(Baothanhhoa.vn) - Là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, bởi vậy huyện Bá Thước đã xây dựng chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bằng những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, quyết tâm thoát khỏi danh sách huyện nghèo vào năm 2025. Mọi việc đã vào guồng quay, với quyết tâm chính trị cao nhất để đưa mục tiêu trở thành hiện thực.

Bá Thước phát triển kinh tế để thoát khỏi huyện nghèo

Là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, bởi vậy huyện Bá Thước đã xây dựng chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bằng những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, quyết tâm thoát khỏi danh sách huyện nghèo vào năm 2025. Mọi việc đã vào guồng quay, với quyết tâm chính trị cao nhất để đưa mục tiêu trở thành hiện thực.

Bá Thước phát triển kinh tế để thoát khỏi huyện nghèoSắn là cây trồng chủ lực, đã và đang góp phần tạo việc làm, cải thiện đời sống cho người dân xã Thiết Ống.

Xác định phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài, vì vậy trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở huyện Bá Thước luôn quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân. Cùng với đó, huyện cũng tập trung triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; vận động Nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm từ đó nâng cao giá trị kinh tế... Bên cạnh đó, huyện cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư vào khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương, như: thủy điện, vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản; huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng Cụm công nghiệp Điền Trung, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; ưu tiên các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông, như: may mặc, giày da, tiểu thủ công nghiệp gắn với các nghề truyền thống để giải quyết việc làm tại chỗ...

Về lĩnh vực nông nghiệp, huyện Bá Thước đẩy mạnh tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững; triển khai hiệu quả Đề án “Phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới để giảm nghèo nhanh, bền vững” và thực hiện 2 khâu đột phá về “Phát triển chăn nuôi đại gia súc và sản phẩm có ưu thế cạnh tranh”, “Quản lý, sử dụng hiệu quả lòng hồ Bá Thước II vào phát triển du lịch và nuôi trồng thủy sản”...

Ngoài ra, huyện Bá Thước đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU về phát triển vật nuôi có lợi thế giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo. Theo đó, lựa chọn 6 loại vật nuôi, gồm: bò Úc, bò lai sind, lợn cỏ, vịt Cổ Lũng, dê núi, gà đồi và các loại thủy sản lồng bè trên sông Mã, hồ thủy điện; khuyến khích Nhân dân trồng các loại cây có hiệu quả cao, như: cây ăn quả, dược liệu, rau an toàn, lúa, khoai tây, ngô, cỏ chăn nuôi... Đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; trồng rừng gỗ lớn; khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng phòng hộ; thâm canh khôi phục rừng luồng...

Từ những giải pháp linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương, bởi vậy tình hình kinh tế - xã hội, công tác giảm nghèo của huyện Bá Thước đạt những kết quả tích cực. Năm 2022, tổng giá trị sản xuất của huyện Bá Thước đạt 5.882 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ; thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 23,86%, cận nghèo 30,28%; đến nay có 3 xã và 82 thôn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới...

Ông Lê Phú Hiền, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Nhờ triển khai đồng bộ các chính sách đầu tư phát triển bền vững và các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội mà đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh so với bình quân của cả tỉnh. Đặc biệt, huyện đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ ra khỏi danh sách 62 huyện nghèo của cả nước.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Phạm Đình Minh, Bí thư Huyện ủy Bá Thước cho rằng, câu chuyện thoát nghèo không phải một sớm một chiều mà là cả một hành trình phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân. Trên hành trình đó, người dân phải là chủ thể, đóng vai trò quyết định, khi người dân có ý chí phấn đấu, thật sự nỗ lực thì chính họ sẽ vận dụng tối đa sức lao động, tư liệu sản xuất vốn có cùng với sự đồng hành của chính quyền địa phương thì công cuộc xóa đói, giảm nghèo sẽ đạt kết quả cao.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, năm 2023 và những năm tiếp theo, cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp và Nhân dân huyện Bá Thước sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Trước mắt, huyện đề ra kế hoạch tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 14,2%; nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 11%; công nghiệp - xây dựng tăng 16,2%; dịch vụ tăng 16,1%; thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/năm; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 35.000 tấn; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 64,4%; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 18,91% (giảm 4,95% so với cùng kỳ); chú trọng đầu tư phát triển các khu du lịch trọng điểm của huyện, như: Khu du lịch Pù Luông, Khu du lịch sinh thái thác Hiêu; Khu du lịch Son - Bá - Mười; Khu du lịch thác Muốn. Đa dạng các sản phẩm du lịch, tăng cường truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch, đưa Bá Thước trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.

Bài và ảnh: Xuân Minh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]