(Baothanhhoa.vn) - Với người nông dân, tấc đất là tấc vàng, thế nhưng trên địa bàn các huyện miền núi xứ Thanh vẫn còn hàng nghìn hộ dân đang rất cần đất để canh tác nhưng chưa thể bố trí. Giải quyết vấn đề này cũng đồng nghĩa giải quyết bài toán sinh kế, ổn định đời sống cho một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là hộ nghèo. Để đạt được mục tiêu ấy, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành chức năng và  địa phương bằng những hành động cụ thể với giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính bền vững.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tạo sinh kế bền vững cho người dân thiếu đất sản xuất ở miền núi xứ Thanh

Bài 2: Cần giải pháp đồng bộ, bền vững

Bài 2: Cần giải pháp đồng bộ, bền vững

Được thụ hưởng chính sách hỗ trợ sản xuất, người dân xã Thanh Quân (Như Xuân) đầu tư phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập. Ảnh: Xuân Minh

Với người nông dân, tấc đất là tấc vàng, thế nhưng trên địa bàn các huyện miền núi xứ Thanh vẫn còn hàng nghìn hộ dân đang rất cần đất để canh tác nhưng chưa thể bố trí. Giải quyết vấn đề này cũng đồng nghĩa giải quyết bài toán sinh kế, ổn định đời sống cho một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là hộ nghèo. Để đạt được mục tiêu ấy, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành chức năng và địa phương bằng những hành động cụ thể với giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính bền vững.

Những chính sách hỗ trợ

Trong những năm qua, để ổn định đời sống đồng bào DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất, Trung ương cũng như tỉnh Thanh Hóa đã ban hành và triển khai, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ. Trong đó, nhiều chính sách đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc vùng cao. Điển hình như việc thực hiện Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20-7-2004, Quyết định 1592/QĐ-TTg ngày 12-10-2009 và Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ... Theo đó, giai đoạn từ 2004-2013, tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ trực tiếp bằng đất sản xuất cho 9.412 hộ với tổng diện tích 2.164,3 ha; hỗ trợ 7.006 hộ thiếu đất sản xuất nhưng địa phương không có đất phải chuyển đổi nghề; hỗ trợ xây dựng 30.578 căn nhà cho 30.578 hộ; hỗ trợ 700.000m2 đất ở cho 4.575 hộ; thực hiện cho vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ trên 20 tỷ đồng để mua các loại vật nuôi, công cụ, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất.

Từ những chính sách hỗ trợ đã giúp hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giảm bớt khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, đến nay 11 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa vẫn còn 21.063 hộ nghèo thiếu đất sản xuất, cần khoảng trên 39.000 ha. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đất sản xuất vào thực tiễn cuộc sống còn nhiều bất cập; quá trình triển khai thực hiện ở một số huyện, xã còn lúng túng, vướng mắc chậm được tháo gỡ; đặc biệt là việc cân đối quỹ đất của địa phương và đất thu hồi từ các nông, lâm trường (NLT) để giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào; một số chính sách đến nay vẫn chưa có nguồn vốn hỗ trợ; một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách của Nhà nước...

Qua khảo sát tại xã Yên Khương (Lang Chánh), có gần 200 hộ dân sinh sống tại 3 bản: Xắng, Hằng, Khon không có đất sản xuất. Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm hỗ trợ cho người thiếu đất sản xuất nơi đây. Thế nhưng, khi triển khai vào thực tế lại nảy sinh nhiều bất cập. Điển hình như chính sách hỗ trợ khai hoang ruộng đất, học nghề, chuyển đổi nghề... Do địa hình ở xã Yên Khương bị chia cắt bởi đồi núi, sông suối, vậy nên việc khai hoang là không thể; một phần đất sản xuất do thiên tai, lũ lụt làm sạt lở, xói mòn; còn chuyển đổi nghề khi bắt tay vào thực hiện thì lại gặp khó, khi một số mô hình phát triển kinh tế được triển khai nhưng đã không phát huy hiệu quả; chăn nuôi gia súc lại không có đất trồng cỏ, đó là chưa kể nước sản xuất phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên...

Bài 2: Cần giải pháp đồng bộ, bền vữngNhà máy may S&H Vina (Thạch Thành) giải quyết việc làm cho 6.000 lao động địa phương.

