(Baothanhhoa.vn) - Thay vì trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng du lịch, các dự án chậm, kéo dài lại đang biến nguồn tài nguyên du lịch trở về trạng thái “ngủ đông” và tạo ra không ít hệ luỵ cả về kinh tế lẫn xã hội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bài 1: Dự án “treo”, kỳ vọng giảm

Thay vì trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng du lịch, các dự án chậm, kéo dài lại đang biến nguồn tài nguyên du lịch trở về trạng thái “ngủ đông” và tạo ra không ít hệ luỵ cả về kinh tế lẫn xã hội.

Mặt bằng dự án biệt thự Hùng Sơn vẫn còn nhiều điểm chưa được giải phóng mặt bằng. Khôi Nguyên

Từ những dự án “treo” kinh niên...

Những ngày giữa tháng 5, nắng như trải lửa lên dải bờ biển dài hàng trăm mét, tĩnh lặng và tiêu điều, thuộc địa phận xã Quảng Hùng (TP Sầm Sơn). Cách đây chừng 15 năm, khu vực này từng có những trảng rừng chắn sóng rậm rì, giúp che chở cho hàng trăm nóc nhà phía sau và bảo vệ đất đai, môi trường tự nhiên. Thế rồi, khi có dự án du lịch vào, những trảng rừng đã bị “vét” sạch để lấy mặt bằng giao cho nhà đầu tư. Theo chân nó là hàng chục hộ dân đã bỏ lại nhà cửa, đất đai và sinh kế, mang theo cả mồ mả tổ tiên đến khu tái định cư. Thế nhưng, cũng ngót ngần ấy năm kể từ khi có Quyết định số 3743/QĐ-CT ngày 19-11-2004 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kết quả trúng thầu đấu giá quyền sử dụng đất, giao cho Công ty CP Văn Phú – Invest triển khai Dự án biệt thự Hùng Sơn (thuộc địa phận các xã Quảng Hùng và Quảng Đại), đến nay, dự án vẫn dậm chân tại chỗ. Cỏ dại hết lớp này đến lớp khác đua nhau mọc và chiếm cứ hoàn toàn hơn chục ha “đất chết”.

Dẫn chúng tôi đi thực địa một vòng quanh dự án, ông Đặng Ngọc Vũ, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Hùng, không khỏi xót ruột: Với một xã ven biển còn nhiều khó khăn, thu nhập người dân bấp bênh, thì sự ra đời của một dự án du lịch tương đối lớn lúc bấy giờ đã mang đến nhiều hứa hẹn. Chúng tôi đã thực sự kỳ vọng dự án du lịch này sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, cũng như nâng cao đời sống cho bà con. Bởi vậy, khi có chủ trương giải phóng mặt bằng, xã đã dành gần 5 ha đất nông nghiệp để xây dựng khu tái định cư. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động người dân di dời, tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai dự án. Thế nhưng, càng mong càng biệt tăm. Có lẽ do không còn kiên nhẫn chờ đợi, hoặc quá xót cho cả chục ha đất nằm phơi nắng phơi gió, nên vài năm gần đây, địa phương đã nhiều lần đề nghị lên chính quyền các cấp và các ngành liên quan, đốc thúc nhà đầu tư triển khai dự án; hoặc thu hồi dự án, trả lại diện tích đất đã bỏ trống lãng phí. Tuy nhiên, sự tồn tại của dự án, cho đến thời điểm hiện tại, hẳn chính là câu trả lời?

