(Baothanhhoa.vn) - Nhằm thiết lập hệ thống phân phối hàng hóa, phục vụ đa dạng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân, những năm gần đây, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển đột phá. Tỉnh Thanh Hóa đã trở thành một điểm giao thương năng động, đáp ứng khá tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển hạ tầng thương mại, phục vụ đa dạng nhu cầu người tiêu dùng

Nhằm thiết lập hệ thống phân phối hàng hóa, phục vụ đa dạng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân, những năm gần đây, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển đột phá. Tỉnh Thanh Hóa đã trở thành một điểm giao thương năng động, đáp ứng khá tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Phát triển hạ tầng thương mại, phục vụ đa dạng nhu cầu người tiêu dùng

Nhân viên Siêu thị miền Tây - Quan Hóa sắp xếp hàng hóa tại khu vực bày bán.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, đầu tư trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn tỉnh tăng trưởng đột phá trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, với mức tăng trưởng 21,3%/năm. Hiện nay, toàn tỉnh hiện có 119.700 cơ sở kinh doanh thương mại, tăng 21.648 cơ sở so với năm 2015. Trong đó, có 20 siêu thị, trung tâm thương mại được công nhận theo quy định, 6 kho xăng dầu, 540 cửa hàng bán lẻ xăng dầu và 391 chợ. Toàn tỉnh cũng đã có 99 chợ hoàn thành chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác, 164 chợ được công bố hợp chuẩn chợ kinh doanh.

Nhiều trung tâm thương mại lớn với tổ hợp nhà hàng, khu vui chơi giải trí, mua sắm quy mô hiện đại trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng được nhu cầu mua sắm và vui chơi giải trí cho Nhân dân. Hiện nay, hệ thống siêu thị bước đầu hoạt động có hiệu quả. Người dân đã hình thành thói quen mua hàng hóa tại các siêu thị theo xu hướng hiện đại. Hiện một số dự án trung tâm thương mại vẫn đang tiếp tục được chuẩn bị đầu tư xây dựng. Riêng trong năm 2020, tổng số vốn đầu tư phát triển trong lĩnh vực hạ tầng thương mại đạt 5.200 tỷ đồng. Ngoài các siêu thị lớn, như BigC Thanh Hóa, Co.opmart Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh chuỗi các cửa hàng bán lẻ Vinmart+, hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch... đang rất “được lòng” người tiêu dùng với ưu điểm hàng hóa, thực phẩm rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, đầy đủ chứng nhận quy chuẩn.

Với 99 chợ đã được chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác, 164 chợ được công bố hợp chuẩn chợ kinh doanh, tỉnh Thanh Hóa hiện cũng đang đi đầu cả nước trong công tác chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ và xây dựng chợ an toàn thực phẩm. Sau chuyển đổi, các chủ đầu tư mới đã xây dựng, cải tạo chợ đáp ứng các tiêu chí vệ sinh, thúc đẩy hoạt động giao thương tại chợ truyền thống.

Tại khu vực các huyện miền núi, hệ thống các siêu thị miền Tây của Công ty TNHH Thương mại MTV Miền núi Thanh Hóa đã phủ khắp 11 huyện, với cơ cấu hàng hóa đa dạng, trong đó hàng Việt chiếm tới 90%. Sở Công Thương đã tích cực triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt Nam về các xã vùng sâu, vùng xa bằng nhiều hình thức, như: Tổ chức các chuyến xe lưu động bán hàng Việt, tổ chức các phiên chợ hàng Việt, các chương trình bán hàng bình ổn giá... Các hoạt động này đã tạo điều kiện cho người dân các xã vùng sâu, vùng xa được tiếp cận, mua sắm và nhận biết được hàng Việt Nam chất lượng cao, giá cả phù hợp.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, phát triển hạ tầng dịch vụ, thương mại đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc luân chuyển, tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tăng trưởng khá, từ 15-20%. Thị trường hàng hóa và dịch vụ tương đối ổn định, sức mua của dân cư tăng, giá cả bình ổn, hàng hóa dồi dào, phong phú nguồn cung, đáp ứng tốt mọi nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân.

Mặc dù có sự phát triển khá “nóng”, tuy nhiên, việc phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Đó là thực trạng các chợ ở vùng sâu, vùng xa bị xuống cấp. Trong khi đó, thu hút xã hội hóa đầu tư chợ chưa đạt được kết quả đồng đều. Khu vực nông thôn, ít lợi thế thương mại hiện rất khó thu hút nhà đầu tư. Việc đầu tư các trung tâm thương mại, siêu thị cũng đang tồn tại những bất cập. Một số dự án thương mại ở vị trí “vàng” nhưng tiến độ đầu tư bị chậm trễ. Hiện nay, các ngành liên quan đang tiếp tục rà soát, đánh giá tiến độ các dự án và sẽ thực hiện thu hồi những dự án đầu tư kéo dài, gây lãng phí tài nguyên. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, triển khai các chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư xã hội hóa chợ, phát triển các cửa hàng tiện ích, chuỗi hệ thống thực phẩm an toàn.

Bài và ảnh: Tùng Lâm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]