Còn tại huyện Như Xuân, khi bắt tay thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20-5-2013 về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo đang bộc lộ một số bất cập. Điều dễ nhận thấy nhất trong bất cập ấy theo ông Lê Văn Thanh, Trưởng Phòng Dân tộc UBND huyện Như Xuân đó là các thủ tục của Quyết định 755 rườm rà, có một số điểm không phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, khi triển khai chính sách các địa phương không còn quỹ đất để bố trí cho các đối tượng được thụ hưởng. Đối với các địa phương còn quỹ đất để chuyển đổi mục đích sử dụng đều phải tiến hành đánh giá hiện trạng rừng, tác động môi trường và phải trồng lại rừng thay thế như những dự án đầu tư xây dựng cơ bản khác. Điều đó khiến chủ đầu tư gặp khó trong quá trình lập hồ sơ, giải ngân thanh toán nguồn vốn. Điều bất cập nữa là việc bắt buộc người dân được thụ hưởng theo Quyết định 755 phải trồng lại rừng khi tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Trong khi những đối tượng này là hộ nghèo, thiếu đất sản xuất thì làm sao đáp ứng được yêu cầu này, dẫn tới mục tiêu, kế hoạch và tiến độ thực hiện Quyết định 755 tại địa phương bị phá vỡ. Bởi vậy, nguồn vốn phân bổ để thực hiện việc khai hoang, cấp đất sản xuất cho đồng bào DTTS ở nhiều địa phương không “tiêu hết” nên phải trả lại cho Nhà nước...

Những hạn chế, bất cập của huyện Lang Chánh, Như Xuân cũng là thực trạng chung của 11 huyện miền núi trong tỉnh.

Giải bài toán thiếu đất

Để từng bước giải quyết bài toán về tình trạng thiếu đất sản xuất của đồng bào vùng cao xứ Thanh, thiết nghĩ giải pháp trọng tâm hiện nay là các ngành chức năng, các địa phương phải quyết liệt trong việc thực hiện Nghị định 118/2014/NĐ-CP về việc sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các NLT; kiên quyết thu hồi những diện tích đất không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả để giao cho địa phương quản lý, làm cơ sở để cấp đất sản xuất cho người dân. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có các NLT, công ty TNHH, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ (QLRPH)..., đang quản lý diện tích 196.714,4 ha. UBND tỉnh đã ban hành 52 quyết định thu hồi hơn 6.767 ha đất của các đơn vị này. Đây chính là quỹ đất mà các địa phương đang cần để thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo hiện nay. Cùng với đó là căn cứ theo điều kiện cụ thể để xây dựng, thực hiện chính sách sao cho linh hoạt, phù hợp với từng vùng, từng địa phương, hộ gia đình. Đối với những hộ có đất nhưng không phát huy được hiệu quả thì cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời, liên kết tạo chuỗi sản xuất, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập; tạo cơ chế khuyến khích để doanh nghiệp đầu tư tại các vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn nhằm giải quyết việc làm và tiêu thụ sản phẩm nông sản cho bà con nông dân.

Với những hộ gia đình không có đất sản xuất trong hiện tại và tương lai, cần chú trọng nâng cao hiệu quả các chính sách dạy nghề, chuyển đổi nghề, thúc đẩy sản xuất phát triển để tạo thêm nhiều công ăn việc làm; cùng với đó là khôi phục các làng nghề, du nhập một số ngành nghề mới; khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở dạy nghề mở các lớp truyền nghề, dạy nghề cho lao động là người DTTS. Trong đó, dạy nghề, chuyển đổi nghề nên tránh chạy theo số lượng, cần phải bám sát vào tình hình cụ thể ở từng địa phương, nhu cầu và điều kiện của từng hộ gia đình để đào tạo. Điều quan trọng hơn là sau khi dạy nghề, làm sao phải bố trí được công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho các hộ gia đình nghèo, khi đó chính sách hỗ trợ mới phát huy hiệu quả, bền vững...