Dự án Khu du lịch biển Golden coast resort của Công ty CP Xi măng Công Thanh được UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho phép đầu tư tại Công văn số 3081/UBND-CN ngày 25-7-2006, với tổng diện tích trên 20,4 ha, thuộc địa phận 2 xã Hải Hòa và Bình Minh, huyện Tĩnh Gia. Năm 2008, UBND tỉnh đã duyệt phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại Quyết định số 672/QĐ-UBND ngày 24-3-2008, yêu cầu chủ đầu tư và chính quyền địa phương phải hoàn thành việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong quý II-2008. Sau 8 năm triển khai, đến tháng 6-2016 Công ty CP Xi măng Công Thanh lại có văn bản đề nghị và được UBND tỉnh chấp thuận cho giãn tiến độ thực hiện dự án. Theo đó, tỉnh yêu cầu nhà đầu tư phải hoàn thành giải phóng mặt bằng và hồ sơ sử dụng đất, xây dựng, môi trường để khởi công xây dựng vào tháng 10-2017 và hoàn thành dự án, đi vào hoạt động chính thức trong tháng 5-2019. Song, đến tháng 3-2018, Công ty CP Xi măng Công Thanh tiếp tục có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng 5,25 ha đất rừng phòng hộ phục vụ dự án. Đề nghị này hiện vẫn phải chờ các ngành chức năng xác định cụ thể chủ rừng, trạng thái rừng để tham mưu UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho chuyển đổi mục đích sử dụng. Với “cái lý” nêu trên, hiện dự án Khu du lịch biển Golden coast resort sẽ vẫn tiếp tục im hơi lặng tiếng. Và, cái được nói nhiều ở dự án này có lẽ vẫn là “thâm niên” thực hiện dài lê thê của nó.

Nêu trên chỉ là 2 cái tên tiêu biểu trong hàng chục dự án có chung tình trạng, ví như Khu đô thị du lịch sinh thái Tân Dân (Công ty CP Tập đoàn T&T), Khu đô thị sinh thái biển Đông Á Sầm Sơn (Tổng Công ty Bất động sản Đông Á), Khu du lịch thể thao sinh thái Tiên Trang (Công ty TNHH SOTO)...- thay vì được nói nhiều về quy mô, vốn đầu tư hay hiệu quả khai thác - thì đang được biết đến do có “độ trễ” quá lớn về tiến độ thực hiện. Nếu nhìn từ “điểm” thì sự chậm trễ của một vài dự án, hẳn chưa nói lên nhiều điều. Vậy, nếu nhìn trên diện rộng thì sao?

... đến bức tranh đầu tư...

Sầm Sơn được xem là đầu tàu của du lịch Thanh Hóa, không chỉ bởi sự đóng góp của du lịch trong cơ cấu ngành, mà còn bởi sức hấp dẫn của nó đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, vạn sự không phải đều thuận lợi. Hiện, thành phố đang triển khai 8 dự án du lịch lớn, với tổng vốn đầu tư lên đến 19.285.634 triệu đồng, gồm: Khu đô thị du lịch sinh thái FLC (183,44 ha), Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương (31,99 ha), Khu du lịch sinh thái cao cấp cửa Trường Lệ (47,13 ha), Khu vườn đảo hoang và hoài niệm thuộc dự án văn hóa sinh thái núi Trường Lệ (22,25 ha), Khu biệt thự Hùng Sơn (26,09 ha), Khu du lịch nghỉ mát Nam Sầm Sơn (6,03 ha); Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc (37,78 ha); Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp 2 bờ sông Đơ và quảng trường biển, phố đi bộ Nguyễn Khuyến (700 ha). Theo đánh giá của UBND TP Sầm Sơn thì hầu hết các dự án đều triển khai chậm hoặc chưa đúng tiến độ đề ra. Tình trạng này đã và đang khiến cho đời sống người dân chịu ảnh hưởng từ các dự án gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, nhiều dự án cũng không thể triển khai do các hộ dân không đồng ý kiểm kê, hoặc không ký vào biên bản kiểm kê.

Tuy vậy, Sầm Sơn chỉ là một ví dụ điển hình về sự chậm, “treo” các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh hiện nay. Bởi một số địa phương khác, nhất là các huyện ven biển có tiềm năng lớn về du lịch như Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia, cũng không nằm ngoài thực trạng trên. Tính đến thời điểm hiện tại, Thanh Hóa có 68 dự án đầu tư vào khu du lịch đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng kinh phí đã thực hiện là 11.767 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiến độ triển khai các dự án còn rất chậm. Trong số các dự án được chấp thuận chủ trương, hiện có khoảng 25 dự án đang triển khai thực hiện. Số còn lại hoặc là đang trong giai đoạn hoàn thành hồ sơ, thủ tục đầu tư; hoặc chưa thể triển khai do vấp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là chưa kể, trong số các dự án đã và đang triển khai, vẫn còn không ít dự án chưa bảo đảm tiến độ theo quy định. Như vậy, xét từ “điểm” đến “diện”, bức tranh đầu tư du lịch Thanh Hóa đang cho thấy nhiều “điểm tối” và đặt ra không ít nghi ngờ về khả năng hoàn thành trong thời gian tới.

