(Baothanhhoa.vn) - Chiều 31-3, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có biện pháp cách ly toàn xã hội trong thời gian 15 ngày, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã tập trung đến các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống để mua sắm hàng hóa thiết yếu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hàng hóa vẫn dồi dào, bình ổn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân

Chiều 31-3, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có biện pháp cách ly toàn xã hội trong thời gian 15 ngày, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã tập trung đến các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống để mua sắm hàng hóa thiết yếu.

Hàng hóa vẫn dồi dào, bình ổn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân

Hàng hóa tiếp tục được các siêu thị bổ sung, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh (Khách mua hàng tại Siêu thị BigC Thanh Hóa).

Ghi nhận tại các chợ, siêu thị và khảo sát của Sở Công Thương, lượng hàng hóa tiêu thụ trong ngày 31-3 tăng đột biến, trung bình gấp 2-3 lần những ngày trước đó. Một số mặt hàng thiết yếu như gạo, dầu ăn, thực phẩm tươi sống, mức tiêu thụ ước tăng gấp 4-5 lần, gây nên tình trạng thiếu hụt hàng hóa cục bộ.

Tuy nhiên, do có sự chuẩn bị từ trước, cùng với các chính sách điều tiết và bình ổn giá, thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh nhanh chóng được ổn định. Ngày 1-4 - ngày đầu tiên thực hiện cách ly toàn xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hàng hóa, lương thực, thực phẩm cung ứng trên thị trường vẫn khá dồi dào. Phần lớn giá cả hàng hóa ổn định như những ngày trước đó. Cá biệt có một số loại hàng hóa tăng giá nhẹ là những mặt hàng được vận chuyển từ các địa phương xa tới.

Tại Chợ đầu mối rau quả thực phẩm Đông Hương, không khí mua bán đã “hạ nhiệt” nhiều so với ngày 31-3. Bà Nguyễn Thị Phúc, Ban quản lý chợ cho biết: Tuy sản lượng hàng hóa tỉnh ngoài về trong ngày có giảm. Tuy nhiên, do sự chủ động tìm nguồn hàng của các hộ kinh doanh cùng với việc ban quản lý đã tổ chức ký cam kết với các hộ kinh doanh không tăng giá bất hợp lý các loại hàng hóa, do đó, cơ cấu các mặt hàng vẫn khá đa dạng, giá cả không có biến động.

Bà Nguyễn Thị Dìn, kinh doanh mặt hàng thịt lợn tại chợ, cho biết: Giá thịt lợn trong ngày đầu tiên thực hiện cách ly không tăng, thịt mông có giá 130.000 đồng/kg, thịt thăn có giá 150.000 đồng/kg, xương lợn 70.000 đồng/kg. Do người dân đã mua và tích trữ hàng hóa để dùng dần nên lượng tiêu thụ trong ngày 1-4 có giảm và chậm lại.

Tại khu vực bày bán lương thực, thực phẩm, đồ khô, hàng hóa vẫn tiếp tục được vận chuyển. Duy có mặt hàng hải sản khô tăng nhẹ.

Tại hệ thống các siêu thị, ngay từ chiều 31-3, hàng hóa thiết yếu tiếp tục được Siêu thị BigC Thanh Hóa, Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa, chuỗi cửa hàng Vinmart và các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini nhanh chóng bổ sung. Ghi nhận sáng ngày 1-4, các loại thực phẩm tươi sống, rau xanh, hoa quả, sữa, gạo, mì tôm, dầu ăn... đã đầy ắp các kệ hàng siêu thị. Ông Lê Văn Liêm, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa, cho biết: Từ 13h chiều 31-3, lượng khách tới siêu thị mua hàng tăng đột biến. Một số khách hàng mua dự trữ hàng hóa với khối lượng khá nhiều, dẫn đến tình trạng khan hiếm trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, hệ thống Siêu thị Co.opmart đã có kịch bản cung ứng từ trước nên đơn vị đã làm việc ngay với các nhà phân phối bổ sung nguồn hàng. Đồng thời, “tung” nguồn hàng dự trữ tại các kho bổ sung cho thị trường. Ông Liêm cũng cho biết thêm, để ứng phó với tình hình dịch bệnh, một số mặt hàng thiết yếu đã được hệ thống Siêu thị Co.opmart ký hợp đồng sản xuất từ 3-6 tháng. Siêu thị cũng tiếp tục cam kết cung ứng hàng hóa với giá cả bình ổn cho người tiêu dùng đối với 11 nhóm hàng hóa thiết yếu trong thời gian này. Để giữ khoảng cách an toàn cho người dân đến siêu thị, Co.opmart Thanh Hóa thường xuyên phát tuyên truyền qua hệ thống loa về quy định giữ khoảng cách an toàn 2m. Tăng cường các hình thức mua bán trực tuyến qua facebook, zalo, viber, gọi điện thoại trực tiếp, miễn phí giao hàng trong nội thành TP Thanh Hóa.

