó có 16 trang trại đạt tiêu chí; đồng thời, thực hiện chuyển đổi và luân canh được 238 ha đất trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các cây khác phù hợp với nhu cầu thị trường, cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Rõ ràng, việc đầu tư cơ sở hạ tầng đã góp phần tạo chuyển biến lớn trong phát triển nông nghiệp của huyện Như Thanh. Tuy vậy việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện còn hạn chế, bởi việc đầu tư này bị chi phối bởi nhiều yếu tố, như: Trong quá trình sản xuất, thường xuyên xảy ra thiên tai, làm hư hỏng các công trình, trong khi nguồn vốn hạn chế, nên việc sửa chữa, tu bổ không được kịp thời. Đối với hạng mục kiên cố hóa hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng, do diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện chủ yếu có địa hình ruộng bậc thang, đất lẫn đá nhiều khiến cho việc xây dựng gặp khó khăn.

Tìm hiểu thêm một số địa phương ở khu vực miền núi, chúng tôi nhận thấy, hiện nay, ngoài trở ngại về vốn, địa hình, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của các địa phương hầu hết đều trông chờ, ỷ lại vào nguồn ngân sách Nhà nước, chưa có địa phương nào chủ động bố trí nguồn ngân sách hoặc huy động nguồn vốn trong dân để thực hiện, nên việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp bị động, không kịp thời. Ngoài ra, công tác quản lý hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp ở khu vực miền núi cũng gặp nhiều khó khăn do địa hình rộng, khiến việc kiểm tra, phát hiện, khắc phục những điểm hư hỏng chưa kịp thời.


Bài và ảnh: Hương Thơm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]