Vấn đề này được minh chứng qua cách làm của huyện Thạch Thành trong nhiều năm qua. Ông Trần Bá Sơn, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường UBND huyện Thạch Thành, cho biết: Vấn đề cốt lõi, giải bài toán thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm, đó là: Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; trong đó, trọng tâm là thực hiện liên kết với nông dân để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng kinh tế. Cùng với đó, huyện Thạch Thành triển khai quy hoạch phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, nhằm thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người dân địa phương. Trong đó, chú trọng các dự án công nghiệp thu hút nhiều lao động, như: May mặc, dệt kim, giầy da, đường mía, chế biến nông - lâm sản... và hiện nay một số dự án đã và đang hoạt động hiệu quả, như Nhà máy S&H Vina giải quyết việc làm cho 6.000 lao động; 2 nhà máy may tại xã Thạch Quảng và Thành Thọ đang khởi công xây dựng, dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 4.000 lao động địa phương.

Còn theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân, bài toán thiếu đất sản xuất không riêng gì ở huyện Như Xuân mà diễn ra ở hầu hết 11 huyện miền núi trong tỉnh. Vấn đề ở đây là tỉnh cần thu hồi một phần diện tích đất sử dụng kém hiệu quả ở các NLT để giao lại cho người dân thiếu đất sản xuất được xem là một trong những phương án phù hợp. Đối với huyện Như Xuân, hiện nay đang thực hiện một số giải pháp để hỗ trợ cho các hộ gia đình thiếu đất sản xuất, như giao khoán rừng, xuất khẩu lao động, đào tạo chuyển đổi nghề; hỗ trợ sản xuất, khôi phục đàn vịt bầu, trồng cỏ chăn nuôi gia súc... Tuy nhiên, hiện mức hỗ trợ chuyển đổi nghề 5 triệu đồng/hộ là quá thấp, do vậy cần nâng mức hỗ trợ cao hơn để phù hợp với điều kiện hiện nay.

Tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất trên địa bàn các huyện miền núi xứ Thanh cũng được chất vấn sôi nổi và căng thẳng tại Kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 9, khóa XVII vừa qua. Vấn đề này được đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận, chỉ đạo bằng những giải pháp thiết thực, cụ thể và giao cho các cấp, các ngành, địa phương giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.

Một trong những giải pháp để giải quyết căn cơ vấn đề thiếu đất sản xuất, đất ở của người dân được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức rà soát lại diện tích đất đai tại các NLT, đồng thời tiến hành bàn giao diện tích đất đã thu hồi của các đơn vị này giao cho địa phương quản lý và căn cứ vào tình hình thực tế ở mỗi địa phương để hỗ trợ cho các hộ dân thiếu đất sản xuất. Trên cơ sở rà soát, đánh giá lại các hộ dân có nhu cầu đất sản xuất, UBND tỉnh cần xây dựng hệ tiêu chí riêng về hạn mức giao đất cho các hộ dân và báo cáo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh để có sự thống nhất trong chỉ đạo... Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh: Đây là vấn đề quan trọng, liên quan tới đời sống của hàng ngàn hộ đồng bào DTTS nghèo, bởi vậy nhất thiết các ban, ngành, địa phương từ tỉnh đến cơ sở phải vào cuộc một cách quyết liệt; chỉ đạo sâu sát, cụ thể, sáng tạo để thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, giúp cho đồng bào phấn khởi, yên tâm lao động sản xuất, ổn định đời sống, từ đó góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường khối đoàn kết các dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng phối hợp trong thời gian tới sẽ tiến hành rà soát quỹ đất hoạt động kém hoặc không hiệu quả tại các NLT, công ty TNHH, công ty lâm nghiệp, ban QLRPH để tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi đất, lập quy hoạch, xây dựng đề án cấp đất sản xuất tập trung cho đồng bào DTTS nghèo còn thiếu hoặc chưa có đất sản xuất, đất ở. Đối với Ban Dân tộc tỉnh, là cơ quan thường trực triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đến nay đang tích cực triển khai các giải pháp. Đồng chí Lương Văn Tưởng, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc, cho biết: Hiện tại, ban đã làm tờ trình đề nghị Ủy ban Dân tộc cùng các bộ, ngành Trung ương bố trí đủ nguồn vốn để tỉnh Thanh Hóa triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất. Cùng với đó, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các ngành liên quan, các huyện miền núi rà soát, thống kê hộ nghèo thiếu đất sản xuất để tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, từng bước giải quyết tình trạng thiếu đất, để đồng bào có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định đời sống.

Xuân Minh


Xuân Minh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]