Tại Siêu thị BigC, nguồn hàng cung ứng ra thị trường cũng khá dồi dào. Đại diện đơn vị này cho biết: Ngoài nguồn hàng được bổ sung hàng ngày, đơn vị cũng đã có kế hoạch dự trữ lượng hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu như: Gạo, mỳ tôm, đồ hộp, nước tinh khiết, trứng gia cầm, thịt gia súc, giấy vệ sinh... sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng.

Đồng chí Lữ Minh Thư, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16, một bộ phận người dân do tâm lý lo lắng nên đã đi mua hàng hóa tích trữ. Trước tình hình đó, Sở Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp, các siêu thị tăng cường điều chuyển hàng hóa từ các kho ra thị trường. Về phương án lâu dài, Sở Công Thương cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh như: Công ty CP Thương mại Sao Khuê, Công ty Lương thực miền Bắc, các công ty, HTX cung ứng rau xanh, hoa quả ưu tiên phục vụ thị trường nội tỉnh. Trong bối cảnh hiện nay khi tình hình xuất khẩu hạn chế, thị trường lương thực, thực phẩm cung ứng trong tỉnh về cơ bản đáp ứng nhu cầu.

Ngày 1-4, Sở Công Thương cũng đã có văn bản hướng dẫn, thông tin tuyên truyền một số nội dung trong hoạt động thương mại trên địa bàn, nhằm thực hiện tốt các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 11 của Chủ tịch UBND tỉnh. Theo đó, các chợ, siêu thị tổng hợp, trung tâm thương mại (trừ các dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống tại chỗ); cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini (trừ dịch vụ ăn uống tại chỗ); cửa hàng tạp hóa và các chuỗi kinh doanh thực phẩm; cửa hàng kinh doanh xăng dầu, gas, khí đốt trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì hoạt động bình thường trong thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội 15 ngày từ 0 giờ ngày 1-4-2020. Đồng thời, khuyến khích người dân trên địa bàn tỉnh chỉ nên mua lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm đáp ứng nhu cầu trong ngày hoặc không quá 3 ngày, không mua tích trữ với số lượng hàng hoá quá mức cần thiết cho nhu cầu trong thời gian này. Khuyến khích người dân tích cực mua bán hàng hóa trực tuyến, qua điện thoại, giao hàng tại nhà. Đối với chợ truyền thống, Sở Công Thương cũng đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý tại chợ trong công tác phòng, chống dịch.

Được biết, để ứng phó với tình huống phải cách ly thôn, xã, khu phố... khi có dịch COVID-19 bùng phát, Sở Công Thương cũng đã xây dựng dự thảo 5 kịch bản ứng phó phù hợp với từng cấp độ, nhằm thích ứng với tình hình thực tế.

Chung tay cùng các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc phòng, chống dịch bệnh, người dân cần thực hiện nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế, đồng hành cùng Nhà nước trong hành vi không tích trữ hàng hóa làm khan kiếm cục bộ, gây biến động thị trường, hoang mang dư luận và tạo điều kiện cho các hoạt động tích trữ, tăng giá. Đồng thời, ưu tiên sử dụng các hình thức mua hàng hiện đại.

Bài và ảnh: Minh Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]