(Baothanhhoa.vn) - Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) luôn có hàng chục dự án được triển khai đầu tư xây dựng, trong đó nhiều dự án chậm tiến độ kéo dài bởi những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB) khiến các nhà thầu không có mặt bằng để thi công.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo đảm hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng tại Khu Kinh tế Nghi Sơn

Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) luôn có hàng chục dự án được triển khai đầu tư xây dựng, trong đó nhiều dự án chậm tiến độ kéo dài bởi những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB) khiến các nhà thầu không có mặt bằng để thi công.

Dự án đường Đông - Tây 4 đi Cảng Nghi Sơn đoạn qua xã Hải Thượng bị chậm tiến độ do vướng mắc giải phóng mặt bằng.

Công tác GPMB đã trở thành vấn đề cần giải quyết dứt điểm, do đó cần sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo tỉnh, sự chung tay vào cuộc của các sở, ngành có liên quan của tỉnh, chính quyền huyện Tĩnh Gia, Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghiệp (CKCN) tỉnh...

Dự án đường Đông - Tây 4 đi Cảng Nghi Sơn với tổng chiều dài 6,05 km, được triển khai từ tháng 10-2014, dự kiến hoàn thành sau 15 tháng thi công. Tuy nhiên, đến giữa tháng 7 này, đơn vị chịu trách nhiệm GPMB là huyện Tĩnh Gia mới bàn giao cho các nhà thầu được 5,49 km mặt bằng, 0,56 km mặt bằng còn lại thuộc khu dân cư xã Hải Thượng bị vướng mắc kéo dài. Việc thi công tuyến đường theo đó cũng bị ngưng trệ khiến cho dự án kéo dài...

Tuyến đường huyết mạch, đồng thời được coi là “xương sống” của KKTNS chính là dự án mở rộng đường từ Quốc lộ 1A đến điểm đầu đường Đông - Tây 4 dài 6,57 km, cũng chậm tiến độ do nhiều đoạn chưa hoàn thành GPMB. Riêng đoạn qua xã Mai Lâm mới bàn giao được 4,13/4,58 km; cho đến nay, các bên liên quan vẫn đang loay hoay tìm cách GPMB. Đoạn qua xã Hải Thượng, nhiều hộ dân chưa chịu nhận tiền bồi thường và chưa bàn giao mặt bằng.

Hàng chục dự án khác cũng trong tình trạng chậm tiến độ do không thể giải quyết dứt điểm công tác GPMB. Điển hình trong số đó phải kể đến Dự án đầu tư xây dựng các tuyến giao thông trục chính phía Tây KKTNS, được khởi công từ tháng 8-2015, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2018, nhưng đến nay còn quá nhiều vướng mắc, gần như hạng mục nào cũng dang dở.

Đại diện hội đồng bồi thường - hỗ trợ và tái định cư huyện Tĩnh Gia, cho biết: Các dự án qua địa bàn có nguồn gốc đất phức tạp, việc giao đất của các xã có nhiều sai phạm từ những giai đoạn trước nên gây nhiều khó khăn trong GPMB. UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan đã xem xét, thống nhất nhiều nội dung chính sách cá biệt để giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, nhất là vấn đề liên quan đến nguồn gốc đất. Tuy nhiên, sau khi ban hành quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường thì nhiều hộ dân lại không chấp hành, không chịu bàn giao mặt bằng để các nhà thầu thi công dự án.

Thời gian qua, UBND tỉnh, các sở, ngành có liên quan của tỉnh thường xuyên kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong GPMB các dự án tại KKTNS. Có những trường hợp, chỉ vướng mắc một vài chục m2 đất chưa GPMB, một vài cột điện ven đường mà cả dự án phải tạm dừng, ảnh hưởng đến tiến độ chung. Những trường hợp vướng mắc cụ thể, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành có liên quan, huyện Tĩnh Gia đã vào cuộc, phối hợp để gỡ “nút thắt”. Với các dự án liên quan đến GPMB đất và vật kiến trúc trên đất của các tổ chức, doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nước ngoài, sự vào cuộc của UBND tỉnh đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Gần đây, khi triển khai thi công các tuyến giao thông trong KKTNS đã “vướng” các vật kiến trúc như tường bao, trạm điện... của các doanh nghiệp đã được giao đất đầu tư sản xuất lâu năm.

Đơn cử như việc GPMB vật kiến trúc của Công ty Xi măng Nghi Sơn (doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Nhật Bản) và Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nghi Sơn, các đơn vị liên quan cùng vào cuộc, gặp gỡ, vận động các doanh nghiệp, đồng thời vận dụng các chính sách bồi thường vật kiến trúc hợp lý nên doanh nghiệp sẵn sàng ủng hộ GPMB. Hiện Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nghi Sơn đã bàn giao toàn bộ mặt bằng trong diện cần giải phóng; Công ty Xi măng Nghi Sơn đang chờ các hồ sơ thẩm định, phê duyệt... Với diện tích đất liên quan đến Công ty Sakura, hội đồng bồi thường - hỗ trợ và tái định cư huyện Tĩnh Gia, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tĩnh Gia cũng đã phối hợp với UBND xã Hải Thượng và các đơn vị có liên quan, lập hồ sơ thu hồi đất sau khi phía công ty đã có sự đồng thuận, nhất trí.

Đầu tháng 7-2018, Ban Quản lý KKTNS&CKCN cùng UBND huyện Tĩnh Gia đã phối hợp tổ chức hội nghị để tìm các giải pháp phối hợp trong GPMB tại KKTNS. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo nhiều xã có dự án đang triển khai nhưng chậm tiến độ do vướng mắc khâu GPMB. Các đại biểu đều đi đến thống nhất, cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa mới có thể đáp ứng được công tác GPMB, bảo đảm đẩy nhanh tiến độ các dự án tại KKTNS.

Với sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền các cấp, các sở, ngành có liên quan của tỉnh và Ban Quản lý KKTNS&CKCN, hy vọng công tác GPMB thời gian tới tại KKTNS có nhiều biến chuyển.


Bài và ảnh: Linh Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]