(Baothanhhoa.vn) - Ngày 5–8–2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26 về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là tam nông) nhằm tạo bước đột phá trong phát triển chung cho khu vực nông thôn Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc nhiều

10 năm thực hiện nghị quyết về tam nông: Nhìn từ huyện trọng điểm nông nghiệp Yên Định

Ngày 5–8–2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26 về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là tam nông) nhằm tạo bước đột phá trong phát triển chung cho khu vực nông thôn Việt Nam.

HTX dịch vụ nông nghiệp Định Tường (xã Định Tường, huyện Yên Định) đầu tư máy sấy lúa phục vụ bà con nông dân trong xã.

Ngay sau đó, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có Chương trình hành động số 56 để triển khai thực hiện nghị quyết. 10 năm trôi qua, việc thực hiện nghị quyết về tam nông tại Thanh Hóa đã gặt hái được nhiều thành công, đúc rút được nhiều kinh nghiệm cho quá trình phát triển bền vững trong thời kỳ mới. Để có cái nhìn thấu đáo về các vấn đề liên quan, chúng tôi đã tìm hiểu tại địa phương được coi là trọng điểm nông nghiệp của tỉnh – huyện Yên Định.

Hằng năm, xã Định Tường có vùng chuyên canh từ 100 đến 120 ha sản xuất hạt giống lúa lai F1, 80 đến 90 ha giống ngô lai F1, hơn 400 ha hạt giống lúa thuần nguyên chủng cùng hàng chục ha các loại cây trồng hàng hóa xuất khẩu. Xã cũng xây dựng được vùng sản xuất rau an toàn rộng tới 21 ha theo tiêu chuẩn VietGAP. Những diện tích cây trồng hàng hóa nói trên đều gắn với việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn và liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Thành công trong lĩnh vực trồng trọt ở Định Tường chính là kết quả của quá trình chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, tổ chức lại sản xuất, nỗ lực đưa các giống mới, chất lượng cao vào đồng ruộng... Từ chục năm trước, địa phương đã khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn, hiện trong xã có hơn 20 hộ gia đình có đất nông nghiệp rộng từ 1 đến 5 ha. Đó chính là điều kiện để kêu gọi doanh nghiệp vào hợp tác cũng như áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Theo đó, hằng năm, toàn xã xuất bán cho các công ty từ 1.800 đến 2.000 tấn hạt giống các loại nên giá trị sản xuất trong trồng trọt ở Định Tường luôn xếp vào hàng cao nhất tỉnh. Năm 2017, mỗi ha đất canh tác của xã cho thu nhập trung bình tới hơn 140,2 triệu đồng, tăng 66,2 triệu đồng so với năm 2008 - thời điểm bắt đầu thực hiện nghị quyết về tam nông.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, xã cũng có những bước tiến dài trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đầu tiên là việc “sin hóa” đàn bò, nạc hóa đàn lợn, sau đó là đưa giống gà Lương Phượng, ri lai, gà Ai Cập vào nuôi. Chăn nuôi trang trại, gia trại phát triển cũng chính là yếu tố quan trọng để xã chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Sự phát triển về cả chất lẫn lượng trong nông nghiệp chính là tiền đề thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở địa phương. Đến nay, xã có các lĩnh vực: Chế biến lương thực, in thêu, nghề mộc, nứa cuốn sơn mài, cơ khí, dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp... Đặc biệt, trên địa bàn xã có cả một công ty may mặc về đầu tư, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương và các xã trong vùng. Đó là kết quả sau quá trình triển khai các nghị quyết của đảng ủy xã về ưu tiên phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp trên địa bàn xã. Kinh tế đa ngành phát triển, thu nhập của người dân theo đó cũng không ngừng tăng lên. Năm 2017, bình quân thu nhập đầu người của Định Tường đã đạt 35,5 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 3,5%. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong xã cũng không ngừng tăng lên.

Nhìn lại quá trình thực hiện nghị quyết về tam nông, đồng chí Lê Công Hành, Bí thư Đảng ủy xã Định Tường đúc rút ra nhiều kinh nghiệm. Trước hết, phải coi trọng công tác tuyên truyền, vận động làm chuyển biến nhận thức và hành động các tầng lớp nhân dân trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đồng thời phát huy, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế. Công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền phải sáng tạo, quyết liệt, biết lựa chọn những vấn đề mang tính đột phá, bức xúc để tập trung giải quyết trước. Riêng sản xuất nông nghiệp, phải ưu tiên cho áp dụng tiến bộ khoa học làm bước đột phá, đồng thời luôn quan tâm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có trình độ, tâm huyết cho phát triển nông nghiệp... Khi có điều kiện, cần đầu tư hệ thống hạ tầng sản xuất giúp người dân phát triển sản xuất thuận lợi và kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp bên ngoài.

Kinh tế nông nghiệp của huyện Yên Định trong nhiều năm qua chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn được đầu tư khá đồng bộ. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp trong 10 năm qua có sự tăng trưởng trung bình 6%/năm, góp phần đưa giá trị sản xuất mỗi ha đất nông nghiệp của huyện từ 72 triệu đồng (năm 2008) lên 136,2 triệu đồng (năm 2017). Việc phát triển ngành nghề, dịch vụ trong nông nghiệp, nông thôn cũng được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong huyện quan tâm tạo điều kiện, góp phần mở mang nhiều ngành nghề và giải quyết thêm hàng chục nghìn việc làm cho người dân. Nhiều cụm kinh tế được quy hoạch, hình thành và phát triển tại khu vực thị trấn Quán Lào, thị trấn Thống Nhất, xã Yên Lâm... Hàng chục ngành nghề mới được du nhập trong gần 10 năm qua, trong số đó phải kể đến: Giầy da, may mặc ở xã Định Liên; nghề nứa cuốn sơn mài, mây giang xiên, thêu ren ở các xã Định Tường và Định Bình; sản xuất đá ốp ở các xã Yên Lâm và Quý Lộc, sản xuất đá xây dựng ở xã Định Thành, Định Tăng... Tính đến năm 2017, thu nhập bình quân của người dân nông thôn huyện Yên Định đã đạt trung bình 33,4 triệu đồng/người, cao hơn 3,3 lần so với năm 2008.

Cùng với phát triển kinh tế, huyện Yên Định còn không ngừng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn. Từ hạ tầng thủy lợi đến giao thông nông thôn, từ xây dựng kết cấu văn hóa đến các công trình công cộng... ở huyện nông thôn mới đầu tiên của Thanh Hóa này đều được đánh giá cao so với nhiều địa phương khác trong tỉnh. Yếu tố đổi mới và thành công nhất của Yên Định có lẽ là cách thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn. Hộ sản xuất trang trại, HTX, doanh nghiệp đã phát triển mạnh hơn kinh tế nông hộ manh mún, nhỏ lẻ, không mấy hiệu quả. Huyện cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách riêng cho phát triển tam nông, trong đó có chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ mua các loại máy nông nghiệp, phát triển y tế và giáo dục, vệ sinh môi trường... Nhiều chính sách đã mang lại động lực lớn cho thúc đẩy sản xuất và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo môi trường thuận lợi để phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân trong huyện...

Nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được xác định là lâu dài, liên tục; nhất là với Thanh Hóa có phần lớn diện tích và dân số thuộc khu vực nông thôn. 10 năm thực hiện nghị quyết về tam nông vừa được Trung ương tổng kết, song những kinh nghiệm từ Yên Định nói riêng và toàn tỉnh nói chung vẫn còn ý nghĩa lâu dài cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn toàn tỉnh.


Bài và ảnh: Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]