... và những hệ lụy

Có thể nói, những dự án có “thâm niên” thực kiện kéo dài đang gây ra không ít hệ lụy, cả về kinh tế và xã hội. Dễ thấy nhất là đời sống người dân nằm trong khu vực dự án đang bị đặt vào tình thế “đi thì cũng dở, ở không xong”. Có những chuyện tưởng như đùa mà cười ra nước mắt, khi hàng chục, thậm chí là hàng trăm hộ dân đón dự án từ khi con cái còn nhỏ đến khi chúng trưởng thành, dựng vợ gả chồng, nhưng vẫn phải xoay sở sống trong căn nhà xuống cấp, không được cải tạo, nâng cấp hay chuyển nhượng. Rồi thì đất đai, tài sản trên đất thiếu cơ sở để được thế chấp vay vốn làm ăn. Rồi tình hình an ninh trật tự tại một số địa phương ít nhiều phức tạp do tâm lý người dân không ổn định... Gia đình anh Nguyễn Xuân Bình (thôn 3, xã Quảng Hùng, TP Sầm Sơn) là hộ dân thuộc diện phải di dời của Dự án biệt thự Hùng Sơn, chia sẻ: Cuộc sống gia đình phụ thuộc vào các chuyến đi biển, cho nên, sống gần biển vừa thuận cho công việc, vừa có thể trông coi tàu thuyền. Nếu chuyển vào khu tái định cư chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến công việc và thu nhập của gia đình. Mặc dù ủng hộ việc xây dựng dự án du lịch, nhưng vì cho rằng mức giá bồi thường chưa thỏa đáng, chưa thể giúp gia đình ổn định cuộc sống khi đến nơi ở mới, nên anh Bình và gần 30 hộ dân nằm trong mặt bằng dự án vẫn chưa nhận bồi thường. Cũng vì vậy mà cuộc sống hiện tại của họ đang là chuỗi ngày nhiều vất vả và có phần bất ổn.

Kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư được xem là giải pháp trọng tâm giúp thúc đẩy du lịch phát triển. Song, ngược lại, sự chậm trễ trong triển khai các dự án lại đang kìm hãm sự phát triển du lịch Thanh Hóa. Trao đổi về vấn đề này, bà Vương Thị Hải Yến, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Các dự án càng chậm triển khai đồng nghĩa với nguồn tài nguyên du lịch bị lãng phí một cách đáng tiếc. Đồng thời, thay vì hoàn thành đúng tiến độ quy định để đưa vào khai thác, các dự án chậm kéo theo việc hình thành các sản phẩm cũng chậm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung. Bên cạnh đó, các dự án “treo” cũng đang lãng phí nguồn tài nguyên đất đai và ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều đối tượng liên quan đến giải phóng mặt bằng dự án. Ngoài ra và cũng quan trọng không kém là sự hiện hữu của các “dự án trên giấy” này đang làm mất đi cơ hội thu hút các nhà đầu tư có năng lực và có mong muốn đầu tư thực sự. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả thu hút đầu tư chung toàn tỉnh, cũng như gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước về du lịch...

Vì sao những dự án dù đã kéo dài cả thập kỷ, vẫn chưa thể thực hiện hoặc chưa hoàn thành? Để có lời giải cuối cùng cho bài toán này, phải chăng sẽ cần đến nhiều phép tính kỳ công, với không ít ẩn số rắc rối?

Bài 2: Tìm lời giải cho “nan đề” dự án chậm tiến độ.


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]